Nhà cổ Gò Công: Còn đó chút hồng phai
Nói đến Gò Công (tỉnh Tiền Giang) là nói đến vùng đất địa linh nhân kiệt gắn liền với nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Một trong những dấu tích của Gò Công xưa là những nhà cổ, phố nhà cổ. Theo thời gian, Gò Công đã nhiều thay đổi. Thế nhưng, giữa những nhà phố cao tầng, hiện đại, là những ngôi nhà cổ của người Hoa với tuổi đời từ vài chục đến trăm năm vẫn còn đan xen. Gò Công hiện lên giữa quá khứ và hiện tại, bên nào cũng trĩu nặng tâm tư.
Dinh Tỉnh trưởng Gò Công đang xuống cấp nặng. |
NHỮNG CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ
Lần theo các tài liệu nghiên cứu về vùng đất Gò Công, chúng tôi tìm về địa chỉ những nhà cổ, dãy phố nhà cổ ở Gò Công. Dù diện tích Gò Công khá khiêm tốn, nhưng số nhà cổ tại đây lại chiếm đến 2/3 tổng số 350 ngôi nhà cổ của tỉnh Tiền Giang. Có thể kể đến nhà cổ Huyện Hải (ấp Hòa Thơm, thị trấn Tân Hòa), nhà Hội đồng Hài (ấp 7, xã Tân Phước), cùng huyện Gò Công Đông; nhà ông Lê Văn Nu (ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, TX. Gò Công)…
Đặc biệt, tại TX. Gò Công có các dãy phố cổ gồm: 9 căn nhà trên đường Rạch Gầm, từ số nhà 41 đến 55; các dãy phố trên đường Phan Bội Châu, từ số 1 đến số 7 và từ số 33 trở đi. Hiện nay, ít người biết về gốc tích của các căn nhà cổ, phố nhà cổ, chỉ biết đây là những “chứng nhân” của lịch sử còn lưu giữ tại vùng đất Gò Công.
Trong Đề tài nghiên cứu khoa học “Giải pháp bảo tồn di sản văn hóa vật thể tại Tiền Giang” do Thạc sĩ Lê Ái Siêm (hiện là Chủ tịch Hội khoa học - Lịch sử tỉnh) làm chủ nhiệm, qua khảo sát của đề tài này, các nhà cổ, phố cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, với lối kiến trúc đặc trưng thời nhà Nguyễn hoặc được xen vào các yếu tố của kiến trúc Nam Trung Hoa, hoặc các yếu tố của kiến trúc Pháp. Hầu hết chủ nhân các nhà cổ, phố cổ là những địa chủ, những người giàu có, những người có địa vị trong xã hội thời phong kiến.
Sau khoảng 1 thế kỷ, sự thay đổi về xã hội và thời gian, các chủ nhân đầu tiên không còn. Mặt khác, sự tàn phá của chiến tranh, sự hủy hoại do thời tiết… đã nhanh chóng làm các nhà cổ bị xuống cấp ngày một nghiêm trọng. Trong thành phần vật liệu cấu tạo nên các nhà cổ thì vật liệu gỗ chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 70%), mặc dù là loại gỗ tốt, nhưng các hiện tượng mối, mọt làm mục chân, rỗng ruột… diễn ra ngày một nhiều, làm tăng nhanh sự xuống cấp của các nhà cổ, phố nhà cổ. Nhìn chung, nhà cổ ở Tiền Giang nói chung và TX. Gò Công nói riêng đã bị xuống cấp trên 50%, các phố cổ bị xuống cấp trên 60%.
Theo Thạc sĩ Lê Ái Siêm, nhà cổ, phố cổ là nguồn sử liệu quý giá cho những người đương đại nhận thức về xã hội và văn hóa thời phong kiến ở Tiền Giang. Nhà cổ, phố cổ là đối tượng nghiên cứu liên ngành của nhiều bộ môn khoa học: Khảo cổ học, lịch sử, dân tộc học, kiến trúc, mỹ thuật…; vì vậy cần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của nó, để thế hệ hôm nay và mai sau hiểu đúng, hiểu đủ về nguồn tài nguyên này.
GÌN GIỮ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh quan tâm bảo tồn, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh, trong đó có những nhà cổ với kiến trúc độc đáo. Nhà cổ Đốc phủ Hải (tọa lạc tại số 49, đường Hai Bà Trưng, TX. Gò Công) là một điển hình. Trước năm 1999, nhà cổ Đốc phủ Hải được trưng dụng làm Nhà truyền thống TX. Gò Công. Từ năm 2000 đến nay, ngôi nhà được trả lại tên cũ, do Trung tâm Văn hóa - Thể thao TX. Gò Công (nay là Trung tâm Văn hóa - Thể thao Truyền thanh TX. Gò Công) quản lý. Công trình kiến trúc này đã 3 lần đuợc tu sửa, nâng cấp.
Một nhà cổ được gìn giữ, hiện là nơi làm việc của Ban Chỉ huy Quân sự phường 1, TX. Gò Công. |
Cán bộ quản lý di tích của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TX. Gò Công Đặng Văn Thương cho biết: Sự pha trộn Đông - Tây trong lối kiến trúc độc đáo và sự giao thoa văn hóa Pháp - Việt trong nội thất nên nhà cổ Đốc phủ Hải không những nổi tiếng ở Gò Công, mà còn được nhiều nơi biết đến, thậm chí nhiều người nước ngoài đến tham quan và bày tỏ sự ngưỡng mộ vẻ đẹp của ngôi nhà.
Nhiều nhà sản xuất phim và các đài truyền hình trong nước cũng quan tâm đến nhà cổ Đốc phủ Hải, chọn bối cảnh ở đây để quay phim, mô tả cuộc sống của người dân Nam bộ ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nơi đây cũng trở thành điểm tham quan thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Ngoài nhà cổ Đốc phủ Hải, một số căn nhà cổ khác ở Gò Công như nhà cổ của bà Lâm Tố Liên (còn gọi là bà Tư Nói, một trong những đại tư sản của Gò Công cuối thế kỷ XIX), tọa lạc đường Nguyễn Huệ, nay được sử dụng làm Nhà truyền thống Gò Công và một số căn nhà cổ được thế hệ con cháu của gia chủ tận dụng khai thác làm quán cà phê hay một số nhà cổ do Nhà nước quản lý, trưng dụng làm nơi làm việc của một số ngành, đoàn thể…
Với các dãy nhà cổ tại TX. Gò Công, theo quan sát của chúng tôi, đã có nhiều biến đổi, tuy nhiên vẫn không khó để nhận ra nét trầm mặc hoài cổ của nó. Theo những người sống ở dãy nhà cổ, một số căn nhà do đã cũ, xuống cấp nặng, nên thế hệ con cháu tiếp quản xây lại theo kiểu hiện đại; một số căn được nhà sửa chữa, nhưng vẫn còn giữ những nét kiến trúc xưa. …
Bên cạnh những di tích nhà cổ được bảo tồn, khai thác hiệu quả, đã có không ít nhà cổ bị bỏ quên, như Dinh Tỉnh trưởng Gò Công (tọa lạc đường Nguyễn Văn Công, TX. Gò Công) là một điển hình. Dinh tỉnh trưởng này được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, xây dựng vào năm 1885, trước là dinh Tham biện, sau là Dinh Tỉnh trưởng Gò Công, là một trong những công trình kiến trúc đầu tiên tại Nam kỳ lục tỉnh khi thực dân Pháp đặt nền móng đô hộ.
Công trình đồ sộ này có quy mô một trệt, một lầu, diện tích sử dụng 1.400 m2, nằm trong khuôn viên rất rộng, cảnh quan nên thơ. Tuy nhiên, hiện nay, toàn bộ ngôi nhà đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Theo anh Đặng Văn Thương, di tích này nhiều năm qua cho đến nay vẫn đang chờ nguồn kinh phí để trùng tu, bảo tồn.
Trên thực tế, không phải ngôi nhà cổ nào cũng được bảo vệ, gìn giữ. Theo phân tích của cán bộ quản lý di tích, đa phần các nhà cổ thuộc quyền sở hữu và sử dụng của các hộ gia đình. Mặt khác, vẫn còn không ít người chưa nắm các quy định về việc bảo tồn di sản để thực hiện cho đúng và không phải ai cũng có mong muốn thực hiện việc bảo tồn. Từ đó dẫn đến thực trạng không ít nhà cổ bị xâm hại, xuống cấp.
Thiết nghĩ, các ngành chức năng và các địa phương cần chủ động trong việc kiểm kê, đánh giá, phân loại và có phương án, đề xuất việc bảo tồn, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa quê hương.
GIA TUỆ