Tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc
Có thể nói, từ bao đời nay, sách đã, đang và mãi là người bạn đồng hành thân thiết của con người đi đến sự hiểu biết. Việc đọc sách và ham đọc sách không chỉ mới có mà từ lâu đời đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở: “Siêng xem sách và xem được nhiều sách là một việc đáng quý”. Theo Người, mỗi cá nhân muốn phát triển về mặt trí tuệ phải không ngừng học tập và coi đó là việc làm suốt đời của mỗi con người. Và học ở đây có nhiều cách học như học ở trường, học lẫn nhau và học ở sách vở.
Học sinh tham gia Ngày hội Đọc sách năm 2021 tại Tiền Giang. Ảnh: LÊ MINH |
TẦM QUAN TRỌNG CỦA SÁCH
Sách được nhiều người lựa chọn để trau dồi kiến thức, bởi sách quy tụ nhiều kinh nghiệm, trí tuệ chắt lọc bao đời ở khắp mọi miền trên thế giới. Sách giúp chúng ta mở rộng, cập nhật kiến thức và kỹ năng sống… Đọc sách góp phần hoàn thiện nhân cách, hình thành lối sống nhân ái, khát vọng vươn tới cuộc sống cao thượng. Đồng thời, đọc sách góp phần xóa mù chữ và tránh tái mù chữ, đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, khi đọc sách giúp con người thư giãn sau lao động và học tập. Từ đó cho thấy, sách rất quan trọng và có ý nghĩa đối với mỗi con người.
Ảnh: LÊ MINH |
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 284 lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Quyết định này nhằm động viên, khuyến khích và phát triển tinh thần ham học hỏi từ việc đọc sách. Qua đó, phát triển kiến thức, kỹ năng và bồi dưỡng nhân cách của con người. Năm 2018, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 115 về việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Thư viện tỉnh Tiền Giang Võ Nam Phước chia sẻ: “Đọc sách giúp con người, nhất là sinh viên, học viên có những suy nghĩ, thêm nhiều kiến thức thiết thực trong cuộc sống và giúp vạch ra những định hướng trong tương lai. Sách là người bạn gần gũi, hữu ích với mọi người nhằm nâng cao tri thức, tầm hiểu biết và góp phần tự hoàn thiện bản thân. Đặc biệt đối với sinh viên, học sinh, thói quen yêu sách tìm được niềm vui trong đọc sách sẽ giúp các em nâng cao kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành kỹ năng sống và chuẩn bị những hành trang tốt nhất cho tương lai”.
ĐẾN GẦN VÀ HIỂU SÁCH HƠN
Theo đó, việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8 năm 2021, là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Ngày sách không chỉ là niềm vui, là trải nghiệm để những người yêu sách được tiếp cận với đa dạng nguồn sách khác nhau mà còn là cơ hội để những người chưa “mến” sách đến gần với sách và “hiểu” sách hơn.
Ảnh: LÊ MINH |
Thạc sĩ Võ Văn Sơn, giảng viên bộ môn Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Tiền Giang chia sẻ: “Thông qua việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam (21-4) góp phần cải thiện môi trường đọc, nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn người đọc. Từ đó, hướng tới xây dựng xã hội học tập, ôn lại nét đẹp trong đời sống xã hội…”. Còn em Đặng Quốc Vinh, sinh viên lớp Đại học Văn hóa học K20, Trường Đại học Tiền Giang cho rằng, đọc sách mang lại ý nghĩa rất lớn, do đó mỗi sinh viên cần hình thành thói quen đọc sách để rèn luyện tư duy, nhân cách và trang bị kỹ năng sống trong thời đại mới.
Qua đó cho thấy, Ngày Sách Việt Nam đã thật sự tạo được không gian và môi trường văn hóa lành mạnh, thiết thực, bổ ích cho cộng đồng và toàn xã hội với nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau, sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều tầng lớp xã hội. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của các cấp, ngành và chính quyền địa phương.
Với tinh thần đề cao tầm quan trọng của sách và tri thức trong đời sống, sự kiện Ngày Sách Việt Nam đang trở thành nét sinh hoạt văn hóa, văn minh của những người yêu sách, cần được mọi người, đặc biệt là giới trẻ phát huy, duy trì và tuyên truyền rộng rãi trong xã hội để văn hóa đọc luôn là nhu cầu không thể thiếu của mọi người trong thời đại ngày nay.
QUÂN ANH