Thứ Sáu, 26/02/2021, 11:00 (GMT+7)
.

Rằm tháng Giêng trong văn hóa truyền thống Việt

Thành ngữ có câu “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Điều này cho thấy, trong tâm thức người Việt, Rằm tháng Giêng được xem là ngày quan trọng. Có lẽ vì vậy mà hằng năm vào ngày 14 và 15 tháng Giêng (âm lịch), không chỉ phật tử mà cả những người dân bình thường đều đến chùa dâng hương, dâng hoa lễ Phật, cầu nguyện cho đất nước hưng thịnh, mưa thuận gió hòa, người người bình an, sung túc và hạnh phúc.

Người dân viếng chùa Vĩnh Tràng (TP. Mỹ Tho) cúng Phật, cầu cho quốc thái dân an…
Người dân viếng chùa Vĩnh Tràng (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cúng Phật, cầu cho quốc thái dân an...

Theo lý giải của các phật tử thuần thành, sở dĩ người dân hay nói “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng” là vì Rằm tháng Giêng là rằm khởi đầu của năm, thích hợp với việc ước nguyện điều lành. Rằm tháng Giêng không phải là lễ quan trọng của Phật giáo so với rằm tháng Tư (Lễ Phật đản) và Rằm tháng Bảy (Vu Lan) nhưng trùng hợp với Tết Thượng nguyên (Tết Nguyên tiêu) và Tết Nguyên đán; đồng thời, là Rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện bình an cho cả năm, nên thu hút đông đảo giới phật tử và toàn thể người dân tham gia.

Ngày nay người Việt vẫn luôn duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống đi chùa lễ Phật, thờ cúng tổ tiên đậm chất nhân văn trong dịp Rằm tháng Giêng, để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, bình an, may mắn đến với gia đình, thân tộc. Thông lệ hằng năm, trước ngày rằm, ở các chùa tổ chức chuẩn bị cơm chay, trước là dâng cúng Phật, sau là đãi phật tử gần xa. Mặc dù chỉ là những phần ăn đơn giản, nhưng tạo được không khí ấm cúng trong ngày đầu năm mới. Đây cũng là chút lộc đầu năm để mọi phật tử đều cảm thấy ấm lòng khi đến chùa lễ Phật.

Trao đổi với chúng tôi, Hòa thượng Thích Huệ Minh, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang cho biết: “Ngày nay, không chỉ phật tử mới đi chùa, mà cả những người không phải là phật tử, không theo đạo cũng thường xuyên đến chùa cầu bình an. Đặc biệt là, ngày Rằm tháng Giêng đầu năm mới, phật tử khắp nơi trở về chùa cùng quý tăng, ni tổ chức lễ Phật và cùng nhau cầu nguyện cho quốc thái dân an, no ấm, hạnh phúc, an vui”.

Tại các chùa Sắc Tứ Linh Thứu, Bửu Lâm, Vĩnh Tràng, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác…, mọi năm, Rằm tháng Giêng đón hàng ngàn phật tử từ khắp nơi đến viếng chùa, lễ Phật, nhưng năm nay do dịch bệnh Covid-19 nên số phật tử cũng như khách thập phương đến ít hơn.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, 65 tuổi, ngụ phường 5, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Những năm qua, tôi thường đi chùa, có khi chùa Vĩnh Tràng, có khi đi Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác…, không chỉ dịp rằm, mà ngày thường tôi cũng thường đến chùa cúng Phật. Đặc biệt, Rằm tháng Giêng năm nào tôi cũng đi chùa để cùng các tăng, ni, phật tử làm lễ cầu an cho gia đình. Đây là dịp để mọi người thành tâm hướng Phật, cầu mong cho năm mới gia đạo bình an, con cháu học hành, làm việc thuận lợi…”.

Bên cạnh việc đi lễ chùa, văn hóa người Việt rất coi trọng lễ cúng tại nhà trong ngày Rrằm tháng Giêng. Các gia đình thường sắm hoa tươi, trái cây cúng Phật; nấu (hoặc mua) chè, xôi hay làm mâm cơm cúng gia tiên vào ngày 14, 15 tháng Giêng (âm lịch). Tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán mà mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng của mỗi gia đình chuẩn bị đồ cúng khác nhau; sau đó là viếng các điểm chùa, mong gặt hái nhiều suông sẻ, thuận lợi suốt cả năm.

GIA TUỆ

.
.
.