Thúc đẩy du lịch nhưng không chủ quan
Hành khách xếp hàng dài chờ đợi qua cửa soi chiếu an ninh sân bay Tân Sơn Nhất trong sáng 15-4. Ảnh: TTXVN. |
Trong bối cảnh du lịch quốc tế chưa mở cửa trở lại, nhu cầu của khách du lịch Việt Nam chỉ có thể được đáp ứng bằng hình thức du lịch trong nước. "Khoảng lặng" chờ đợi quá dài do ảnh hưởng dịch Covid-19 thời gian qua càng khiến nhu cầu được dịch chuyển, tham quan của người dân tăng mạnh.
Thêm vào đó Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước cho nên các hãng hàng không, lữ hành, khách sạn ra sức giảm giá sâu để kích cầu du lịch… Tất cả những yếu tố này dẫn đến đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5 kéo dài bốn ngày sắp tới được dự báo là thời kỳ cao điểm của du lịch trong nước. Ðây là tín hiệu vui để phục hồi du lịch nước nhà sau thời gian "ngủ đông" vì dịch bệnh, song nguy cơ tăng trưởng "nóng" du lịch tại cùng một thời điểm cũng làm dấy lên nhiều lo ngại về sự bùng dịch trở lại theo hướng khó kiểm soát.
Thống kê từ công cụ Destination Insights Việt Nam của Google cho thấy, từ đầu năm đến giữa tháng 2-2021, nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch của người dân khá trầm lắng do dịch Covid-19 bùng phát tại một số tỉnh, thành phố ở nước ta. Song từ cuối tháng 2 đến nay, nhu cầu tìm kiếm thông tin du lịch trong nước đã tăng lên mạnh mẽ, nhất là vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, lượng tìm kiếm tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, nhiều hãng lữ hành uy tín cho biết, tới thời điểm hiện tại đã hoàn thành hơn 80% kế hoạch bán tua dịp nghỉ lễ. Không ít cơ sở lưu trú ở Ðà Lạt, Vũng Tàu, Phan Thiết… phải thông báo hết phòng lưu trú đợt nghỉ 30-4, 1-5. Ðể phục vụ người dân trong nước đi chơi dịp nghỉ lễ, Vietnam Airlines Group dự kiến cung ứng gần 500 nghìn chỗ, tương đương 2.600 chuyến bay nội địa từ ngày 28-4 đến 3-5; Vietjet Air cũng mở thêm năm đường bay từ các tỉnh tới Phú Quốc - điểm đến được cho là hút khách mạnh mẽ mùa cao điểm…
Những minh chứng này cho thấy du lịch trong nước đang tăng nhiệt một cách nhanh chóng và nếu không có sự dự báo, tính toán trước, tình trạng "thất thủ" ở các điểm di tích, thắng cảnh nằm trong các tỉnh, thành phố vốn được coi là điểm "nóng" du lịch sẽ là điều khó tránh khỏi trong kỳ nghỉ tới.
Những ngày qua, hình ảnh chen chúc, xếp hàng dài cả tiếng đồng hồ chờ làm thủ tục ở hai sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài; hay việc mỗi ngày có hàng chục nghìn người đổ xô đi hành lễ ở các điểm đến tâm linh như chùa Hương, chùa Tam Chúc… chính là sự cảnh báo trước cho nguy cơ phá vỡ những quy tắc an toàn phòng, chống dịch. Trong thông điệp 5K phòng, chống dịch Covid-19, ít nhất hai nội dung: "khoảng cách", "không tập trung" đã bị phá vỡ, ba quy tắc còn lại: "khẩu trang", "khử khuẩn", "khai báo y tế" rất khó bảo đảm khi đám đông cùng đổ xô tới một địa điểm mà không được kiểm soát.
Tính chất của du lịch thường là di chuyển liên tục qua nhiều điểm đến, thành phần khách du lịch lại đa dạng, đến từ nhiều địa phương khác nhau, cho nên nếu trong đám đông chỉ cần có trường hợp nhiễm bệnh thì công tác truy vết, dập dịch sẽ vô cùng nan giải. Nếu không được kiểm soát, nguy cơ dịch bùng trở lại rất cao, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp ở các nước láng giềng, cùng tình trạng nhập cảnh trái phép vẫn tồn tại.
Vì thế, những người cung ứng dịch vụ du lịch cũng như chính quyền địa phương, ban quản lý các điểm di tích, khu du lịch phải chuẩn bị trước kịch bản ứng phó để vừa thỏa mãn nhu cầu du lịch của người dân, vừa bảo đảm việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch. Trong khi hạ tầng sân bay còn chưa tương xứng với nhu cầu di chuyển đột biến của người dân vào những ngày cao điểm, các sân bay cần chủ động được số liệu thống kê về những lượt khách sẽ đến, đi trong ngày để có phương án, điều động nhân sự phù hợp, tránh tình trạng ùn tắc.
Các doanh nghiệp lữ hành đều cam kết sẽ áp dụng đầy đủ các quy tắc phòng, chống dịch trong hành trình phục vụ du khách, nhưng khi tới các điểm đến, nhất là những điểm có lượng khách lớn đổ về, việc kiểm soát sẽ phụ thuộc phần lớn vào các địa phương sở hữu di tích, thắng cảnh. Do đó, chính quyền địa phương không thể "khoán trắng" cho ban quản lý điểm đến mà cần có năng lực dự báo để chỉ đạo, phối hợp kiểm soát, bố trí các phương án hợp lý phân luồng du khách, kiểm soát số lượng người vào điểm tham quan, bảo đảm thực hiện nghiêm quy tắc phòng dịch.
Và quan trọng hơn cả là ý thức của chính những người tham gia du lịch trong việc giữ an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội. Việt Nam đã có ba đợt dập dịch thành công. Ðây là thành tựu đáng tự hào được người dân và dư luận quốc tế đánh giá cao. Ðể bảo vệ thành quả này và bảo đảm hoạt động du lịch an toàn trong tình trạng "bình thường mới", hơn lúc nào hết đòi hỏi sự thận trọng của cả du khách, cơ quan chức năng và những người làm du lịch.
(Theo nhandan.com.vn)