Thứ Bảy, 06/03/2021, 15:36 (GMT+7)
.

Hủ tiếu Sa Đéc, lẩu chua cá linh bông điên điển lọt vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam

Hủ tiếu Sa Đéc, lẩu chua cá linh bông điên điển - hai loại món ăn đặc sản của tỉnh Đồng Tháp - đã lọt top 100 món ăn đặc sản và top 100 quà tặng Việt Nam 2020-2021 do Tổ chức kỷ lục Việt Nam (Vietkings) vừa công bố.

Lẩu chua cá linh bông điên điển lọt top 100 món ăn đặc sản Việt Nam. Ảnh: Pasgo
Lẩu chua cá linh bông điên điển lọt top 100 món ăn đặc sản Việt Nam. Ảnh: Pasgo

Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngoài hai sản phẩm nêu trên, địa phương này còn có 4 sản phẩm khác nằm trong top 100 món ăn đặc sản và top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam 2020-2021 do Vietkings vừa công bố, gồm bánh phồng tôm Sa Giang, nem Lai Vung, xoài cát chu Cao Lãnh và Hồng San Tửu Tháp Mười.

Với kết quả nêu trên, hủ tiếu Sa Đéc và bánh phồng tôm Sa Giang của tỉnh Đồng Tháp lần thứ hai được chọn vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam.

Top 100 món ăn đặc sản và top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam được tổ chức nhằm mục tiêu quảng bá các giá trị ẩm thực, đặc sản đặc trưng vùng miền của Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước.

Thông tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, để được chọn vào top 100 món ăn đặc sản Việt Nam, sản phẩm phải đạt các tiêu chí là món ăn thuần Việt, sử dụng nguyên liệu tự nhiên để pha chế, phù hợp khẩu vị, tốt cho sức khỏe, có nguồn gốc xuất xứ, văn hóa lịch sử rõ ràng…

Hủ tiếu Sa Đéc là sản phẩm được sản xuất từ làng nghề bột Sa Đéc, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp với bề dày lịch sử hình thành khoảng 100 năm. Làng nghề này hiện có khoảng 350 hộ sản xuất với khoảng trên dưới 2.000 lao động tham gia. Ngoài sản xuất hủ tiếu Sa Đéc, bột từ làng nghề này còn được cung cấp đi các nơi để sản xuất bún, bánh canh và các sản phẩm ăn liền khác.

Trong khi đó, cá linh và bông điên điển là đặc sản đặc trưng của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là ở các địa phương thượng nguồn của vùng như: An Giang, Đồng Tháp. Cá linh và bông điên điển thường có vào mùa nước nổi ở vùng này, rơi vào khoảng tháng 7, 8 âm lịch hàng năm và kéo dài đến khoảng tháng 9, 10.

Cá linh, bông điên điển ngoài việc dùng làm nguyên liệu để chế biến món lẩu chua, thì người dân ĐBSCL còn chế biến thành nhiều món ăn khác như: kho, hấp, chiên…

Tuy nhiên, những năm gần đây khi nước từ thượng nguồn sông Mekong về vùng ĐBSCL ngày càng ít đi, thì con cá linh cũng thưa dần, thậm chí xuất hiện rất ít ở một vài địa phương trong vùng.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.