Thứ Hai, 15/02/2021, 11:10 (GMT+7)
.

Văn hóa Việt lên phim

Điện ảnh Việt Nam đang trong giai đoạn vươn mình mạnh mẽ, phong phú, đa dạng về thể loại, đề tài. Trong dòng chảy ấy, văn hóa Việt dẫu mới được khắc họa khá khiêm tốn trên phim Việt nhưng đã có những sự chuyển động đáng khích lệ.

a
Bối cảnh cung đình Huế trong bộ phim Gái già lắm chiêu V. Ảnh: ĐPCC

Thay đổi

Tại buổi công bố dàn diễn viên chính cho dự án Thanh Sói, nhà sản xuất - đạo diễn Ngô Thanh Vân chia sẻ, Hãng phim Studio 68 do chị thành lập hoạt động dựa trên 3 tiêu chí. Một trong số đó là tìm kịch bản gốc để phát triển phải hướng về con người và văn hóa Việt Nam, nỗ lực để có sản phẩm thuần Việt.

Minh chứng từ những: Song lang, Cô ba Sài Gòn, Tấm Cám, Chuyện chưa kể, Hai Phượng… hay sắp tới đây là Trạng Tí cho thấy những tuyên bố của Ngô Thanh Vân không phải lời nói suông. “Nếu không làm phim về văn hóa Việt, các bạn trẻ sẽ xem gì trong tương lai, nhất là trong trào lưu văn hóa ngoại nhập hiện nay?”, chị tâm tư.

Vài năm trở lại đây, mỗi năm điện ảnh Việt ra mắt khoảng 40 phim nhưng hầu hết thiên về tính giải trí và thương mại. Số lượng tác phẩm khai thác hay tôn vinh văn hóa Việt còn dè dặt, như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến, Sài Gòn anh yêu em, Mắt biếc, Mẹ chồng, Dạ cổ hoài lang… Tuy nhiên, như thế không hẳn chỉ có sự bi quan, bởi nhìn vào thực tế, các nhà làm phim đang ngày càng hình thành ý thức trong việc đưa văn hóa Việt vào phim theo nhiều cách khác nhau. Cậu Vàng và Kiều đều được lấy cảm hứng từ những tác phẩm văn học kinh điển. Võ sinh đại chiến quảng bá và tôn vinh võ thuật truyền thống Việt. Những dự án dã sử, huyền sử, cổ trang như: Trưng Vương, Quỳnh Hoa Nhất Dạ… càng thể hiện yếu tố văn hóa rõ rệt hơn.

"Khán giả vốn yêu thích những giá trị truyền thống văn hóa Việt nhưng cũng từ đó mà sự kỳ vọng của họ càng lớn hơn" - Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân

Mùa phim Tết 2020, với Gái già lắm chiêu V, 2 đạo diễn Bảo Nhân - Namcito cũng dành sự tôn vinh văn hóa Việt theo cách rất hiện đại. Đây có lẽ là lần hiếm hoi cung đình Huế xuất hiện một cách đậm nét trên màn ảnh rộng. Bên cạnh đó, truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy hay họa tiết chim Phượng từ Phượng Bào triều Nguyễn… cũng lần lượt có mặt trong phim. “Làm sống lại biết bao di tích cổ kính bằng một tác phẩm điện ảnh lấy bối cảnh hiện đại, đội ngũ sản xuất phim không chỉ muốn tôn vinh những giá trị, bản sắc của dân tộc Việt Nam mà còn đem tới cái nhìn mới mẻ cho giới trẻ ngày nay về lịch sử nước nhà”, đại diện ê kíp chia sẻ.

Khó nhưng quyết tâm

Thực hiện những bộ phim phản ánh, tôn vinh văn hóa Việt có muôn vàn cách. Đó có thể là khắc họa vẻ đẹp của làng quê với cây đa đầu làng, khói lam chiều trên những mái tranh vách đất mộc mạc, bọn trẻ cưỡi trâu hò reo hay những ngõ nhỏ, phố nhỏ nơi thị thành. Đó có thể là tôn vinh trang phục thuần Việt như áo dài, áo tứ thân cho đến trang phục cung đình hay các bộ môn nghệ thuật truyền thống: cải lương, đờn ca tài tử… Hoặc có thể là phạm trù rộng lớn hơn: khắc họa ý chí, tinh thần Việt với lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu nước. Nhưng chắc chắn trên bất cứ bình diện nào, nó luôn là thử thách đối với các nhà làm phim. Trong không ít trường hợp, họ giống như đang “đi ngược dòng”.

a

Diễn viên Thanh Hằng thử trang phục cho dự án Quỳnh Hoa Nhất Dạ. Ảnh: ĐPCC

Sau 3 năm dày công chuẩn bị, dự án Trưng Vương vẫn đang trong giai đoạn tuyển chọn diễn viên, chọn nhân vật phù hợp. Theo nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh: “Chúng tôi đã làm việc với nhiều giáo sư sử học Việt Nam, nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên gia lịch sử... để tạo nên một dự án chỉn chu từ kiến trúc, trang phục, bối cảnh và câu chuyện liên quan đến 2 vị nữ vương - Hai Bà Trưng. Chúng tôi hy vọng sẽ khơi dậy niềm tự hào cho khán giả Việt Nam, cũng như giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc ta đến với bạn bè quốc tế”. Trong khi đó, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng xác định: “Trạng Tí chính là một cơ hội lớn để có thể giới thiệu văn hóa dân gian Việt đến với công chúng, đặc biệt là với thế hệ tương lai và rộng ra, với thế giới”.


"Tôi luôn mong muốn trang phục của mình không chỉ góp phần kể câu chuyện của nhân vật mà còn thể hiện được nét văn hóa Việt Nam" - Nhà thiết kế Thủy Nguyễn, Giám đốc Sáng tạo Quỳnh Hoa Nhất Dạ

Khó khăn đến với các nhà làm phim theo nhiều cách khác nhau. Dễ nhận thấy nhất là câu chuyện kinh phí, khi phim thuộc đề tài này luôn cần sự đầu tư tương xứng. Với những bộ phim lịch sử, cổ trang, các ê kíp còn chịu áp lực lớn từ khán giả. Những tranh cãi trong việc chọn trang phục có thuần Việt hay không trong dự án Quỳnh Hoa Nhất Dạ hoặc việc sử dụng chữ Quốc ngữ trong Kiều là điển hình.

Tuy nhiên, điều quan trọng và lạc quan hơn hết là các nhà làm phim luôn hiểu rằng những tác phẩm như thế không chỉ giúp họ định hình phong cách, dấu ấn cá nhân mà quan trọng hơn còn góp phần tạo nên bản sắc cho điện ảnh Việt giữa làn sóng tràn ngập phim ngoại. Nói như nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh: “Nhắc đến những dự án lớn như thế này, khán giả thường nghĩ chỉ có Hollywood hay những đất nước có ngành công nghiệp điện ảnh lớn mới đủ sức thực hiện. Nhưng chúng tôi nghĩ, bộ phim này mang đậm bản sắc dân tộc Việt, nên do người Việt thực hiện là phù hợp nhất. Bởi chỉ có người Việt mới hiểu đúng lịch sử, ngôn ngữ và kiến thức về văn hóa của mình”.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
Liên kết hữu ích
.