Thứ Hai, 05/04/2021, 11:05 (GMT+7)
.

Đệ nhất tranh gỗ Lê Đức Ngọc

Đam mê, tự học, tự mày mò, nghiên cứu..., rồi trở thành nghệ nhân tên tuổi. Gần 50 năm gắn bó với nghề tranh gỗ, nghệ nhân Lê Đức Ngọc đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm tinh xảo có giá trị về mặt nghệ thuật, bao gồm tranh lọng, tranh ghép gỗ và tranh lá. Trong đó, tác phẩm tranh ghép gỗ về trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút (2 m x 3 m, gỗ màu tự nhiên) do ông sáng tác, trưng bày tại Bảo tàng Tiền Giang, được giới chuyên môn đánh giá cao về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, điêu luyện trong từng chi tiết.

Năm 2020, nghệ nhân Lê Đức Ngọc là 1 trong 4 nghệ nhân tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.

TẤM GƯƠNG VƯỢT KHÓ, TỰ HỌC

Nghệ nhân Lê Đức Ngọc quê tỉnh  Quảng Nam. Trước năm 1975, cuộc sống gia đình ông nhiều cơ cực do thiên tai bão lụt và chiến tranh. Sau đó gia đình di cư ra Huế, nhưng cuộc sống chẳng khá hơn. Đến năm 1972, gia đình ông di tản vô Sài Gòn, để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, ông xin tá túc tại một cô nhi viện.

Khi đó, thấy nhóm bạn cùng phòng đăng ký học lớp tranh lọng, ông ham thích nhưng không có điều kiện tham gia; những lúc rảnh, ông tranh thủ mượn dụng cụ của bạn để tự học, tự nghiên cứu và thực hành. Đến năm 1975, học hết cấp III, ông kiếm sống bằng nghề tranh lọng. Năm 1979, ông đến TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang lập nghiệp và tiếp tục gắn bó với nghề mình yêu thích.

Nghệ nhân Lê Đức Ngọc tại Lễ phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.
Nghệ nhân Lê Đức Ngọc tại Lễ phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.

Trong một lần lên TP. Hồ Chí Minh mua dụng cụ làm tranh lọng, nhìn thấy những bức tranh ghép gỗ tuyệt đẹp, ông bắt tay làm thử. Sau khi hoàn thành một số bức tranh mẫu, tuy không sắc sảo nhưng ông vẫn quyết định mang lên TP. Hồ Chí Minh trình làng, nhằm lắng nghe những bình phẩm, góp ý từ khách hàng để tiếp tục hoàn thiện và xin vào làm việc tại Tổ hợp Nghệ Tinh để vừa có thu nhập, vừa nâng cao tay nghề. Tại đây, ông được tiếp cận với khá nhiều tuyệt tác tranh ghép gỗ làm từ chất liệu gỗ quý mun, cẩm lai, gõ đỏ... Sau gần 1 năm trui rèn trong lò mỹ nghệ này, tay nghề của ông được nâng lên đáng kể.

Theo nghệ nhân Ngọc, để tạo ra tác phẩm có giá trị về mặt nghệ thuật, đòi hỏi nghệ nhân phải có niềm đam mê, ham học hỏi, sáng tạo, năng khiếu và đức tính kiên trì. Mỗi thể loại tranh có yêu cầu riêng về kỹ thuật cũng như mỹ thuật. Chẳng hạn, đối với tranh ghép gỗ, đòi hỏi bố cục và sự phối màu phù hợp.  Đối với tranh lọng, đường lọng phải sắc nét và chính xác.

Đối với tranh lá, quá trình tạo tác đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ hơn, thường sử dụng chất liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên: Lá cây (lá bồ đề, lá cây bàng, lá buông, bằng lăng…) và một số loại hoa (hoa mai, hoa cải…) và giấy... Căn cứ vào hình mẫu trên thực tế hoặc trên mạng Internet, nghệ nhân tiến hành tái hiện lại hình ảnh con người, dòng sông, lối đi, cảnh vật, cây cỏ… với bố cục phù hợp, từ màu sắc, kích cỡ, đến độ đậm, nhạt…

THÀNH QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Đến giờ, nghệ nhân Lê Đức Ngọc không thể nhớ mình đã sáng tác ra bao nhiêu tác phẩm, nhưng hầu hết tác phẩm của ông đều được các nhà chuyên môn, giới mộ điệu và khách hàng đánh giá cao. Trong đó, gian hàng trưng bày và bán sản phẩm tranh ghép gỗ, tranh lọng của ông tại Khu du lịch cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) được tiêu thụ khá mạnh (khi chưa có dịch Covid-19), đa số là du khách nước ngoài.

Đặc biệt, thông qua những bức tranh lọng làm từ gỗ mít, lòng mứt, thao lao, dái ngựa... cùng những tranh ghép gỗ, ông đã tái hiện hình ảnh về quê hương, về con người Nam bộ (cưỡi trâu thổi sáo, gánh lúa về làng, đám cưới trên đường quê...) rất nên thơ và gần gũi với cuộc sống dân dã, đời thường, nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ngoài tranh lọng và tranh ghép gỗ, ông còn giới thiệu với du khách một số tranh lá do các nghệ nhân TP. Hồ Chí Minh sáng tác; dần dần, ông cảm thấy thích thú và bắt tay nghiên cứu, sáng tác thể loại tranh này.

Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Bảo tàng Tiền Giang nhận xét: “Nghệ nhân Lê Đức Ngọc có thể được xem là “Đệ nhất tranh ghép gỗ” của tỉnh Tiền Giang. Các tác phẩm tranh gỗ do ông sáng tác rất có giá trị về mặt nghệ thuật và đậm chất sáng tạo.

Đặc biệt, tranh ghép gỗ về trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút được các chuyên gia mỹ thuật và du khách đến tham quan Bảo tàng Tiền Giang đánh giá cao về tính thẩm mỹ, sự công phu, tỉ mỉ trong từng đường nét; nội dung tác phẩm đã mô phỏng khá đầy đủ và chi tiết về diễn tiến của sự kiện lịch sử cách nay hơn 2 thế kỷ…”. 

Có thể nói, từ những mảnh gỗ vô hồn, qua đôi tay khéo léo của mình, nghệ nhân Lê Đức Ngọc đã biến chúng thành những tác phẩm ấn tượng. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông được trưng bày tại Bảo tàng Tiền Giang: Tranh ghép gỗ “Trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút”, tranh ghép gỗ phẳng “Đám cưới trên đường quê”, “Quê hương”, “2 câu thơ” của nhà thơ Học Lạc (Trên Sài Gòn, dưới Mỹ Tho / Đâu đâu thiên hạ cũng nhường cho)...

Ngoài ra, tranh ghép gỗ “Đại thế chí Bồ Tát” được chế tác từ 3 loại gỗ quý (cẩm lai, mun, gõ đỏ), cao 1 m, do ông sáng tác cách nay hơn 30 năm, được 1 Việt kiều trả với khá cao (hơn 10 triệu đồng, thời điểm năm 1990). Đặc biệt, ông được xem là chuyên gia có một không hai của Tiền Giang có khả năng tạo ra những bức tranh lá đặc sắc, tái hiện hình ảnh miền quê sông nước Nam bộ rất đặc trưng và cũng rất khác biệt.

Một số tác phẩm tranh lá do ông sáng tác đã đoạt giải Khuyến khích của  Cuộc thi “Sáng tác mẫu sản phẩm lưu niệm du lịch Tiền Giang” năm 2008 và 2009; tác phẩm tranh lá “Cần Thơ đô thị miền sông nước” và “Chợ nổi” đoạt giải Nhì của Cuộc thi “Sáng tác mẫu sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch TP. Cần Thơ” năm 2019…

Ngoài sáng tác, ông còn trực tiếp truyền nghề cho hàng trăm học viên yêu thích tranh gỗ. Nhiều học trò của ông nay đã thành đạt và trở thành nghệ nhân tên tuổi, trong đó có nghệ nhân Lê Minh Sĩ, vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.