Thứ Hai, 22/03/2021, 19:10 (GMT+7)
.

Hành trình trăm tỷ của điện ảnh Việt

Số lượng phim Việt vượt mốc doanh thu trăm tỷ đều đặn tăng lên, cùng vô số kỷ lục mới được tạo ra. Trong hành trình trăm tỷ ấy, ngoài câu chuyện chất lượng, hợp thị hiếu khán giả, không thể không kể đến yếu tố may mắn.

Kỷ lục nối tiếp

Chiếu sớm từ ngày 5-3, Bố già chính thức trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Đây cũng là phim Việt đầu tiên vượt mức doanh thu 10 triệu USD (hơn 230 tỷ đồng) như kỳ vọng của nhiều nhà phát hành. Doanh thu phòng vé của Bố già đang ở con số 300 tỷ đồng và có thể cao hơn nữa.

Những bộ phim trăm tỷ của điện ảnh Việt
Những bộ phim trăm tỷ của điện ảnh Việt.
 
Năm 2017, khi Em chưa 18 cán mốc doanh hơn 170 tỷ đồng, rất nhiều người tin rằng kỷ lục này cần nhiều thời gian để phá vỡ. Tuy nhiên, ngay đầu năm 2019, Cua lại vợ bầu và Hai Phượng đã có màn “rượt đuổi” ấn tượng, lần lượt đạt doanh thu 191,8 tỷ và hơn 200 tỷ đồng. Năm 2020, Tiệc trăng máu đạt doanh thu hơn 175 tỷ đồng và lập kỷ lục tốp 1 phòng vé trong 5 tuần liên tiếp. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 13 phim Việt có doanh thu từ 100 tỷ đồng trở lên, trong đó, 2 phim đạt hơn 200 tỷ.

Trong buổi trò chuyện vào đầu tháng 3 có chủ đề “Hội trăm tỷ - Hành trình và kinh nghiệm” (Xinê House tổ chức), 6 đạo diễn Charlie Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng, Nhất Trung, Phan Gia Nhật Linh, Lê Thanh Sơn và Võ Thanh Hòa đều khẳng định, không có công thức nào để làm ra bộ phim trăm tỷ. Tuy vậy, theo đạo diễn Lê Thanh Sơn, các phim đều có mẫu số chung nhất định. “Đó là kịch bản có tính đột phá, chất lượng diễn xuất, đặc biệt là sự thăng hoa của diễn viên. Trường hợp Kaity Nguyễn trong Em chưa 18 cho thấy đó là làn gió mới của điện ảnh, góp phần thu hút khán giả. Và còn nhiều yếu tố khác để chạm đến trái tim khán giả”, đạo diễn Lê Thanh Sơn phân tích.

Đạo diễn Võ Thanh Hòa nhấn mạnh đến quy tắc vàng trong điện ảnh - “show, don’t tell” (hãy thể hiện, đừng chỉ nói). Nếu khán giả không hiểu về bộ phim, đó chính là lỗi của nhà làm phim. Theo anh, ở nhiều nước phát triển có phân chia thành các hạng phim khác nhau và kể cả các phim kinh phí thấp cũng có những ngách đi riêng.

Trong thành công của các bộ phim trăm tỷ, không thể không kể đến yếu tố may mắn. Những: Trạng Quỳnh, Siêu sao siêu ngố… là bằng chứng. Ngay cả trường hợp của Tiệc trăng máu, Bố già, Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử…, yếu tố may mắn có vị trí quan trọng. Đạo diễn Võ Thanh Hòa cho rằng, không nhà làm phim nào dám tự tin phim mình ra rạp sẽ đạt doanh thu trăm tỷ và yếu tố may mắn luôn là rất lớn.

Dẫn chứng về sự may mắn, đạo diễn Lê Thanh Sơn thừa nhận, nếu Em chưa 18 phát hành muộn hơn thì khó gây tiếng vang. Anh phân tích: “Năm 2016 có nhiều phim học đường, phim thể nghiệm, nhưng không thành công lớn. Em chưa 18 đã chọn đúng điểm rơi để xuất hiện”. Tiệc trăng máu, Bố già… ra rạp sau thời gian dài rạp đóng cửa vì dịch, khán giả “đói” phim cộng với hợp thị hiếu nên thành công vang dội cũng là minh chứng.

Quyền trong tay khán giả

“Thị hiếu khán giả thay đổi theo từng phim. Chúng ta không thể nói xu hướng nào sẽ thành công, bởi đến khi bộ phim hoàn thành, mọi thứ đã khác so với khi bắt đầu. Tôi luôn tâm niệm làm hết sức, còn việc có được đón nhận, bùng nổ hay lình bình là số phận của bộ phim. Ngay cả khi khán giả không thích, thì đó cũng là bộ phim được làm với nhiều đam mê, tâm huyết”, đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ.

Sự thay đổi và nâng cao về thị hiếu, gu thưởng thức và thẩm mỹ của khán giả đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, với sức ảnh hưởng của mạng xã hội, hiệu ứng truyền miệng, hay các “phong trào” tẩy chay quyết định rất lớn đến số phận của phim. Đạo diễn Lê Thanh Sơn cho rằng, những bộ phim chất lượng khiến khán giả thấy mình trong đó, họ sẽ mời bạn bè, gia đình cùng đi xem chung, tạo nên văn hóa xem phim. Đạo diễn Nhất Trung cũng nhấn mạnh đến sự thông minh của khán giả và cho rằng: “Chưa chắc phim hay đã được chọn, vì đó chỉ là phim tốt nhưng không phù hợp với người xem”.

Thực tế cho thấy, khi điện ảnh Việt ngày càng gia tăng về số lượng và chất lượng, sự phân hóa của khán giả, nói như đạo diễn Võ Thanh Hòa, là bước tiếp theo của sự phát triển. Anh cho biết: “Bản chất nhà làm phim phải làm phim tốt, đàng hoàng để được khán giả quan tâm nhiều hơn. Khi doanh thu cao sẽ là động lực để họ cố gắng tạo tác phẩm tốt. Trường hợp thất bại, tôi tâm niệm phải nhìn lại chính mình, đánh giá lại thị trường và tác phẩm của mình. Đó là lời cảnh tỉnh cho chính bản thân với các dự án về sau”.

Thừa nhận sự phân cực là điều tự nhiên, khi số lượng phim Việt ngày càng nhiều, nhưng theo đạo diễn Lê Thanh Sơn, thành công của các phim trăm tỷ thời gian gần đây diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt: “Tôi nghĩ điểm rơi đó khó lặp lại lần 2 để các ê kíp rút kinh nghiệm. Nhưng nó sẽ là bài học quý cho các nhà phát hành để chia thời điểm hợp lý, tránh oan uổng cho nhiều bộ phim tốt”.

(Theo www.sggp.org.vn)

.
.
.