Thứ Tư, 07/04/2021, 08:27 (GMT+7)
.
ĐỊA DANH BA GIỒNG:

Vùng đất "địa linh nhân kiệt"

VÀI NÉT VỀ ĐỊA DANH BA GIỒNG

Đây là địa danh được cấu tạo theo phương thức: Số từ (Ba) + địa hình (Giồng: Âm trại của “vồng”, là khoảng đất nổi cao lên giữa nơi bằng phẳng, tương đối rộng, có nhiều cát, thích hợp cho việc trồng các loại cây ăn trái và các loại hoa màu). Ba Giồng là hệ thống giồng chạy dài từ TP. Tân An (tỉnh Long An) đến huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang). Tên Ba Giồng được sách Đại Nam nhất thống chí và Gia Định thành thông chí nhắc đến. 

Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả về Ba Giồng: “Gò Tam Phụ (Ba Giồng) tục danh còn gọi Ba Đống (hay Đổng) thuộc địa phận 2 huyện Kiến Đăng (vùng Cai Lậy, Cái Bè ngày nay) và Kiến Hưng (vùng Mỹ Tho, Châu Thành ngày nay) gồm có các gò: Gò Yến, gò Kỳ Lân, gò Qua Qua. Gò đống rộng lớn, cây cối sum suê, chỗ khởi lên, chỗ phục xuống, tiếp tục nối liền, trước có Đại Giang (sông Tiền) ngăn trở, sau dựa vào Mãng Trạch (nay là vùng Đồng Tháp Mười)”.

Còn Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho biết thêm: “Ba Giồng có gò đống khởi phục, cây cối sum suê... dân giàu, của đủ” và “các giồng tuy lớn nhỏ không đều nhau nhưng đều trồng bông cải, đậu mè, dâu, bí, đậu, khoai, bắp, nhân dân đều nhờ đó để làm sản nghiệp”.

Địa danh Ba Giồng có liên quan đến nhiều sự kiện lịch sử, trong đó có chiến thắng Giồng Dứa.  (Trong ảnh, Bia chiến thắng Giồng dứa).  Ảnh: TƯ LIỆU
Địa danh Ba Giồng có liên quan đến nhiều sự kiện lịch sử, trong đó có chiến thắng Giồng Dứa. (Trong ảnh, Bia chiến thắng Giồng Dứa). Ảnh: TƯ LIỆU

Tác giả Nguyễn Hữu Hiếu (chủ biên) cũng có ghi nhận địa danh Ba Giồng trong công trình nghiên cứu Võ Duy Dương với cuộc kháng chiến ở Đồng Tháp Mười: “Ba Giồng chẳng những là vùng trù phú trong tỉnh Định Tường về mặt kinh tế, mà còn có một vị trí chiến lược rất quan trọng về mặt quân sự. Ba Giồng xưa “nổi tiếng về truyền thống võ nghệ và nghề mộc, vì thế nên có câu “Văn Cai Lậy, võ Ba Giồng”, hay “Văn Cai Lậy, thợ Ba Giồng”...

Trên thực địa, Ba Giồng bao gồm 3 cụm giồng cát kéo dài trên 30 km, bắt đầu từ phía nam sông Vàm Cỏ Tây, chạy dọc theo kinh Bảo Định theo hướng bắc - nam, rồi ngược sang hướng đông - tây để cặp dài theo sông Tiền đến Cái Thia (huyện Cái Bè), xuyên qua một vùng đất rộng lớn, bao gồm TP. Tân An (tỉnh Long An) và các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) ngày nay. 3 cụm giồng đó là:

- Cụm 1: Chạy theo hướng bắc – nam, gồm có: Giồng Cánh Én (Cai Yến - xã Khánh Hậu, TP. Tân An, tỉnh Long An), gò Trâm Bầu, gò Trao Trảo (Qua Qua), giồng Trấn Định (xã Tân Lý Tây, thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), giồng Kỳ Lân (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), giồng Dứa (xã Tam Hiệp, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

- Cụm 2: Chạy theo hướng đông - tây: Gò Lũy, giồng Cai Lữ, giồng Thuộc Nhiêu (xã Nhị Bình, xã Điềm Hy, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), gò Ông Hoài (xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), giồng Trà Luộc (xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành và xã Nhị Quý, xã Phú Quý, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).

- Cụm 3: Chạy theo hướng đông - tây: Giồng Cai Lễ (xã Tân Hội, TX. Cai Lậy và xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), gò Lâm Vồ (xã Tân Hội, TX. Cai Lậy), giồng Bù Lu (xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy), gò Mồ Côi, giồng Bà Trà (TX. Cai Lậy), giồng Tre, gò Sung (xã Bình Phú, huyện  Cai Lậy), gò Triệu (xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

LIÊN QUAN ĐẾN NHIỀU SỰ KIỆN LỊCH SỬ

Cuối thế kỷ XVIII, đất Ba Giồng là bãi chiến trường ác liệt giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn. Sau khi vị chúa cuối cùng của dòng họ Nguyễn ở Đàng Trong là Nguyễn Phúc Thuần bị nghĩa quân Tây Sơn giết chết (năm 1777), cháu của Nguyễn Phúc Thuần là Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát và gầy dựng lại lực lượng để chống lại Tây Sơn. Trong số những tướng lĩnh phò tá Nguyễn Phúc Ánh có Đỗ Thanh Nhơn, người từng theo Nguyễn Phúc Thuần với tước hiệu tự xưng “Đông Sơn thượng tướng quân”.

Trong quá trình theo giúp Nguyễn Phúc Ánh, do lập được nhiều công trạng nên Đỗ Thanh Nhơn được phong làm “Ngoại hữu phụ chính Thượng tướng quân, tước Quận công” vào năm 1780. Tuy nhiên, Đỗ Thanh Nhơn ngày càng tỏ ra lộng quyền, hống hách, nên chỉ một năm sau (năm 1781) đã bị Nguyễn Phúc Ánh giết chết. Hai tướng tâm phúc của Đỗ Thanh Nhơn là Võ Nhàn (anh của Võ Tánh) và Đỗ Bảng, sau khi an táng chủ tướng xong, đã rút binh về Ba Giồng, chống Tây Sơn lẫn chúa Nguyễn Phúc Ánh. Nguyễn Phúc Ánh cho người đi khuyến dụ, nhưng hai vị tướng này không tin nữa. 

Về sau, Nguyễn Phúc Ánh cho người bí mật trà trộn vào hàng ngũ quân Đông Sơn, bắt sống được Võ Nhàn và Đỗ Bảng đem chém. Từ đó, binh Đông Sơn bị phân tán, dựa vào thế hiểm trở của vùng ven Đồng Tháp Mười đi cướp bóc khắp nơi. Mãi đến năm 1785, bọn phiến quân này mới bị nghĩa quân  Tây Sơn do đô đốc Trấn chỉ huy tiêu diệt hoàn toàn. Từ đó, Ba Giồng mới trở lại an bình.

Ba Giồng cũng gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương (Thiên hộ Dương­). Tháng 5-1861, từ Trung kỳ, ông trở lại Ba Giồng chỉ huy cuộc kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược. Tại đây, ông đã chiêu mộ hơn 1.000 nghĩa quân, được triều đình phong chức Quản cơ vào tháng 9-1861, cùng lúc với Bình Tây Đại tướng quân Trương Định.

Nhận thấy Ba Giồng là nơi đông dân, nhiều của, lại là cửa ngõ đi vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hơn nữa, nhân dân ở đây rất quyết tâm chống giặc, nên ông đã xây dựng nơi đây thành một trung tâm kháng chiến mạnh mẽ - trung tâm kháng chiến Ba Giồng, tồn tại đồng thời với trung tâm kháng chiến Tân Hòa (Gò Công) của Trương Định.

Cuộc kháng chiến do Thiên hộ Dương lãnh đạo đã thu hút được mọi tầng lớp nhân dân tham gia: Nông dân, dân binh đồn điền, quan lại, địa chủ, phú hào yêu nước… Nghĩa quân hoạt động trên một địa bàn rất rộng, từ phía nam sông Vàm Cỏ Tây, dọc theo kinh Bảo Định và sông Tiền, đến tận Cai Lậy và Cái Bè. Đồng thời, ông còn thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các lãnh tụ Trương Định ở Gò Công, Trần Xuân Hòa ở Cai Lậy, Bùi Quang Diệu ở Long An… nhằm phối hợp trong chiến đấu. Dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã tiến hành những trận đánh dũng mãnh và thu được những thắng lợi vang dội, điển hình là trận tấn công đồn Bourdais (ngày 4-9-1861), trận Cái Thia (ngày 14-10-1861), trận Cai Lậy (ngày 15-10-1861), trận Kỳ Hôn (ngày 22-10-1861), trận Rạch Gầm (tháng 11-1861)…

Bên cạnh đó, nghĩa quân còn đẩy mạnh công tác diệt ác trừ gian, như ngày 17-10-1861 nghĩa quân đột nhập vào đồn Cai Lậy, diệt 1 tên đội; trong các ngày 22, 23, 24-11-1861, nghĩa quân len lỏi vào vùng địch tạm chiếm, diệt các tên xã trưởng của các xã Mỹ Quý, Trung Lương, Tân Lý, Mỹ An… Trước tình hình đó, thực dân Pháp tập trung lực lượng đàn áp cuộc khởi nghĩa. Để bảo toàn lực lượng, cuối năm 1864, ông rút quân vào Đồng Tháp Mười xây dựng căn cứ mới, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp. Như vậy, trong khoảng thời gian 3 năm, từ năm 1861 - 1864, Ba Giồng là một trong những trung tâm kháng Pháp mạnh nhất ở Nam kỳ, biểu thị lòng yêu nước nồng nàn và ý chí đấu tranh bất khuất của nhân dân ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.

Ngoài ra, Ba Giồng còn là địa bàn hoạt động của các thủ lãnh nghĩa quân Trần Xuân Hòa, Tứ Kiệt (Bốn Ông Nguyễn Thanh Long, Ngô Tấn Đước, Lê Công Thận, Trương Văn Rộng), Lê Văn Ong, Võ Văn Khả… Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ oanh liệt năm 1940 ở Tiền Giang diễn ra chủ yếu cũng trên vùng đất Ba Giồng lịch sử.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975), vùng đất Ba Giồng đã ghi nhiều chiến thắng vang dội của quân và dân ta, tiêu biểu là chiến thắng Cổ Cò (tháng 1-1947), chiến thắng Giồng Dứa (tháng 4-1947), cuộc đấu tranh chính trị của hàng ngàn quần chúng ở Ngã ba Chim Chim (năm 1960), chiến thắng Ấp Bắc (tháng 1-1963), Mặt trận vành đai diệt Mỹ Bình Đức (1966 - 1973), Mặt trận Đường 4 (nay là Quốc lộ 1)…

TUỆ MINH

.
.
.