.

Nỗ lực hỗ trợ phục hồi ngành du lịch trong đại dịch

Cập nhật: 13:57, 23/03/2021 (GMT+7)
TCDL đã và đang nỗ lực để giúp các địa phương, doanh nghiệp phục hồi ngành du lịch do đại dịch. (Ảnh: T.LINH)
TCDL đã và đang nỗ lực để giúp các địa phương, doanh nghiệp phục hồi ngành du lịch do đại dịch. (Ảnh: T.LINH)

Đại dịch Covid-19 như cơn sóng thần càn quét ngành du lịch, khả năng và lộ trình hồi phục của ngành du lịch đến nay chưa thực sự rõ ràng. Tổng cục Du lịch (TCDL) đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhằm phục hồi ngành du lịch đang chịu tác động nặng nề của “cơn sóng thần” Covid-19. 

Thông tin này được Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ tại hội nghị “Phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trong trạng thái bình thường mới” diễn ra cuối tuần vừa qua.

Theo báo cáo của TCDL, năm 2021 dự kiến là một năm tiếp tục khó khăn đối với ngành du lịch. Tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến việc nối lại du lịch quốc tế, khả năng phục hồi của ngành du lịch toàn cầu rất thấp.

Mặc dù được ghi nhận là một trong những quốc gia phòng, chống Covid-19 hiệu quả nhất thế giới, nhưng ngành du lịch Việt Nam sẽ vẫn chịu tác động sâu sắc của dịch bệnh: các khu/điểm du lịch, các di tích, điểm tham quan/vui chơi giải trí nhiều lần phải đóng cửa, doanh nghiệp du lịch ngày càng khó khăn.

Tổng cục trưởng cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch, ngày 15-3-2021 vừa qua Tổng cục Du lịch đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ký văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ về các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành du lịch. Trước đó, Tổng cục Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các sở quản lý du lịch và các doanh nghiệp du lịch để trao đổi, tổng hợp đề xuất.

Đây là văn bản thứ tư kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra Tổng cục Du lịch tham mưu Bộ VHTTDL gửi Chính phủ để đề xuất hỗ trợ ngành du lịch. Một số kiến nghị bước đầu đã được Chính phủ và các bộ ngành liên quan giải quyết, ví dụ như giảm phí thẩm định cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên...

Trong văn bản mới nhất, các đề xuất tập trung vào các gói hỗ trợ về tài khóa, tài chính và an sinh xã hội. Trong đó đề xuất giảm 80% tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành; điều chỉnh giá điện áp dụng cho doanh nghiệp kinh doanh lưu trú về bằng giá điện sản xuất; giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5%. Bên cạnh đó, đề xuất kéo dài thời gian hoặc tạm dừng đóng các khoản phí chưa cần thiết; kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp du lịch đến hết năm 2021. Tiếp tục đề xuất để các doanh nghiệp, người lao động nhận được trợ cấp từ các gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ.

Trong văn bản này, TCDL cũng đề xuất các bộ ngành liên quan xem xét về loại hình bảo hiểm mới là bảo hiểm du lịch, nhằm giúp khách du lịch khi tham gia chương trình tour sẽ tin tưởng hơn, cảm thấy an toàn hơn, từ đó góp phần thúc đẩy nhu cầu du lịch. Cùng với đó, đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh các sân golf.

Du lịch golf cũng sẽ là loại hình được Tổng cục Du lịch xem xét, tính toán đưa vào đề xuất kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép.

Tổng cục Du lịch cũng đang tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL về kế hoạch làm việc với một số địa phương trọng điểm, Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch để bàn giải pháp phục hồi trong tình hình mới.

Tập trung hỗ trợ chuyển đổi số

Tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch là một trong những ưu tiên của TCDL trong năm vừa qua và sẽ được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong năm nay.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, TCDL đang có kế hoạch triển khai dự án Trung tâm điều hành du lịch thông minh. Tuy nhiên, để triển khai dự án này rất cần có sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp và khách du lịch để hình thành nền tảng số tích hợp các cơ sở dữ liệu, chia sẻ các tiện ích với các bên.

Ngày 20-01-021, TCDL đã cùng với Mobifone và tỉnh Hà Giang ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch Hà Giang thông qua chuyển đổi số và phát triển du lịch thông minh. Trong thời gian tới, TCDL sẽ tiếp tục hỗ trợ Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An trong lĩnh vực này nhằm phục hồi sau đại dịch và phát triển du lịch bền vững.

Bên cạnh đó, TCDL tiếp tục triển khai hợp tác với tập đoàn Google để tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng trực tuyến, đặc biệt là giới thiệu các giá trị văn hóa và nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam ra thế giới. Thông qua nền tảng trực tuyến của Google, các hình ảnh đẹp của các điểm đến của Việt Nam sẽ đến được với đông đảo bạn bè quốc tế. Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam là những địa phương có nhiều di sản đã nỗ lực triển khai, đưa lên nhiều hình ảnh đẹp quảng bá du lịch địa phương trong thời gian qua.

Về đề xuất tiêm vaccine cho nhân viên trong ngành du lịch, TCDL đang tính đến phương án này tuy nhiên cho đến nay, vaccine Covid-19 đang được tập trung tiêm phòng cho các lực lượng tiền tuyến trong công tác phòng chống dịch.

TCDL cũng cho hay, sẽ tiếp tục xem xét để có đề xuất phù hợp về kế hoạch đề xuất thí điểm mở đón khách quốc tế thông qua chứng nhận tiêm phòng vaccine.

(Theo nhandan.com.vn)

 

.
.
.