Xúc động "Tình khúc thời Hoa đỏ"
Một tiết mục trong chương trình. |
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Tình khúc thời Hoa đỏ” của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam vừa diễn ra đêm 24-4 đã mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày 30-4 và 1-5. Đây cũng là một trong số ít các chương trình có sự góp mặt của nhiều thế hệ nghệ sĩ ở Nhà hát, tạo nên bầu không khí xúc động về sự tiếp nối truyền thống nghệ thuật.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Tình khúc thời Hoa đỏ” do Giám đốc Nhà hát Nguyễn Hải Linh chỉ đạo nghệ thuật, NSƯT, Phó Giám đốc Nhà hát Hoàng Xuân Bình chỉ đạo thực hiện, phần kịch bản và đạo diễn do NSƯT Anh Tuấn đảm nhiệm.
Chương trình chia làm ba phần: Phần 1 “Những bông hoa lửa” nói về những tình khúc tình yêu trong những năm tháng diễn ra cuộc chiến, gồm các ca khúc “Tình ca”, “Đợi anh về”, “Nhớ”, “Mời anh đến thăm quê tôi”, “Gửi nắng cho em”, “Tình em”… Phần 2 “Nỗi lòng” gồm các ca khúc “Tôi muốn - Yêu người và yêu đời - Thương nhau ngày mưa”, “Cô đơn”, “Thu sầu”, “Tôi đi giữa Hoàng hôn”, “Nỗi lòng người đi”, “ Ở Trọ”. Ở phần này, tinh thần chủ đạo là nhạc sĩ, nghệ sĩ của hai miền. Các nghệ sĩ thông qua âm nhạc để hướng tới cái chung là độc lập tự do cho dân tộc. Phần 3 “Đón bình minh” nói về công cuộc hội nhập và đi lên cùng bạn bè quốc tế và khu vực sau khi đã giành được độc lập tự do, đón ánh bình minh tươi sáng và một tương lai mới tốt đẹp cho dân tộc. Phần 3 gồm các ca khúc “Lá cờ”, “Bước đi không dừng lại”, “Giấc mơ mang tên mình”, “Đón Bình minh” và màn hát múa kết thúc chương trình “Tôi muốn”, “Lá cờ”, “Điệp khúc tình yêu”.
Nghệ sĩ Thái Bảo biểu diễn trong chương trình. |
Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, NSƯT Hoàng Xuân Bình, phụ trách chương trình cho biết: “Các nghệ sĩ rất phấn khởi khi được tham gia một chương trình nghệ thuật đặc biệt như thế này. Năm 2020, do dịch bệnh, Nhà hát đã không thể tổ chức các chương trình biểu diễn như bình thường được. Các nghệ sĩ đã phải tự tập luyện ở nhà trong điều kiện cách ly. Đây là sự kiện mà các nghệ sĩ đều hào hứng tham gia, không chỉ vì là một chương trình nghệ thuật chất lượng cao, nhiều nghệ sĩ tên tuổi, mà còn bởi ý nghĩa đặc biệt của chương trình”.
NSƯT Hoàng Xuân Bình cho biết, cái tên “Thời Hoa đỏ” nói lên những điều tươi đẹp nhất của dân tộc, đất nước trong quá trình lịch sử hào hùng.
“Thời hoa đỏ không chỉ là những tứ thơ, bức tranh, tác phẩm âm nhạc mà chúng ta đã nghe nói đến nhiều, mà chúng tôi muốn dùng cái tên chương trình để nói đến lịch sử hào hùng của đất nước và của các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam đã từng tham gia trực tiếp trong hành trình lịch sử, trong giai đoạn đó. Thứ hai, khi nói về cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, không chỉ có tiếng súng, bom đạn, mà còn có cả cảm xúc, trái tim khát khao độc lập tự do, hòa bình cho dân tộc thông qua âm nhạc, nghệ thuật, đặc biệt qua các ca khúc, điệu múa… Đất nước ta có truyền thống hào hùng về lịch sử và những giá trị văn hóa lớn, vì thế ngoài sức mạnh của dân tộc, chúng ta còn có sức mạnh nữa là văn hóa nghệ thuật, những sáng tác của các chiến sĩ – nghệ sĩ trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu và cầm bút viết về cuộc chiến, với các tác phẩm âm nhạc, văn học nghệ thuật. Đó là tình yêu, không chỉ tình yêu đôi lứa mà còn cả tình yêu đồng chí, đồng đội, tình yêu đất nước, dân tộc…" Phó Giám đốc Hoàng Xuân Bình nói
Các nghệ sĩ trẻ trong chương trình. |
Chương trình có sự tham gia của các thế hệ nghệ sĩ Nhà hát như NSND Thái Bảo, NSƯT Đức Long, NSƯT Ngọc Khang, NSƯT Lương Huy, NSƯT Trường Bắc, các nghệ sĩ Kiều Minh, Bùi Dương Thái Hà, Hoàng Quyên, Hoàng Yến, Phan Tuân, Vân Anh, Minh Đức, các nhóm nhạc Pha Lê, Ánh Dương…
Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, NSƯT Hoàng Xuân Bình cho biết, năm nay, Nhà hát làm chương trình này để tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. “Nhà hát đã thực hiện nhiều chủ đề về 30-4 và 1-5, nhưng với “Tình khúc Thời hoa đỏ”, chúng tôi sử dụng giá trị trữ tình, với các mạch văn học nối tiếp nhau qua ba phần bằng các tiết mục nghệ thuật do nhiều thế hệ nghệ sĩ, từ các NSND, NSƯT và cả các nghệ sĩ trẻ. Các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát đã cùng đồng hành với lịch sử của dân tộc, bên cạnh lịch sử 70 năm truyền thống của Nhà hát. Các nghệ sĩ trẻ ngày hôm nay vẫn luôn tiếp nhận truyền thống và bề dày lịch sử của dân tộc, của Nhà hát. Các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát cùng trải qua các giai đoạn của lịch sử dân tộc, cùng đổ máu với cuộc chiến đấu giành lại độc lập tự do, nhưng tình yêu vẫn luôn đồng hành, luôn chan chứa trong mỗi người, và song hành cùng niềm tin” - NSƯT Hoàng Xuân Bình nói.
Theo nhandan.com.vn