Nét đẹp gia pháp trong văn hóa gia đình Nam bộ xưa
Trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển, cư dân Nam bộ đã tạo nên những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần vô cùng phong phú, độc đáo, trong đó có nét đẹp gia pháp trong văn hóa gia đình.
Đối với người Việt, từ xa xưa, trong mỗi gia đình ông cha ta đặc biệt coi trọng xây dựng một nền nếp gia pháp như con cháu có hiếu với ông bà, cha mẹ; vợ chồng thủy chung, anh em đoàn kết thuận hòa, kính trên nhường dưới... Trong đó, chữ “hiếu” luôn được đề cao trong quan hệ ứng xử giữa con cái với cha mẹ và được thể hiện bằng tục báo hiếu. Mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái và ngược lại được ông cha ta nâng lên thành đạo làm cha mẹ, đạo làm con, góp phần hình thành nên tục thờ cúng ông bà tổ tiên, nuôi dưỡng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”…
Đối với quan hệ vợ chồng, sự hòa thuận và tình nghĩa thủy chung luôn mang ý nghĩa thiêng liêng, sâu nặng đã được đúc kết thành những câu nói: “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”, “Đốn cây ai nỡ dứt chồi/ Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương”, “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”… Qua đó cho thấy, tình yêu vợ chồng là nền tảng gia đình hạnh phúc, dù gian khổ bao nhiêu nhưng vợ chồng luôn chung sức, đồng lòng vượt qua thì tình nghĩa vợ chồng luôn đậm đà, bền chặt.
Gia đình Việt Nam nói chung và gia đình Nam bộ nói riêng luôn coi trọng xây dựng nền nếp gia pháp con cháu có hiếu với ông bà, cha mẹ. Ảnh: QUẾ ANH |
Trong quan hệ ứng xử, người xưa cũng đặc biệt coi trọng tình nghĩa giữa anh chị em trong gia đình: “Anh em như thể tay, chân. Như chim liền cánh, như cây liền cành”, “Em thuận, anh hòa là nhà có phúc”… Mối liên hệ ruột thịt là mối liên hệ thiêng liêng không thể chia cắt được ví như câu nói: “Cắt dây bầu dây bí/ Chẳng ai cắt dây chị dây em”. Vì lẽ đó, ông cha ta cũng lên án nghiêm khắc những ai không giữ được tình cảm anh em.
Kế thừa truyền thống văn hóa gia đình của “quê cha, đất Tổ”, người Việt Nam bộ trong quá trình khai hoang, định cư nơi vùng đất mới đã nghĩ đến việc lập gia phả, gia pháp để giáo dục cháu con, duy trì truyền thống. Gia pháp thường được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, sau này là chữ Quốc ngữ. Nội dung là những điều khuyên răn, những quy định mang tính nội quy, quy ước áp dụng cho các thành viên trong gia đình.
Đơn cử như một số gia pháp của các gia đình tiêu biểu như: Gia đình ông Nguyễn Văn Trí, ở làng Kim Sơn (nay là xã Kim Sơn, hyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), vào năm 1880 khi viết tờ di chúc chia tài sản cho con cháu bằng chữ Hán, ở phần đầu của tờ di chúc là những lời khuyên các con phải giữ tình cốt nhục, phải biết nhẫn nhịn, hòa thuận…
Hay gia pháp họ Ngô, ở thôn Mỹ Đông Trung (nay là xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) viết năm 1929 là những dòng chữ Hán phụ biên trong bản gia pháp. Nội dung có 4 điều khuyên và 4 điều cấm, gồm phải tôn kính tổ tiên, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, hòa thuận với anh em...; các điều đặc biệt nghiêm khắc là cấm cờ bạc, rược chè, chơi bời.
Ngoài ra, còn rất nhiều bản gia pháp của các gia đình có khi là văn bản, là quy ước việc thờ cúng tổ tiên, việc cử tên tổ tiên, việc tảo mộ, việc cúng bái… Bên cạnh đó, cũng có những bản gia pháp chuyển những điều quy định thành những câu thơ, hò vè để dạy vợ, khuyên con…
Việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống gia đình Việt Nam nói chung và gia đình Nam bộ nói riêng kết hợp hài hòa những giá trị văn hóa gia đình thời hiện đại sẽ góp phần tạo nên nền tảng xã hội tốt đẹp, hình thành nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt trong dòng chảy hội nhập.
NGUYỄN MINH PHÚC