.

2 người phụ nữ nổi tiếng một thời của gánh hát Đồng Nữ Ban

Cập nhật: 10:03, 12/04/2021 (GMT+7)

Gánh hát Đồng Nữ Ban là một gánh cải lương rất đặc biệt do cách mạng sáng lập, có tổ chức, cách thức và mục đích hoạt động hướng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, hoàn toàn khác với các gánh cải lương đương thời. Sau khi gánh giải tán, một số diễn viên nữ, dưới sự dìu dắt của cán bộ cách mạng, đã dấn thân vào con đường cứu nước, điển hình như: Cô Hà Thị Lan (tức Hồng), tham gia cách mạng năm 1930 và 16 năm sau trở thành một trong những người lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) tháng 11-1940…

Gánh hát Đồng Nữ Ban.
Gánh hát Đồng Nữ Ban.

* “BẦU GÁNH” - TRẦN NGỌC VIỆN

Bà Trần Ngọc Viện còn được gọi là cô Ba Viện, sinh năm 1884, tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), là con của nghệ nhân Trần Quang Diệm. Bà rất giỏi về đàn tỳ bà và đàn tranh. Sau khi chồng mất, bà lên Sài Gòn dạy môn Nữ công gia chánh ở Trường Nữ Áo Tím. Năm 1926, bà đưa học sinh của trường đi dự đám tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh, nên bị chính quyền thực dân buộc thôi việc.

Năm 1927, Kỳ ủy Việt Nam Cách mạng Thanh niên (VNCMTN) tỉnh Mỹ Tho chỉ đạo Chi bộ VNCMTN xã Vĩnh Kim thành lập một gánh hát cải lương nhằm mục đích làm nơi tập hợp, khơi dậy quần chúng đấu tranh công khai, hợp pháp trên sân khấu, chống lại sự cấm đoán tự do ngôn luận, tự do tư tưởng của chế độ thực dân Pháp và bọn tay sai của chúng. Bên cạnh đó, giáo dục tinh thần yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm cho nhân dân và vận động tài chính cho cách mạng. Sau khi tập hợp các diễn viên, gánh hát được thành lập, lấy tên là Đồng Nữ Ban.

Một số hội viên VNCMTN được đưa vào gánh hát Đồng Nữ Ban để lãnh đạo chính trị và tư tưởng như: Cô Trần Ngọc Viện được đồng chí Tôn Đức Thắng tin cậy, giao làm bầu gánh kiêm thầy tuồng; anh Trần Văn Hòe (Ba Hòe) phụ trách quản lý; Trần Văn Giai (Ba Giai) phụ trách chính trị tư tưởng; Trần Văn Trương phụ trách an ninh trật tự; Nguyễn Tri Khương, Trần Thị Ớt, Trần Thị Trác, Trần Thị Tước, Hà Thị Lan cũng tham gia lãnh đạo.

Gánh Đồng Nữ Ban, như tên gọi, gồm toàn diễn viên nữ, tuổi từ 13 đến 18, chỉ trừ một số ít nam giới phụ trách sân khấu, dàn nhạc, ánh sáng và bảo vệ. Tất cả những diễn viên nữ đều là con em của những gia đình yêu nước, tiến bộ ở Vĩnh Kim, dám đạp đổ thành kiến “xướng ca vô loài”, cho con gái vượt bức tường phong kiến “khuê môn bất xuất” để ra làm việc nghĩa. Lúc bấy giờ, gánh Đồng Nữ Ban tập trung tại một ngôi nhà rộng rãi ở cầu Bà Lung (Vĩnh Kim) để tập dợt.

Dưới sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình, nghiêm túc của cô Ba Viện, các diễn viên nữ được học chữ để nâng cao kiến thức và được học điệu bộ, ca diễn, kể cả học võ... rất kỹ lưỡng nhằm phục vụ cho vai diễn. Một số vai diễn có triển vọng được đưa ra Mỹ Tho, xem gánh Phước Cương (có đào chánh nổi tiếng Năm Phỉ) diễn để học tập, rút kinh nghiệm. Tất cả mọi người trong gánh đều cố gắng hết sức mình trong việc tập luyện.

Cha mẹ của các diễn viên, bà con, cô bác ở Vĩnh Kim giúp đỡ, động viên rất lớn cho gánh hát, ủng hộ gạo, cá mắm, tiền mua sắm phông màn suốt cả nửa năm trời. Các diễn viên còn được các cô chú phụ trách gánh quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức, tư cách. Mọi thành viên của gánh đều sinh hoạt rất trật tự, ngăn nắp và hết lòng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Sau 6 tháng kiên trì tập luyện, đến giữa năm 1928, gánh Đồng Nữ Ban với vở Giọt máu chung tình ra mắt khán giả lần đầu tiên tại phố chợ Vĩnh Kim. Bà con kéo đến xem hát đông nghịt. Họ không ngờ “đám con gái” lại tiến bộ vượt bậc và diễn hay đến như thế. Các diễn viên: Cô Nhuận (vai Võ Đông Sơ), cô Lan (vai Triệu Dõng), cô Lợi (vai Bạch Thu Hà), cô Lai (vai Hoàng Nhất Lang), cô Quế (vai Bạch Xuân Phương)... được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Gánh Đồng Nữ Ban đã thu được kết quả ngoài mong đợi. Về phương diện tài chính, ngay trong đêm diễn đầu tiên, gánh đã thu được 270 đồng, là một số tiền lớn, vì hồi ấy lúa chỉ có vài cắc một giạ.

Phát huy thắng lợi ban đầu, cô Ba Viện tiếp tục cùng gánh Đồng Nữ Ban dàn dựng tiếp 2 vở: Hiệp tình quân tử và Bên nghĩa bên tình. Gánh hát cũng bắt đầu đi lưu diễn xa hơn: Mỹ Tho, Bến Tre, Cao Lãnh, Cần Thơ, Rạch Giá, Thủ Dầu Một...; đến đâu đều được quần chúng ở địa phương đó hết lòng ủng hộ, đùm bọc, bảo vệ trước sự hạch sách, quấy phá của bọn cầm quyền.

Sau gần 2 năm ra đời và lớn lên không ngừng, gánh Đồng Nữ Ban quyết định đến diễn ở Sài Gòn - nơi có nhiều gánh hát danh tiếng, nhằm gây tác động về việc cổ súy lòng yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng ở ngay một thành phố lớn nhất Đông Dương hồi đó.

Thủ Đức là nơi gánh Đồng Nữ Ban chọn làm điểm diễn đầu tiên. Ngay đêm diễn thứ nhất, viên chủ quận đã ra lệnh cấm. Cô Ba Viện liền đến ngay dinh quận, gặp trực tiếp chủ quận vừa đấu lý, đấu lẽ, vừa kiên trì thuyết phục. Cuối cùng, gánh được diễn. Bà con kéo đến xem muốn vỡ rạp. Nhưng đến đêm diễn thứ hai thì bị bọn mật thám, mã tà ập vào lục soát, bắt bớ, khiến gánh phải tạm ngưng diễn. Đến năm 1928, lấy lý do gánh Đồng Nữ Ban hoạt động “quốc sự”, nhà cầm quyền Pháp ở Nam kỳ đã ra lệnh giải tán.

Liên tiếp trong 2 năm 1930 - 1931, người em trai và em dâu của bà Ba Viện là Trần Văn Triều và Nguyễn Thị Dành đều qua đời, để lại 3 người con còn thơ dại. Với vai trò là cô, bà đã ra sức làm việc nuôi dạy 3 người cháu mồ côi nên người, trong đó có một người sau này rất nổi tiếng, đó là GS-TS Trần Văn Khê. Năm 1944, bà mất tại quê nhà.

* ĐẾN “TRIỆU DÕNG” - HÀ THỊ LAN

Với bí danh là Nguyễn Thị Hồng hay Năm Hồng, sinh năm 1915, tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho, trong một gia đình nông dân. Năm 1927, bà tham gia gánh cải lương Đồng Nữ Ban do cô Ba Viện thành lập theo chỉ thị của Hội VNCMTN tỉnh Mỹ Tho. Tại đây, bà được giác ngộ cách mạng. Năm 1928, gánh cải lương bị giải thể, bà trở về Vĩnh Kim.

Năm 1930, bà thoát ly gia đình, hoạt động cách mạng, được cấp trên giao rải truyền đơn trong nội thành Mỹ Tho và làm giao liên chuyển thư từ, công văn, vũ khí từ Mỹ Tho lên Sài Gòn. Sau đó, bà chuyển địa bàn công tác về Cà Mau. Năm 1936, với bút danh Hồng Hoa và dưới danh nghĩa là phóng viên của Báo Dân Chúng - cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương, bà hoạt động báo chí tại Cần Thơ. Năm 1939, bà được phân công lãnh đạo phong trào cách mạng ở huyện Vũng Liêm,  tỉnh Vĩnh Long.

Đến giữa năm 1940, bà được chỉ định làm Tỉnh ủy viên tỉnh Vĩnh Long kiêm Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm. Tháng 11-1940, bà lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở huyện Vũng Liêm. Cuộc khởi nghĩa bị địch đàn áp, bà chuyển sang tỉnh Kiên Giang hoạt động với cương vị là Bí thư Huyện ủy Châu Thành. Năm 1941, bà bị địch bắt giam ở nhà tù Chí Hòa 5 năm.

Tháng 8-1945, bà ra tù và hoạt động ở Sa Đéc, làm Huyện ủy viên, rồi chuyển về tỉnh Vĩnh - Trà (nay tách thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh), làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ tỉnh. Từ năm 1955 - 1956, bà là Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm, sau đó công tác ở nhiều địa phương thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Khu Tây Nam bộ.

Sau năm 1975, bà công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Vĩnh Long; năm 1992, bà qua đời tại tỉnh này, thọ 77 tuổi. Bà được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Quyết thắng, Huân chương Giải phóng, Huân chương Độc lập hạng Nhất và hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ và Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

LINH THỦY (tổng hợp)

.
.
.