Nữ sĩ Manh Manh góp phần không nhỏ vào nền văn học nước nhà
GS. Phan Cự Đệ trong quyển “Phong trào thơ mới” (1932 - 1945) viết: Cuộc tấn công của “thơ mới” vào “thơ cũ” ngày càng quyết liệt. Tối 26-7-1933, Nguyễn Thị Kiêm (tức nữ sĩ Manh Manh, khi ấy mới 19 tuổi) diễn thuyết tại Hội Khuyến học Sài Gòn về “Lối thơ mới”. Hội này thành lập đã 25 năm mới có một buổi phụ nữ lên diễn đàn, mà cũng là buổi đông thính giả nhất. Hơn hai năm sau (tháng 11-1935), Nguyễn Thị Kiêm lại diễn thuyết một lần nữa tại Hội Khuyến học Sài Gòn. Lần này, bà và ông Nguyễn Văn Hanh cùng diễn thuyết tranh luận về “thơ mới”...”
Manh Manh tên thật là Nguyễn Thị Kiêm, sinh năm 1914 tại TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang, trong một gia đình trí thức. Bà học Trường Nữ Áo Tím ở Sài Gòn (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Hồ Chí Minh). Năm 1932, sau khi tốt nghiệp Bằng Thành chung, bà dạy học ở Trường Áo Tím một thời gian; sau đó bước vào làng báo ở Sài Gòn với tư cách là cộng tác viên thường trực của tờ Phụ nữ tân văn; đồng thời, cũng là cộng tác viên của các tờ báo khác: Công luận, Nữ lưu, Việt Nam…
Sau những bước “khai sơn phá thạch” của Phan Khôi và Lưu Trọng Lư trong phong trào đổi mới thi ca vào năm 1932, bà ra sức cổ súy cho phong trào “thơ mới” bằng cách viết bài, diễn thuyết và sáng tác thơ theo phong cách mới.
Trong Báo Phụ nữ tân văn số Xuân Quý Dậu ra ngày 19-1-1933, bà cho công bố bài thơ “Viếng phòng vắng”, được sáng tác theo thể “thơ mới” với kiểu dích dắc, không viết hoa một số câu đầu hàng, thể hiện sự thay đổi về hình thức thơ. Bài thơ đã gây nên sự chú ý của đông đảo độc giả, nhất là trong giới văn nghệ sĩ:
“Gió lọt phòng không
tạt hơi dông
lạnh như đồng
Ngồi mơ tưởng
Ngày xưa phất phưởng
Dấy động tơ lòng…
Trải đã mấy trăng
Hỡi nhện giăng
Với rêu lan
Tấm vách cũ
Từ khi người chủ
Một giấc lặng trang...”.
Đặc biệt, ngày 26-7-1933, tại cuộc diễn thuyết ở Hội Khuyến học Sài Gòn, bà đã phê phán quyết liệt trường phái “thơ cũ” và tiếp tục cho trình làng một thi phẩm mang phong cách “thơ mới” có tên là “Canh tàn”, để tỏ thái độ ủng hộ phong trào “thơ mới” đang hồi phôi thai. Cuộc diễn thuyết của bà đã tạo nên tiếng vang lớn, được đông đảo dư luận, nhất là các nhà thơ trẻ đồng tình và ủng hộ. Trong quyển “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh - Hoài Chân viết: “Từ hai tháng trước, hôm 26 juillet (tháng 7) 1933, một nữ sĩ có tài và có gan, cô Nguyễn Thị Kiêm đã lên diễn đàn Hội Khuyến học Sài Gòn thành lập đến bấy giờ đã 25 năm. Lần thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và cũng là lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết đông người nghe đến như thế”.
Sau đó, bà còn sáng tác thêm một số bài thơ nữa đăng trên Báo Phụ nữ tân văn, như “Hai cô thiếu nữ”, “Bà La Fugie nhà thám hiểm và họa sĩ”; đặc biệt, bà đã sáng tác một bài thơ có tính cách tuyên ngôn cho việc cổ súy phong trào “thơ mới”; đó là thi phẩm “Bức thư gởi cho tất cả ai ưa hay là ghét lối thơ mới”. Đồng thời, bà còn có một cuộc tranh luận nảy lửa với ông Nguyễn Văn Hanh tại Hội Khuyến học Sài Gòn ngày 9-1-1935 về “thơ cũ” và “thơ mới”. Hành động dũng cảm của bà trên diễn đàn văn học đã được nhiều người nể phục. Đào Trinh Nhất với bài “Nữ tiên phuông (phong) thơ mới ở Nam Kỳ ta” trên tờ Tuần báo Mai số ra ngày 22-1-1938 đã ca ngợi bà là “người đã mạnh bạo chủ trương thơ mới ở Nam kỳ ta trước nhứt”.
Ngoài việc hô hào cho “thơ mới”, bà còn đi diễn thuyết ở khắp nơi để cổ vũ cho sự bình đẳng nam nữ, được nữ giới hoan nghênh nhiệt liệt. TS. Phan Văn Hoàng trong bài “Nhớ một nữ sĩ có tài và có gan” viết: “Chị đả kích các tập tục hủ bại như trọng nam khinh nữ, tảo hôn, đa thê..., bênh vực những quyền lợi chính đáng của nữ giới. Trong năm 1934, chị đã đi tới 4 thành phố (Huế, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng) để diễn thuyết các đề tài: “Dư luận nam giới đối với phụ nữ tiên tiến”, “Một ngày của một người đàn bà tiên tiến”, “Có nên tự do kết hôn chăng?”, “Nên bỏ chế độ đa thê không?”. Ý tưởng của chị trong các buổi diễn thuyết đó đã tạo ra trong xã hội hai luồng dư luận trái chiều (tán thành và phản đối) phản ảnh qua báo chí trong Nam ngoài Bắc...”.
Năm 1936, bà còn tích cực tham gia phong trào Đông Dương Đại hội do Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) phát động. Lúc này, tuy mới 22 tuổi, nhưng bà là một trong hai phụ nữ được cử vào Ủy ban lâm thời tổ chức Đông Dương Đại hội tại Sài Gòn, bên cạnh các nhà cách mạng nổi tiếng thời đó, như Nguyễn An Ninh, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn…
Năm 1950, bà sang Pháp. Năm 2005, bà mất tại Paris (Pháp). Bà đã góp phần không nhỏ vào nền văn học nước nhà. Sách “Việt Nam thi nhân tiền chiến” (quyển thượng) viết: “Trong hồi dậy men của nền thơ mới, nữ sĩ Manh Manh là người đàn bà đầu tiên đáp ứng tiếng gọi đàn của nhà tiên phong Phan Khôi... Chúng ta ngày nay nhìn lại việc qua, giữa cái cũ kỹ từ nghìn đời sừng sững như cổ thành kiên cố; thế mà, bỗng chốc, một Phan Khôi táo bạo nổ phát súng cách mạng thi ca; người nữ chiến sĩ tiền phong anh dũng và hăng say hoạt động để bảo vệ và củng cố nền tảng thơ mới bén rễ và sống mạnh, ta phải kể Nguyễn Thị Manh Manh, một tay đã đóng góp công lao không nhỏ cho nền văn học đất nước”.
TUỆ MINH