Phim "Bố già" có gì để hút khán giả?
Bố già đang gây bão phòng vé khi liêp tiếp xô đổ các kỷ lục của điện ảnh Việt và của chính mình. Sau thời gian ảm đạm, đặc biệt một mùa tết thất thu, cú hích ấy rất quan trọng dù rằng về phim, còn nhiều thứ chưa trọn vẹn như chính cái kết của nó.
Cảm xúc là tối thượng
“Một bộ phim hay, xúc động và rất đáng để mọi người ra rạp. Xem phim thì ‘bánh cuốn’ vô cùng. Những lát cắt cảm xúc cứ đơn giản nhưng rất chân thật. Diễn xuất của dàn cast thì quá đỉnh. Mình còn mê ngơ ngẩn OST của phim, do Phan Mạnh Quỳnh hát, mà chưa thấy có trên YouTube. Xem phim, khóc cười cùng phim. Nhưng điều quan trọng, khi đứng dậy ra về, không một cảm xúc tiêu cực nào đeo bám” – là dòng trạng thái của một khán giả sau khi xem xong phim để lại trên trang cá nhân.
Đó, có lẽ cũng là mẫu số chung của không ít khán giả sau khi xem Bố già. Phim Việt về tình phụ tử trên màn ảnh rộng vốn không nhiều. Một bộ phim khắc họa, giải quyết những mâu thuẫn và xung đột thế hệ càng ít. Nhưng, Bố già đã đưa được cả 2 yếu tố ấy vào phim, theo cách “đời nhất – hài nhất – tình nhất” như quảng bá của ê-kíp.
Bố già khắc họa những mâu thuẫn trong gia đình và sự khác biệt thế hệ |
Về mặt cảm xúc, điều quan trọng nhất Bố già làm được là cho khán giả thấy mình ở trong bộ phim thông qua lăng kính của các diễn viên. Một ông bố hết lòng yêu thương con, hy sinh mọi thứ để con được hạnh phúc nhưng cách yêu thương ấy có phần áp đặt, luôn nghĩ mình làm là đúng. Đó là còn chưa kể đến tính bao đồng, phiền phức và thậm chí cự tuyệt cả tình yêu thương của con cái đến mức cực đoan.
Một cậu con trai ở tuổi mới lớn thích khẳng định bản thân, chọn sống cho riêng mình và không chịu trong vòng ‘yêu thương kiềm tỏa’ của cha. Và, những khác biệt thế hệ ấy đã được khắc họa để mỗi khán giả khi xem phim sẽ soi chiếu, tham chiếu và nhìn thấy bản thân mình phần nào ở trong đó.
Câu hỏi của Quắn (Tuấn Trần): Bạn có nhớ lần cuối cùng chụp hình với ba mình? hẳn sẽ khiến nhiều người giật mình. Họ sẽ phải lục lại ký ức, bất giác nhớ về bố mình và thậm chí, ngay lập tức muốn về nhà để chụp một bức ảnh gia đình, cùng bố, cùng mẹ khi còn có thể. Một Trấn Thành đã tiết chế để trung tính, bớt kịch hơn cùng với diễn xuất xuất thần của Tuấn Trần chính là điểm nhấn.
Nhưng, không chỉ có cha con ông Ba Sang (Trấn Thành), từng thành viên trong gia đình Giàu – Sang – Phú – Quý hay tuyến các nhân vật khác của bộ phim cũng dễ khiến khán giả liên tưởng đến bản thân mình. Bộ phim là một xã hội thu nhỏ, đa sắc màu, đa tính cách. Đây có lẽ chính là chìa khóa quan trọng nhất khiến Bố già tạo nên hiệu ứng truyền miệng đông đảo trên mạng xã hội.
Cảm xúc chính là chìa khóa giúp phim chinh phục khán giả |
Làm một bộ phim hay đã khó. Làm một bộ phim chạm đến cảm xúc của khán giả còn khó hơn. Ở phương diện này, Trấn Thành đã giải mã thành công bài toán làm thế nào để thuyết phục khán giả - điều mà rất hiếm NSX dám tự tin. Trấn Thành đã chạm đến khán giả và biết họ muốn gì.
Nhưng…
Khán giả khi xem phim dĩ nhiên luôn quan tâm nhiều nhất đến cảm xúc đọng lại là gì sau khi rời rạp chiếu. Như đã nói, Bố già đã mặc sức cho họ thỏa lòng một bộ phim về đề tài gia đình, tình phụ tử và cả một bộ phim nơi những con hẻm ở Sài Gòn hiện lên gần gũi. Nhưng, đó đã là một bộ phim hoàn hảo chưa? Câu trả lời là chưa.
Với những nhà chuyên môn, Bố già chưa phải là phim điện ảnh “trăm phần trăm” trong cách kể chuyện, từng góc máy, khung hình hay bóc tách lớp lang các thành tố, cả về mặt nghệ thuật, kĩ thuật.
Bố già, như tuyên bố của Trấn Thành sẽ “thoát ly” hoàn toàn khỏi cái bóng của bản web drama nhưng khán giả vẫn nhìn thấy đâu đó phong cách phim chiếu mạng, phim truyền hình khi xem bộ phim. Có khán giả thắc mắc, tại sao bộ phim cứ phải ra cái tông màu hơi cũ cũ như thế, với những vật dụng gợi nhớ đến thời kì những năm 1990 ngay cả khi khuôn hình chuyển hẳn khỏi khu xóm trọ bình dân. Sự đối lập này chưa hoàn toàn rõ nét.
Bố già hay nhưng chưa phải là xuất sắc |
Cái hay của Trấn Thành là khai thác được những tiểu tiết trong một câu chuyện mà tổng thể kịch bản chưa phải là xuất sắc, chưa giàu tình tiết. Cảm xúc bộ phim là có nhưng câu chuyện chưa thật sự gãy gọn và đi đến tận cùng vấn đề. Đôi khi, những gân guốc, bộc trực, những cãi vã, mâu thuẫn… trong phim có phần được “làm quá” để tạo nên sự đối lập giữa nhân vật Ba Sang với tuyến còn lại của câu chuyện.
Căn nguyên của những mâu thuẫn giữa cha con, anh em trong gia đình – nguyên nhân dẫn đến các hành động, cách ứng xử trong phim là dấu hỏi lớn. Câu hỏi về nghề nghiệp hay bệnh tình của Quắn, người mẹ của bé Bù Tọt… cho đến tận kết phim vẫn bị bỏ lửng. Ngay cả lời thoại, có hay chăng vì quá chỉn chu, được gọt giũa quá kĩ lưỡng để tạo sự “sát thương” nhưng vô tình lộ rõ sự sắp đặt một cách hoàn hảo.
Đã qua rồi cái thời một bộ phim có thể “lừa” khán giả đến rạp bởi người xem giờ đã quá thông minh, đủ sự tỉnh táo để trải nghiệm, đánh giá tác phẩm. Nhất là với nghệ thuật, cảm xúc chính là tối thượng. Và, Bố già đã vượt lên tất cả những hạn chế kể trên, để cảm xúc quyết định. Xét cho cùng, một bộ phim khi đã ra rạp, mọi sự phán xét đón nhận quyền tối thượng thuộc về khán giả.
Một nhà phát hành cho biết, họ mong Bố già sẽ là phim đầu tiên cán mốc doanh thu 10 triệu USD (hơn 230 tỷ đồng). Với đà thăng tiến như hiện tại, điều này hoàn toàn có thể trong tầm với.
Phim hiện đang được công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.
(Theo sggp.org.vn)