.

Kiến trúc nghệ thuật đình Kiểng Phước

Cập nhật: 10:21, 03/03/2021 (GMT+7)

Theo tác giả Phan Thanh Sắc trong “Gò Công thao thức dấu xưa”, đình  Kiểng Phước được lập vào thời vua Minh Mạng (1820 - 1840) theo chiếu lệnh mỗi thôn ở Nam kỳ lục tỉnh phải lập đình, vừa có chức năng tín ngưỡng, vừa có chức năng hành chính.

THẾ ĐẤT, HƯỚNG ĐÌNH

Đình Kiểng Phước có quy mô lớn thứ nhì sau đình làng thành phố (nay là đình Trung, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Ngày xưa, việc lựa chọn vị trí xây dựng đình được các vị cao niên tính toán rất cẩn thận. Khuôn viên đình có diện tích gần 1 mẫu tây, nằm theo trục đông - tây, thế phong thủy rất đắc địa, rộng rãi, hội tụ nhiều điều may mắn cho dân làng “tiền hiền hậu chẩm”, “tả phù hữu bậc”... Đình nằm ở khu ngã 3 trục lộ thuộc ấp Xóm Đình, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông trên thế đất cao so với các khu vực xung quanh. Vị trí ngôi đình nằm giữa thôn Kiểng Phước, gần chợ Bến ngoài và xa xa về hướng Nam là chợ Bến trong (nay là xã Bình Ân), là 2 bến vựa cá lớn của vùng Gò Công xưa. Hướng ngôi đình nhìn ra rạch Cần Lộc và xa xa là Biển Đông theo quan niệm “nhất cận lộ, nhì cận giang”.

Cổng đình Kiểng Phước
Cổng đình Kiểng Phước

Kiến trúc đình có 5 tòa lớn nhỏ từ trước ra sau theo chức năng phân biệt, mái lợp ngói âm dương. Nhìn trên nóc đình từ trước ra sau, 4 tòa đầu có đầu hồi dằn bản, trang trí hoa văn, lưỡng long chầu nhật mỗi đầu một kiểu uy nghi. Nếu cắt dọc bộ khung, mỗi tòa là xuyên trính, bên trong có 4 hàng cột gỗ vuông, cạnh 2,8 tấc.

Kiến trúc nghệ thuật đặc sắc nhất của ngôi đình chắc có lẽ tập trung ở tòa chánh điện. Biểu tượng thiêng liêng tôn thờ là một chữ “Thần” được chạm trổ trên nền hồi văn, đặt trong khám thờ, xung quanh chạm trổ rồng phượng, hoa lá được sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Phía trước khám thờ đặt một bàn thờ rộng rãi, phía trong đặt hòm đựng sắc phong rồi đến hương án thờ thần. Trên hương án đặt bộ thờ ngũ sự: Lư, trầm, bình hương, bộ chân đèn và đông bình tây quả. Trước hương án là cặp hạc đứng trên thân rùa, châu mặt chầu thần.

Hai bên hương án là hai giàn lỗ bộ 8 cặp gồm: Biển “tĩnh túc” và “hồi ty” phủ việt (búa), tay văn, tay võ, gậy đầu rồng, chùy, gươm, giáo. Đây được xem là nghi trượng, vừa biểu hiện quyền lực của thần thánh, vừa tạo vẻ uy nghiêm nơi thờ phượng. Hai bên bàn thờ chánh thần theo thứ tự là tả ban, hữu ban, tiền hiền, hậu hiền. Trước hương án và trên cao gần nóc là 3 tấm hoành phi sơn đen thếp vàng “thần quang phổ chiếu” mang ý nghĩa ánh sáng của thần soi rọi khắp nơi theo ý nguyện của dân làng Kiểng Phước. 

NGHỆ THUẬT LIỄN ĐỐI, HOÀNH PHI

Giá trị đặc sắc của đình Kiểng Phước có lẽ nằm ở nghệ thuật chạm khắc gỗ 6 cặp liễn đối và 6 bức hoành phi sơn son thếp vàng rực rỡ. Ý nghĩa của các liễn đối và hoành phi nói lên sự thông hiểu giữa con người và thần thánh.

Mặt tiền của tòa chánh điện là một cặp liễn đối bằng gỗ chạm chữ, nền gỗ sơn son, chữ viết chân phương vàng óng ánh, nội dung ca ngợi công đức của các bậc thánh nhân. Hai bên cửa chánh điện có một cặp liễn phụng cúng của một bậc túc Nho, sử dụng mỗi vế 4 từ láy để tôn cái ý lồng lộng của ngôi đình và ca tụng đức độ của vị thần hoàng bổn cảnh.

Như tá thần công hiển hiển hách hách vạn cổ giang sơn

Trọng tân miếu mạo nguy nguy nga nga trung thiên nhật nguyệt

Tạm dịch: Công đức bậc thánh thần hiển hách luôn bảo vệ đất nước tồn tại mãi ngàn năm. Luôn giữ như mới đền miếu nguy nga giữa bầu trời sáng soi hai vầng nhật nguyệt.

Ngoài ra, đình còn có 6 bức hoành phi thờ tự, đều có 4 đại tự bao gồm: Chánh trực thông minh, các ty tạo hóa, đức phối càn khôn, thần quang phổ chiếu, thinh linh hích trạc, đạo hiệp thanh ninh. Tất cả đầu có dạng hình chữ nhật, kích cỡ khác nhau, được làm bằng gỗ mít, chạm khắc, sơn son thếp vàng. Các bức hoành phi được các vị thân hào hay các chức việc trong ban hội tế phụng cúng vào những thời điểm đáng ghi nhớ nào đó, như đình vừa cất xong hay các dịp trùng tu sửa chữa. Đây là lúc người dân tin rằng “thần” đã bảo bọc dân làng.

4 LẦN ĐÓN NHẬN SẮC PHONG

Việc xây dựng đình Kiểng Phước từ xa xưa cho thấy ý chí cố kết cộng đồng và lịch sử xác lập vùng đất mới trù phú, sung túc nhờ nghề biển và nghề nông. Năm 1852, dưới thời vua Tự Đức năm thứ 5, người dân làng Kiểng Phước được đón nhận 4 sắc phong vua ban một lượt, đây cũng là ngôi đình có nhiều sắc phong lúc bấy giờ ở Gò Công. Cụ thể: Sắc phong Thành hoàng bổn cảnh, sắc phong Bạch mã tôn thần, sắc phong Chúa Xứ nương nương và sắc phong Đông nam sát hải nhị đại tướng quân gắn với lễ hội Nghinh Ông ở Vàm Láng ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch hằng năm.

Có thể nói, kiến trúc nghệ thuật đình Kiểng Phước không chỉ là biểu tượng của làng quê Nam bộ, mà còn là nơi nghệ thuật chạm trổ dân gian vùng Gò Công thăng hoa và tỏa sáng. Những đường nét kiến trúc, các bức chạm khắc trang trí ở đình để lại đến ngày nay còn là những câu chuyện lịch sử qua bao thăng trầm của vùng đất Gò Công.

Cũng như các ngôi đình khác ở Nam bộ, lệ cúng Kỳ yên là dịp để người dân cầu mưa thuận gió hòa, làng yên xóm ấm. Lễ cúng hạ điền vào ngày 16 tháng Năm âm lịch, cúng thượng điền vào ngày 16 tháng Chạp âm lịch. Tuy nhiên, trong 3 lệ cúng hằng năm thì lệ cúng Kỳ yên vào ngày 15 và 16 tháng Hai âm lịch là lớn nhất, đây được xem như ngày giỗ hội của làng, mọi người dù đi đâu, làm gì đều nhớ ngày trở về họp mặt, hàn huyên thăm hỏi, trả ơn, chiêm bái thần thánh thể hiện tính cố kết cộng đồng và thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Với kiến trúc nghệ thuật độc đáo, năm 2013 đình Kiểng Phước được UBND tỉnh công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Ths. LÊ HỒNG QUÂN

.
.
.