.

Những "ngọn lửa" xứ Dạ cổ hoài lang

Cập nhật: 09:45, 20/04/2021 (GMT+7)

Trong khi ở nhiều tỉnh thành và TPHCM, cải lương Nam bộ đang trầy trật để “sống”, thì Nhà hát Cao Văn Lầu vẫn định kỳ sáng đèn mỗi tuần, suốt từ năm 2018 đến nay. Đó là do sự tận tâm của những “ngọn lửa” đầy tâm huyết với nghề tại xứ Bạc Liêu.

Các nghệ sĩ biểu diễn vở Đêm lạnh chùa hoang tại Bạc Liêu.
Các nghệ sĩ biểu diễn vở Đêm lạnh chùa hoang tại Bạc Liêu.

Nồng ấm đêm diễn 

“Đúng 7 giờ tối nay, kính mời bà con đến Nhà hát Cao Văn Lầu xem vở cải lương Đêm lạnh chùa hoang của tác giả Yên Lang, đạo diễn Ngô Quốc Khánh, do Đoàn nghệ thuật cải lương Cao Văn Lầu trình diễn, với sự góp mặt của NSƯT Giang Tuấn vai Tần Lĩnh Sơn, NSƯT Mỹ Hạnh vai Hồ Bảo Xuyên. Đặc biệt có sự hiện diện của giọng ca cải lương năm 2020 Như Huỳnh…”. Sáng thứ bảy tuần đầu tháng 4-2021, tiếng loa phát ra từ chiếc xe cổ động chạy qua các con đường nội ô của TP Bạc Liêu mời gọi bà con…   

Trên đất đồng bằng hiện nay rất hiếm nơi còn “sáng đèn” cải lương như vậy. “Ở đây chẳng những đến mà còn đông, trên 300 người/kỳ. Con số thực tế đó nha”, một thanh niên đứng trước cổng nhà hát nói. “Sao cậu biết rõ vậy?”. “Thì em là người giữ xe mà, xe nào vô bãi, em đưa vé giữ lại lai nên biết rõ. Không chỉ người dưới huyện lên, mà có cả khách du lịch phía Bắc, TPHCM đi theo tour; không chỉ người lớn tuổi mà cả thanh niên, trẻ nhỏ, nhiều người em nhớ cả tên cả mặt, vì tuần nào cũng đến coi. Dân ở đây mê cải lương, mê vọng cổ… thần sầu anh ơi”, cậu thanh niên hào hứng.

Đêm lạnh chùa hoang là vở cải lương kinh điển, nhiều khán giả rành “từng hơi” của những nghệ sĩ nổi tiếng từng đóng vai chính (Minh Vương, Lệ Thủy). Thiết kế, cảnh trí, ánh sáng, đạo cụ được đầu tư chuyên nghiệp, khá hiện đại. Các nghệ sĩ biểu diễn thần thái đĩnh đạc, truyền cảm; vũ đạo nhuần nhuyễn; giữ hơi nhả chữ “tròn vành rõ tiếng”. “Đã” nhất là mỗi khi nghệ sĩ chuẩn bị “xuống xề”, bà con chực chờ nhón người khỏi ghế, để rồi sau đó vỡ òa tiếng vỗ tay trong nhà hát. Đêm đó, khán giả ngồi muốn kín các hàng ghế, chăm chú theo dõi đến khi sân khấu hạ màn. 

Giữ lửa và truyền lửa 

Tôi khoái câu “truyền lửa” của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân, khi trao đổi về nguyên nhân Nhà hát Cao Văn Lầu vẫn liên tục sáng đèn từ năm 2018 đến nay. Theo bà Thu Vân, từ mấy năm trước, tỉnh đã có hẳn một dự án rất cụ thể như hỗ trợ cơ chế, đầu tư trang thiết bị (đạo cụ, âm thanh, ánh sáng…); bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn nghệ sĩ; mời gọi các nghệ sĩ được giới mộ điệu quan tâm về Bạc Liêu… “Do nguồn kinh phí hạn hẹp, chúng tôi phải tính toán “chia lửa” phần nào cho Nhà hát Cao Văn Lầu, nhưng yêu cầu các đoàn nghệ thuật tỉnh phải nỗ lực hơn nữa, phải đảm bảo lưu diễn phục vụ cho bà con vùng sâu vùng xa; tích cực vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân và đã nhận được nhiều sự đồng cảm, chia sẻ. Nhưng quan trọng nhất là từ người quản lý đến các đơn vị hoạt động nghệ thuật, nhất là anh chị em nghệ sĩ phải giữ lửa và truyền lửa, vì chính họ là người trực tiếp đem nghệ thuật ra trình diễn trước công chúng”, bà Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh. 

Cơ chế thị trường thời hội nhập khắc nghiệt, đã tác động đến những người làm nghệ thuật. “Chúng tôi được lãnh đạo tỉnh quan tâm, động viên, ngay cả việc hỗ trợ thêm tiền bồi dưỡng cho nghệ sĩ (theo quy chế nghệ sĩ loại A chỉ khoảng 200.000 đồng/buổi diễn) nên chúng tôi dành rất nhiều công sức để có những tiết mục chất lượng”, đạo diễn Ngô Quốc Khánh, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Cao Văn Lầu, cho biết. 

“Ngọn lửa” yêu nghề, giữ nghề đã khiến nghệ sĩ Như Huỳnh, sau hơn 10 năm làm nghệ sĩ tự do, cộng tác với nhiều đoàn, đã quyết định về Bạc Liêu đầu quân. Cô chia sẻ: “Bạc Liêu có cơ sở hạ tầng nghệ thuật đúng nghĩa, chuyên nghiệp (Nhà hát Ba Nón Lá, hệ thống âm thanh, ánh sáng…) không thua kém TPHCM. Lãnh đạo tỉnh và Đoàn cải lương Cao Văn Lầu tâm huyết, có bước đi rất cụ thể với nghệ thuật truyền thống. Và hơn nữa, yêu Bạc Liêu không thể không yêu cải lương. Tôi rất xúc động trước tấm lòng của khán giả Bạc Liêu, họ dõi theo từng động tác, từng câu từng lời, sân khấu hạ màn rồi mới chịu đứng lên ra về...”.    

Ở vùng đất là cái nôi của cải lương Nam bộ, cải lương “không chết”, Bạc Liêu đã “giữ lửa” được nghề.

Bạc Liêu, vùng đất của những tài danh cổ nhạc luôn được tiếp nối như Nhạc Khị, Sư Nguyệt Chiếu, Lư Hòa Nghĩa, Trịnh Thiên Tư, Cao Văn Lầu, rồi các soạn giả Yên Lang, Trọng Nguyễn… là nền tảng đầy tự hào cho người nghệ sĩ tiếp bước. Đoàn cải lương Cao Văn Lầu quy tụ nhiều nghệ sĩ chất lượng, luôn “máu lửa” với nghề, trong từng vở diễn, như NSƯT Giang Tuấn, Ngọc Đợi, Mỹ Hạnh cùng nhiều nghệ sĩ từng đoạt HCV, HCB, quán quân trong các hội thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, giải Trần Hữu Trang, tài năng trẻ.

(Theo sggp.org.vn)
 

.
.
.