.
VÀI SUY NGHĨ VÀ CẢM NHẬN:

Viết về đề tài chiến tranh cách mạng hiện nay

Cập nhật: 21:18, 28/04/2021 (GMT+7)

(ABO) Tôi thích viết báo, viết văn hồi thời còn chiến tranh, đang trong quân ngũ. Mặc dù mới tập sự viết vài bài, nhưng đặc biệt lại mê viết về đề tài chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang. Có thể nói không quá rằng, cho đến nay, những bài viết về đề tài chiến tranh cách mạng ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả cơ bản vẫn thuộc về những cây bút đã trải qua chiến tranh.

 Nhân kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2021), tôi có vài suy nghĩ và cảm nhận: Viết về đề tài chiến tranh cách mạng trong bối cảnh hiện nay, nhất là đối với các người viết trẻ…

ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG LÀ MỘT THÁCH THỨC KHÔNG NHỎ ĐỐI VỚI CÁC NHÀ BÁO

Đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng chưa lỗi thời, nếu như không muốn nói vẫn còn nguyên vẹn giá trị trong báo chí, văn học Việt Nam hiện nay. Bởi một điều rất dễ nhận ra là, tầm vóc và giá trị yêu nước, nhân văn của các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc chưa được thể hiện đủ, sâu và hay cả về không gian, thời gian lịch sử và con người Việt Nam trong các tác phẩm báo chí đã có.

Chắc ai cũng biết, hiện thực của quá khứ bi tráng vẫn còn được lưu giữ đâu đó với nhiều cảnh ngộ, tình huống, nhân vật vừa mang tính thời đại vừa có sự cụ thể chưa được khai thác, thể hiện hết. Bụi thời gian đã phủ không ít lớp lên quá khứ; tuy nhiên, nếu chịu khó tìm tòi và may mắn, các nhà báo vẫn có thể gặp được những vỉa mạch, phôi liệu đời sống vô cùng quý giá như ngọc báu, vàng ròng để xây dựng nên tác phẩm báo chí giá trị.

Dù ở giai đoạn lịch sử nào, thời nào thì yêu nước, thương dân vẫn là tiêu chí, là nội dung, giá trị bất biến của báo chí. Những tác phẩm lưu giữ lâu bền hàng đầu trong lòng nhân dân ta chính là những tác phẩm mang tư tưởng yêu nước, thương dân sâu sắc. Nói như vậy không có nghĩa người viết bài này không biết tới tính đa dạng của báo chí. Viết về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng đương nhiên cũng rất cần sự đa dạng trong nội dung và hình thức thể hiện. Cần nhiều góc độ khai thác, cách nhìn và hình thức thể hiện. Một chiều, định kiến, thiên vị là những cái đã lỗi thời trong báo chí ngày nay.

Thiết nghĩ, viết về chiến tranh cách mạng cũng là viết về con người. Tuy nhiên, không thể không phân biệt con người của chiến tranh chính nghĩa và con người của chiến tranh phi nghĩa; con người yêu nước và con người bán nước; con người của Tổ quốc, nhân dân và con người phản bội Tổ quốc, nhân dân; con người của sự cống hiến, hy sinh và con người cơ hội hưởng thụ...

Sự mất mát, hy sinh, những lần thất bại hay những mặt trái của đội ngũ chúng ta không còn là điều cấm kỵ hay bó hẹp trong sáng tác của các nhà báo Việt Nam nữa. Chiến tranh vốn vậy, vẫn vậy và mặc nhiên nó phải được khắc họa trên báo chí, như một đòi hỏi của lịch sử và cũng là yêu cầu tối thiểu của một tác phẩm báo chí viết về chiến tranh và người lính. Chiến tranh và những người lính phải được nhìn từ nhiều phía, nhiều chiều, bao gồm cả sự trưởng thành hay vấp ngã của họ, đừng để khúc quân hành hùng tráng lấn át hay che lấp điệu hồn tử sĩ xao xác, buồn bã.

Hàng vạn nấm mộ liệt sĩ từ Bắc vào Nam quá đủ để minh chứng cái giá phải trả cho nền độc lập, hòa bình, thống nhất của đất nước ta. Vì thế, không thế viết hời hợt hay nông cạn về chiến tranh và người lính được. Viết đúng và hay về người lính là sự tôn vinh, tri ân công bằng nhất với họ. Có thể kể những bài viết hay đầy ý nghĩa như: “Chiến thắng Tua Hai mở đầu cao trào Đồng khởi Nam bộ” (tác giả Đại tướng Ngô Xuân Lịch), “Người anh hùng xây dựng căn cứ cách mạng trong lòng dân” (Hạ Giao), “Những nẻo đường ra trận” (Phan Thông), “Từ trận thắng Mỹ đến chiến dịch Hồ Chí Minh” (Phan Minh Hậu)…

Theo chúng tôi, mỗi tác phẩm báo chí hay văn học khắc họa hình tượng người lính trong chiến tranh thành công như là một tượng đài tưởng niệm, ghi danh sự hy sinh, dâng hiến bất tử của họ; là những bài ca mang khát vọng hòa bình, hòa hợp, hạnh phúc của nhân dân. 

ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG - GÓC NHÌN NGƯỜI VIẾT TRẺ

Viết về chiến tranh là thách thức không nhỏ với nhiều nhà báo, người viết trẻ. Bởi đề tài này đã được nhiều nhà báo khai thác và thể hiện trong hàng mấy chục năm qua, từ chiến tranh qua hòa bình. Thời hậu chiến, có những đề tài khác được người đọc quan tâm hơn, đặc biệt là giới trẻ và có thể dễ viết hơn không? Đội ngũ nhà báo trưởng thành trong chiến tranh vốn là lực lượng cầm bút nòng cốt, chủ lực viết về chiến tranh phần đông đã cao tuổi, sức khỏe giảm sút, khả năng đổi mới và sức bật không còn nhiều.

Lớp trẻ một phần ngại ngần với đề tài này, một phần vốn sống về chiến tranh ít ỏi nên không có nhiều người hào hứng. Họ viết về chiến tranh với góc nhìn, điểm nhìn, bút pháp khác với lớp nhà báo đi trước, nhưng sự thiếu hụt về vốn sống vẫn là cản trở chủ yếu sự thành công của mình.

Muốn viết về chiến tranh và người lính tiếp tục phát triển mới mẻ trong các thể loại báo chí, theo tôi nên quan tâm tới đội ngũ nhà báo trẻ ở cả hai mặt lực lượng và chất lượng. Cần khuyến khích và tạo những điều kiện tốt nhất về sáng tác và xuất bản với những tác giả trẻ có khả năng viết về đề tài này. Từ những tác giả hạt giống đó tạo ra sự lan tỏa và nhân lên thành đội ngũ nhà báo chuyên tâm sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính.

Theo Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm: “…Chiến tranh được hình dung và tái tạo. Chiến tranh trong cái nhìn của người trẻ không chỉ là bom đạn, cái chết, mà dường như bởi lợi thế thuộc về thời đại, họ nhìn thấy những hiện thực khác của chiến tranh vốn ít được nói tới trong báo chí thời chiến…”. Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm còn nói thêm: “… Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể, ở các cây bút trẻ, những dư chấn, kiến tạo và định hình xuất phát từ nguyên cớ chiến tranh không phải là phổ biến. Điều đó khiến cho những âu lo về lực lượng viết là có cơ sở. Tương lai của báo chí và văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng sẽ như thế nào? Nhà báo, nhà văn trẻ viết về chiến tranh họ là ai? Những truy vấn ấy, một lần nữa đặt chúng ta vào trạng thái do dự thực sự…”.

Về trạng thái tinh thần của người viết trẻ, có thể thấy, nổi bật lên trong sáng tác của các người viết trẻ là cảm thức hoài nghi, thậm chí phê phán chiến tranh. Đó là tâm trạng của những người chứng kiến bi kịch hậu chiến, nơi dư chấn chiến tranh còn dai dẳng. Cái nhìn phân tư, đa chiều gắn với bối cảnh đổi mới, rộng mở của không gian đương đại chính là cơ sở của đề tài chiến tranh cách mạng trong sáng tác của các nhà báo trẻ. Họ được ủng hộ từ cái nhìn rộng mở của thời hậu chiến.

Bởi vậy, không giống như các nhà báo cha chú, bằng trải nghiệm trực tiếp, các người viết trẻ nhìn gián tiếp, thông qua tư liệu, chuyện kể. Bên cạnh cái khốc liệt, chiến tranh từ điểm nhìn của người viết trẻ tăng thêm những suy tư, xúc cảm, những khía cạnh khuất lấp, những diễn biến sau cuộc chiến nhưng bắt nguồn từ cuộc chiến. Rõ nhất là những bi kịch hậu chiến…

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì cho rằng: “Dễ hiểu vì sao những cây bút trẻ viết về chiến tranh không có nhiều. Viết về chiến tranh luôn luôn khó và thách thức”. Theo ông, khi chiến tranh đã lùi xa, viết về chiến tranh chắc chắn sẽ phải dày công nghiên cứu hơn, nếu không sẽ rất dễ ngô nghê, hay xảy ra sai sót. Chẳng hạn, muốn viết về một trận đánh, dù có dựng trận đánh đó trong thế giới hư cấu thì người viết cũng cần phải đi từ cái thực. Họ cần phải nghiên cứu, tìm hiểu về các thuật ngữ quân sự, biên chế, cấp bậc trong quân đội…”.

Mặc dù có những hạn chế, trở ngại, nhưng thời gian qua các nhà báo trẻ đã có ít nhiều đóng góp vào dòng báo chí nước nhà về đề tài chiến tranh. Chúng ta cần phải ghi nhận.

NGƯỜI VIẾT TRẺ HÃY SUY NGHĨ VÀ THỬ SỨC VIẾT VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG

Khi những nhà báo “cây đa, cây đề” thời chiến về cõi âm thì rất cần những nhà báo trẻ, người viết trẻ lấp chỗ. Như vậy, người trẻ phải đối diện với hai thách thức, thoát khỏi ám ảnh của những tác phẩm đã đóng đinh vào lịch sử báo chí thời chiến; đồng thời, muốn vậy, họ phải vượt qua chính mình.

Thực tế nhìn nhận, người trẻ hôm nay đang sống đời sống của chính họ, họ cần chứng minh sự hiện hữu của mình. Mà chiến tranh sự thực đã lùi xa, đã trở nên lạ lẫm với những người trẻ tuổi. Mặt khác, bản thân lịch sử khá dày dặn của thể tài báo chí sử thi đã trở thành một giới hạn, một bức tường ngăn cản người viết trẻ đến với đề tài chiến tranh. Tuy vậy, trong thực tế, các bài viết về đề tài chiến tranh cách mạng của các tác giả trẻ gần đây cũng rất nhiều thành công đáng trân trọng.

Cũng viết trong không gian hậu chiến, nhưng các người viết trẻ cần sự nỗ lực mãnh liệt hơn để đứng riêng, kiến tạo chiến tranh trong bài viết của riêng mình. Sáng tạo cần nhất là sự khác biệt mang giá trị. Cái khác có giá trị chính là điều mà thế hệ trẻ, nhà báo trẻ viết về chiến tranh cần nỗ lực tạo dựng.

Thiết nghĩ, người viết trẻ viết về đề tài chiến tranh cách mạng cần một chiến lược lâu dài. Trên một thế nhìn có bình đẳng giữa các thể tài báo chí, chiến tranh cách mạng đương đại phải chấp nhận nguyên lý của thời hậu chiến. Năng lực cạnh tranh, sức lôi cuốn, hấp dẫn của đề tài chiến tranh, trong thực tế chưa được thể hiện mạnh ở thế hệ trẻ ngày nay.

Những bận tâm của giới trẻ dường như không ưu tiên cho chiến tranh. Bởi vậy, không phải dễ khi đặt ra vấn đề tìm giải pháp để người viết trẻ mặn mà với đề tài chiến tranh cách mạng. Điều cần thiết trong bối cảnh này chính là tạo nên hành lang cơ chế có tính rộng mở hơn cho người viết. Nghĩa là, chiến tranh như là một đề tài báo chí, nghệ thuật với một góc nhìn, mọi diễn giải, mọi khách thể của sáng tác và chấp nhận.

Nên nhớ rằng, giáo dục truyền thống cách mạng, lịch sử chiến tranh phải cho thấy tính thực chất, toàn diện, trở thành ý thức thẩm mỹ, tình cảm thẩm mỹ của giới trẻ, biến nhận thức thành hành vi sáng tạo trong viết lách… Nhà báo trẻ, người viết trẻ cần thấy được chiến tranh cách mạng là một di sản lịch sử, chính trị, xã hội, văn hóa và nghệ thuật, để từ đó có thái độ ứng xử phù hợp…

Nhà văn Sương Nguyệt Minh khẳng định: “Chiến tranh vẫn là vùng hiện thực hấp dẫn các cây bút”. Nhà văn - Nhà báo Chu Lai chia sẻ: “Viết về chiến tranh cần sự chiêm nghiệm, độ lắng cần thiết. Đó là lý do hầu hết các cây bút được đánh giá là trẻ đều đã bước qua tuổi 30”. Nhà văn Chu Lai bày tỏ niềm tin: “Độc giả sẽ không bao giờ quay lưng với mảng đề tài này, bởi nó là giọt dung dịch mạnh nhỏ xuống chiến hào. Cái tốt, cái xấu, cái thiện, cái ác, cao thượng - thấp hèn…, tất cả sẽ hiện lên hết màu, hết nét. Vấn đề là anh khai thác nó như thế nào để không sáo mòn, cũ kỹ”.

Thực sự, khi nói về đề tài chiến tranh cách mạng, chúng ta có thể nghiệm ra rằng, viết về đề tài chiến tranh cách mạng, về lực lượng vũ trang không những tôn vinh quá khứ, mà còn để tăng sức đề kháng của con người hôm nay.

                                                                LÊ HỒNG LÂM

 


 

.
.
.