Thú vui tao nhã "hái" ra tiền
(ABO) Xuất phát từ thú chơi tao nhã dành cho những người có điều kiện kinh tế khá giả, nuôi trồng sinh vật cảnh (SVC) nói chung và cây cảnh nghệ thuật nói riêng đã trở thành phong trào phát triển rộng khắp trong cuộc sống hôm nay.
Theo đó, những năm qua, phong trào nuôi trồng SVC ở tỉnh Tiền Giang ngày càng phát triển. Nuôi trồng SVC hiện nay không chỉ là thú chơi tao nhã, thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
ĐAM MÊ VÀ TỈ MỈ
SVC được hiểu là động vật, thực vật được nuôi trồng làm cảnh. Chủ tịch Hội SVC tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Chính cho biết: “Hội SVC tỉnh Tiền Giang hiện có 5.841 hội viên, với 1 Chi hội Kiểng cổ, 2 Tổ hợp tác kiểng, 1 Hợp tác xã SVC và 47 câu lạc bộ (CLB) chuyên SVCL; trong đó có 3 CLB mới thành lập trong năm 2020 là CLB Bonsai Thanh Khoa, CLB Cá cảnh Tiền Giang và Chi hội SVC huyện Châu Thành. Những tác phẩm SVC nghệ thuật đẹp, độc đáo, sống động chính là sự kết hợp giữa thiên nhiên cùng bàn tay con người để tạo ra, góp phần làm đẹp cho đời”.
Ông Nguyễn Văn Diệp, phường 10, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, người đam mê và tâm huyết với cây kiểng. |
Tham quan vườn cây cảnh nghệ thuật của ông Nguyễn Văn Diệp, phường 10, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, người đam mê và tâm huyết với cây kiểng, chúng tôi được biết để có một cây cảnh có giá trị kinh tế và tính thẩm mỹ cao thì người làm cây cảnh phải có niềm say mê, khéo léo...
Cẩn thận tỉa từng chiếc lá, uốn từng dáng thế rồi nâng niu những nhánh rễ non vừa mới buông khỏi thân cây để tạo ẩm. Ông Diệp chia sẻ: “Khu vườn này có vài chục loại cây khác nhau. Để cho ra tác phẩm SVC từ cây kiểng đẹp, ngoài niềm đam mê, người chơi kiểng cần phải đặt cái tâm của mình vào trong cây kiểng. Hơn thế, người chơi kiểng phải hiểu và nắm rõ thuộc tính của các loại cây kiểng để từ đó chăm sóc cũng như uốn nắn cây hợp theo các dáng kiểng mình yêu thích. Bên cạnh sự phá cách thế chơi kiểng hiện nay, tôi vẫn còn giữ những dáng cây cảnh bonsai cơ bản như: Dáng trực, dáng xiên, nghiêng dáng tà là; dáng hoàng; dáng huyền”.
Được biết, vốn dĩ là người theo nghề y nhưng niềm say mê với SVC, yêu hoa, yêu kiểng mãnh liệt, ông Diệp vừa sản xuất, bào chế thuốc Đông y, thời gian còn lại ông lại dành hết cho hoa, kiểng. “Lúc đầu tôi chỉ chơi vài ba cây kiểng để thư giãn và có dịp kết giao với bạn bè. Thế nhưng, cây kiểng lại có sức hút kỳ lạ, càng chơi càng say mê, càng khám phá ra nhiều điều kỳ diệu” - ông Diệp chia sẻ.
Nhiều người yêu SVC, cây kiểng đã dành hàng chục năm hoặc suốt cuộc đời để hoàn chỉnh một thế cây với những nguyên tắc tạo hình tỉ mỉ, nghiêm ngặt. Người chơi cây kiểng không chỉ đầu tư tiền, mà còn cả sự đam mê, sáng tạo và tình yêu cây kiểng, thiên nhiên say đắm.
GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO
Nhiều nghệ nhân cho biết, nuôi trồng SVC không chỉ là thú vui tao nhã mà còn là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ một phôi gốc hoặc những cây sưu tầm được nghệ nhân “mát tay” sẽ uốn nắn, cắt tỉa, tạo dáng để nâng tầm giá trị cây lên gấp nhiều lần.
Do đó, với nhiều cây độc, lạ thì giá trị từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí có cây lên đến tiền tỷ.
Ông Lê Hoàng Nam (tên thường gọi là Ba Nam) là nghệ nhân chuyên chăm sóc và kinh doanh mai vàng. |
Những ai đam mê SCV của tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là yêu thích cây mai vàng thì đều biết đến ông Lê Hoàng Nam (tên thường gọi là Ba Nam), nghệ nhân chuyên chăm sóc và kinh doanh mai vàng. Khoảng 30 năm trước, từ một thợ sửa xe trong nội ô TP. Mỹ Tho thu nhập thấp, cuộc sống gia đình khó khăn.
Trong một lần tình cờ ông Ba Nam bán cây mai vàng của gia đình và nhận thấy đây là một nghề có thể kiếm ra tiền, tăng thu nhập. Thế là, ông Ba Nam bắt đầu bén duyên với công việc thu mua, chăm sóc, tạo dáng và bán mai vàng. Từ đó, cuộc sống gia đình ông Ba Nam ngày càng khấm khá cho đến nay.
Ông Ba Nam cho biết: “Thật vậy, SVC vừa giúp tôi thỏa mãn niềm đam mê, vừa là cái nghề đưa gia đình tôi thoát khỏi cảnh khó khăn, có điều kiện nuôi 2 con ăn học, tốt nghiệp đại học. Ngoài chuyên mua bán kinh doanh mai vàng, để thỏa niềm đam mê tôi còn sưu tầm, nghiên cứu chơi bonsai từ cây mai vàng và các loại cây khác”.
Còn đối với anh Phạm Lưu Giang (ấp Tân Thuận, xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) thì phát triển kinh tế từ SVC bằng cách tự gieo hạt mai vàng, chăm sóc, tạo dáng rồi bán. Anh Giang cho biết: “Bản thân vốn xuất thân từ nghề nông, canh tác cây ăn trái. Gần 15 năm trước, thấy đất trồng cây ăn trái còn trống, tôi thử trồng cây mai vàng. Không ngờ cây mai vàng thích nghi tốt, phát triển nhanh, chỉ vài năm từ khi gieo hạt tôi đã có cây mai vàng để bán từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Từ đó, tôi quyết định mua hạt mai vàng ở Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) về gieo và trồng xen trong vườn cây ăn trái. Sau 1, 2 năm trồng cây lớn, tôi cho vào chậu tạo dáng, thế là giá trị kinh tế cây mai vàng được nâng lên".
Vườn mai vàng của anh Giang hiện có trên 1.000 cây các loại. |
Qua gần 15 năm gắn bó với cây mai vàng, anh Giang cho biết, mai vàng là loại cây mang lại thu nhập khá cao lại không tốn nhiều chi phí. Tận dụng thế mạnh là thợ hồ, anh Giang vừa làm chậu phục vụ cho việc trồng mai của mình vừa bán cho những hộ xung quanh. Chỉ tính riêng trong năm 2020, anh Giang đã bán trên 80 gốc mai vàng lớn nhỏ với giá trung bình khoảng 3,5 triệu đồng/chậu.
Chủ tịch Hội SVC tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Chính cho biết: “Hiện nay, nhiều nhà vườn, nghệ nhân, nông dân đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc trồng xen các loại cây SCV để tạo thêm thu nhập. Theo Nghị định 52 của Chính phủ, trong các nghề nông thôn thì có nghề sản xuất kinh doanh SVC. Lần đầu tiên Đảng, Nhà nước công nhận sản xuất kinh doanh SCV là nghề ở nông thôn. Vì vậy, Hội SVC tỉnh Tiền Giang có định hướng phát triển sản xuất kinh doanh SVC lâu dài. Trong đó, tập trung phát triển, hướng dẫn, tập huấn cho những người yêu thích SVC có thể biết về kỹ thuật, tạo dáng, để tạo ra những tác phẩm đẹp góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân”.
LÊ PHƯƠNG
.