Thứ Bảy, 10/04/2021, 22:19 (GMT+7)
.

Trăm năm nhà cổ Tiền Giang

(ABO) Tiền Giang là một trong những địa phương của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang “sở hữu” nhiều nhà cổ. Trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng 350 ngôi nhà cổ với niên đại trên dưới một thế kỷ. Những ngôi nhà cổ đều có kiến trúc khá độc đáo, phong phú và đi kèm là những nội thất đã ghi đậm dấu ấn thời gian.

Theo các tài liệu của Pháp để lại và kết luận của những nhà sử học, nhà cổ ở Tiền Giang hiện được chia làm hai loại: Loại cổ dân gian truyền thống và loại pha tạp kiến trúc của Đông Dương (kết hợp giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc truyền thống Việt Nam), đây là loại nhà cổ phổ biến. Ở Tiền Giang, phần lớn nhà cổ thuộc về tư nhân, dòng họ, chỉ có một số nhà cổ là do nhà nước quản lý, sử dụng. Các ngôi nhà cổ đều nằm rải rác ở các huyện, thị, thành trong tỉnh, trong đó tập trung nhiều nhất là ở TX. Gò Công và huyện Cái Bè.

ngôi nhà của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải (tọa lạc tại phường 1, TX. Gò Công) là một di tích kiến trúc độc đáo cuối thế kỷ XIX, có lịch sử hình thành và phát triển khá phong phú.
Ngôi nhà của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải (tọa lạc tại phường 1, TX. Gò Công), một di tích kiến trúc độc đáo cuối thế kỷ XIX, có lịch sử hình thành và phát triển khá phong phú.

Hiện ở TX. Gò Công số nhà cổ còn lại khá nhiều, nhưng chỉ có những ngôi nhà thuộc sở hữu nhà nước mới được gìn giữ. Trong đó nổi tiếng có ngôi nhà của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Hải (tọa lạc tại phường 1, TX. Gò Công), một di tích kiến trúc độc đáo cuối thế kỷ XIX, có lịch sử hình thành và phát triển khá phong phú.

Ngôi nhà tựa như một tiểu cung điện, bởi sự nguy nga của ngôi nhà và sự cầu kỳ, xa hoa của nội thất. Bước vào nhà, nhìn đâu cũng thấy những tác phẩm nghệ thuật chạm khảm tuyệt mỹ và các cổ vật quý giá. Phần bên ngoài ngôi nhà được xây dựng bởi vôi vữa, cổng sắt theo kiểu kiến trúc Pháp như chiếc áo tân thời khoác lên ngôi nhà rường Nam bộ. Nhà đốc phủ Hải đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1994. 

Ngôi nhà cổ của gia đình ông Phan Văn Đức (ở ấp An Lợi, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè), ngôi nhà được xây dựng từ năm 1850, với sự kết hợp hài hòa của 2 lối kiến trúc Á - Âu.
Ngôi nhà cổ của gia đình ông Phan Văn Đức (ở ấp An Lợi, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè), xây dựng từ năm 1850, với sự kết hợp hài hòa của 2 lối kiến trúc Á - Âu.

Bên cạnh đó, khi nói đến nhà cổ Tiền Giang, không ít người nghĩ ngay đến vùng đất Cái Bè, nơi còn lưu lại khá nhiều ngôi nhà lớn, cổ kính, được xây dựng từ trước năm 1945. Chỉ riêng xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè có khoảng 10 ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo, đặc sắc. Hiện những ngôi nhà cổ này được xem như là tài sản vô giá của gia đình nói riêng và của địa phương nói chung. Mỗi ngôi nhà cổ là dấu ấn của nhiều giai đoạn lịch sử, góp phần tô đẹp thêm cho nền văn hóa bản địa.

Bên trong ngôi nhà cổ của gia đình ông Phan Văn Đức.
Bên trong ngôi nhà cổ của gia đình ông Phan Văn Đức.

Trong đó có ngôi nhà cổ của gia đình ông Phan Văn Đức (ở ấp An Lợi, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) được xây dựng từ năm 1850, với sự kết hợp hài hòa của 2 lối kiến trúc Á - Âu. Mới đầu nhà được cất theo kiểu nhà Nam bộ. Đến năm 1938, ngôi nhà sửa lại có sự kết hợp kiến trúc phương Tây, bỏ vách ván, xây tường. Mặt tiền ngôi nhà được bao bởi một hàng khung vòm và nâng đỡ bằng những cột tròn phía trước hành lang. Đầu mỗi cột có hình điêu khắc hoa văn kiểu phương Tây. Bên trong, chính giữa gian nhà trước (còn gọi là nhà thờ) có bốn cột tròn bằng gỗ căm xe càng làm bật sự vững chắc và trường tồn của ngôi nhà...

Ngôi nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt (ở ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp) của dòng họ Trần tại huyện Cái Bè nổi tiếng độc đáo vì toàn bằng gỗ, được xây dựng vào khoảng năm 1838 và được mệnh danh là “cửu đại mỹ gia” (chín ngôi nhà đẹp) của Việt Nam.
Ngôi nhà cổ ông Trần Tuấn Kiệt (ở ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp) của dòng họ Trần tại huyện Cái Bè nổi tiếng độc đáo vì toàn bằng gỗ, xây dựng vào khoảng năm 1838 và được mệnh danh là “cửu đại mỹ gia” (chín ngôi nhà đẹp) của Việt Nam.

Ở ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp có nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt, ngôi nhà của dòng họ Trần tại Cái Bè nổi tiếng độc đáo vì toàn bằng gỗ, xây dựng vào khoảng năm 1838 và được mệnh danh là “cửu đại mỹ gia” (chín ngôi nhà đẹp) của Việt Nam. Căn nhà rộng gần 1.000 m2, gồm 5 gian làm bằng gỗ quý như: Lim, bằng lăng, cẩm lai..., dựng theo hình chữ đinh với 108 cột gỗ. Mái của ngôi nhà được lợp ngói âm dương. Các hoa văn chạm khắc trên các bộ kèo, cột, xiên và vách rất công phu, đặc trưng theo phong cách nhà xưa tại vùng đất Nam bộ. Đây là ngôi nhà cổ đã từng được Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ kinh phí khoảng 1,8 tỷ đồng để trùng tu vào năm 2002.

Căn cứ Luật Di sản văn hóa năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và Nghị định 98 ngày 21-9-2010 của Chính phủ, những ngôi nhà có niên đại từ 80 đến 100 năm tuổi được đưa vào danh sách lập hồ sơ bảo tồn, bảo tàng. Những ngôi nhà có niên đại từ 100 năm trở lên, được xếp hạng là nhà cổ và có kế hoạch bảo vệ. Những nhà cổ có gắn với yếu tố, tiêu chí đặc thù khác như: Lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật thì sẽ được xếp hạng di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa.

Ngoài ra, ở ấp Hòa Phúc, xã Hòa Khánh (huyện Cái Bè) còn có nhà cổ ông Cai Huy, xây dựng vào năm 1860 cũng là nhà cổ mang đậm nét Nam bộ. Hay ở ấp Phú Hưng, xã Long Khánh (huyện Cai Lậy) có nhà của ông Hội đồng Phan Văn Cự được Ban quản lý di tích Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đánh giá là ngôi nhà có kiến trúc chạm độc đáo nhất tỉnh hiện nay. Còn ở ấp Tân Phú, xã Tân Lý Tây (huyện Châu Thành) có ngôi nhà của ông Bùi Ngọc Hưởng, ngôi nhà duy nhất ở Tiền Giang còn lưu giữ nguyên vẹn kiến trúc nhà truyền thống của người Việt sau hơn 100 năm xây dựng...

Các nghệ nhân người Nhật tổ chức cắm hoa tại ngôi nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt nhân dịp Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần III năm 2017.
Các nghệ nhân người Nhật tổ chức cắm hoa tại ngôi nhà cổ ông Trần Tuấn Kiệt nhân dịp Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp lần III năm 2017.

Những ngôi nhà cổ ở Tiền Giang luôn đồng hành cùng lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này; đồng thời, ghi khắc những dấu ấn qua bao thăng trầm của lịch sử. Nguồn giá trị lịch sử văn hóa nhà cổ là kho tư liệu quý cần lưu giữ. Tuy nhiên, theo thời gian và những biến cố của chiến tranh, nhiều nhà cổ ở Tiền Giang đã bị “xóa sổ” hoặc đang trong tình trạng xuống cấp, chỉ có một số rất ít nhà cổ được trùng tu, đưa vào phục vụ du lịch. Do đó, đừng để những ngôi nhà cổ trăm năm ở Tiền Giang lần lượt bị mất đi, những dấu ấn văn hóa, lịch sử của ông cha bị mờ phai trong sự lãng quên, thờ ơ với sự vô tình...

HỮU NGHỊ

.
.
.