Thứ Hai, 19/04/2021, 09:15 (GMT+7)
.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Dấu ấn bản sắc Việt

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Giỗ Tổ Hùng Vương đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân đất Việt, từ miền ngược đến miền xuôi, đã trở thành lễ hội văn hóa trọng đại của dân tộc. Dù ở phương trời nào, người Việt đều nhớ ngày Giỗ Tổ, hướng về vùng đất cội nguồn tỉnh Phú Thọ…

CÙNG CHUNG NGUỒN CỘI

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”.

Đã là người Việt Nam không ai không biết đến câu ca dao ấy, đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ ngàn xưa đến nay, ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, Giỗ Tổ Hùng Vương tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ - nơi thiêng liêng cội nguồn của dân tộc, của đất nước. Lễ hội Giỗ Tổ được tổ chức theo truyền thống văn hóa của dân tộc. Không chỉ để tưởng nhớ tổ tiên, lễ hội còn nhằm giáo dục truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và lớp lớp các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.

Hằng năm,  Bảo tàng Tiền Giang tổ chức trang trọng Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều đại biểu và nhân dân đến thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công với nước.                                                                                                                                                                                                                              Ảnh: HÀ NAM
Hằng năm, Bảo tàng Tiền Giang tổ chức trang trọng Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều đại biểu và nhân dân đến thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công với nước. Ảnh: HÀ NAM

Cũng tại nơi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trong một lần đến thăm Đền Hùng đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước / Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.

Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc cội tổ tiên - một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng đã khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết chúng ta thành một khối đại đoàn kết. Hai chữ đồng bào là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.

Ngày này, cả nước hướng về vùng Đất Tổ, khắp mọi miền đều tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương thật trang trọng, thành kính để tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng. Tổ tiên người Việt luôn nhắc nhở con cháu: Ai ai cũng nên làm tròn bổn phận, nhiệm vụ của mình, giữ đúng kỷ cương, thì gia đình sẽ yên ổn, xã hội được an cư lạc nghiệp, phồn vinh, phát triển.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đặc biệt là từ thế kỷ XV đến nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành tín ngưỡng chính thống của người Việt, được Nhà nước công nhận và trở thành Quốc lễ của nước Việt Nam.

LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG TẠI BẢO TÀNG TIỀN GIANG  

Hòa chung không khí cùng cả nước tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, năm nay Bảo tàng tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức Lễ Giỗ Tổ từ ngày mùng 8 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch. Lễ Giỗ được tổ chức theo nghi thức truyền thống, trang trọng, nhằm tri ân sâu sắc các bậc tiền nhân của thế hệ hôm nay.

Giám đốc Bảo tàng Tiền Giang Nguyễn Mạnh Thắng cho biết: Lễ Giỗ Tổ năm nay sẽ có 2 phần, gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm cúng tế của Hội đình Điều Hòa, TP. Mỹ Tho, với các nghi thức: Chấp sự, cánh nguyện hương tụ vị, đi học trò lễ; chánh tế dâng rượu, trà do Ban lễ đình Điều hòa thực hiện.

Hằng năm, Tiền Giang tổ chức trang trọng Lễ Giỗ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng tại Bảo tàng Tiền Giang. Ảnh: HÀ NAM
Hằng năm, Tiền Giang tổ chức trang trọng Lễ Giỗ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng tại Bảo tàng Tiền Giang. Ảnh: HÀ NAM

Ngoài ra, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cùng các sở, ban, ngành tỉnh Tiền Giang và TP. Mỹ Tho, các huyện, thị, các đại biểu và nhân dân về rước lễ, dâng hương, dâng hoa lên các Vua Hùng tại Bảo tàng Tiền Giang. Phần hội sẽ diễn ra các hoạt động: Hội thi Hoa lan; giao lưu đờn ca tài tử vào tối 20-4; chưng nghi và làm cổng nghệ thuật từ ngày 20 đến 21-4 tại khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Tiền Giang; trưng bày chuyên đề “Đảng Cộng sản Việt Nam - 91 mùa xuân lịch sử” tại nhà trưng bày chuyên đề; trưng bày Lịch sử Tiền Giang - Tự nhiên và xã hội trước khi có Đảng Cộng sản Việt Nam; trưng bày Lịch sử cách mạng (từ năm 1930 - 1975); trưng bày chuyên đề Khu 8 - Trung Nam bộ tại nhà trưng bày của Bảo tàng Tiền Giang…

Giỗ Tổ Hùng Vương là hoạt động văn hóa tâm linh đặc biệt của dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân tỉnh Tiền Giang nói riêng, hướng về tổ tiên, cội nguồn của dân tộc, nhằm tỏ lòng biết ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước và cùng cầu nguyện cho quốc thái, dân an, để mọi người, mọi nhà được ấm no, hạnh phúc; là dịp khẳng định truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thắt chặt tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên toàn dân tích cực học tập, lao động sản xuất, cống hiến công sức, trí tuệ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh, phồn vinh.

NGỌC AN

.
.
Liên kết hữu ích
.