Chủ Nhật, 25/07/2021, 21:14 (GMT+7)
.

Phim chiếu rạp Việt qua nửa năm: Bức tranh phong phú

Phim Việt ra rạp chỉ hơn 2 tháng sau Tết, và sau đó là nhiều tháng đóng cửa vì  dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ít ỏi “sáng đèn”, phim Việt cũng đã khuấy động thị trường bằng những màu sắc riêng của mình.

Khoảng thời gian đầu năm khi các rạp chiếu vẫn còn hoạt động, một may mắn của phim Việt là gần như không có phim bom tấn nào ra rạp, chỉ trừ Godzilla vs Kong khởi chiếu tại các rạp Việt Nam vào cuối tháng 3. Chính vì thế, “đất diễn” của phim Việt ngoài rạp khá rộng.

a
"Bố Già" - điểm sáng của điện ảnh Việt về doanh thu đầu năm 2021.

Nếu như mọi năm, hầu hết phim chiếu rạp đều là phim hài, theo thị hiếu của số đông khán giả, thì năm nay, phim rạp đã phong phú hơn. Có đủ từ phim thiếu nhi, phim tâm lý, phim kinh dị, hồi hộp, phim gia đình và phim tình cảm, hài… “Trạng Tí”, “Gái già lắm chiêu V – Những cuộc đời vương giả”, “Song song”, “Kiều”, “Cậu Vàng”, “Lật mặt V – 48h”, “Thiên thần hộ mệnh”, “Bố Già”… đều là những cái tên thu hút sự chú ý của cả người xem và báo giới.

Mùa phim đầu năm 2021 cũng là mùa phim ghi dấu ấn sự hiện diện đông đảo của phim Việt, khi số lượng phim nhập khẩu không nhiều. Điều này ngược lại hoàn toàn với nhiều năm trước đây, khi phim bom tấn Hollywood, phim Hàn Quốc… chiếm ưu thế tại các hệ thống rạp chiếu trong cả nước, và phim Việt gần như chỉ chiếu xen kẽ.

Nhưng mùa phim này cũng ghi dấu những “sóng gió” mà rất nhiều phim Việt phải trải qua khi ra rạp. “Cậu Vàng” gần như là bộ phim mở đầu những sóng gió này. Từ trước khi ra rạp, “Cậu Vàng” đã gây sóng gió khi lựa chọn một chú chó giống Shiba đóng vai “cậu Vàng” trong khi cả nguyên tác và kịch bản đều nói về một chú chó giống thuần Việt. Làn sóng phản đối này kéo dài từ khi phim bấm máy cho đến khi phim rạp, và kéo theo việc nhiều khán giả trẻ tẩy chay bộ phim.

“Cậu Vàng” không trụ lại được lâu sau khi ra rạp. Tuy nhiên, nguyên nhân chính không chỉ ở việc tẩy chay, mà là do bộ phim quá dở. Câu chuyện lỏng lẻo, rời rạc, thiếu kết nối, mượn nhân vật từ nguyên tác của Nam Cao nhưng lại lọt thỏm, chới với trong một chiếc áo quá rộng. Nhiều nhà phê bình đã nhận xét, cái giả ngập tràn bộ phim, từ cảnh vật, văn hóa, con người cho đến câu chuyện…

Từ cảnh làng quê Bắc Bộ với những cánh đồng phì nhiêu, triền sông cỏ xanh mướt mát, trai gái giao duyên thanh bình… trái ngược hẳn với bối cảnh lầm than, nghèo khổ, cùng cực của những số phận trong tác phẩm văn học của Nam Cao. Các nhân vật trong phim có vai trò mờ nhạt và lép vế so với vai trò của Cậu Vàng.

Nhiều khán giả đã cho rằng phim chỉ mượn cái bình phong là tác phẩm văn học của Nam Cao. Tất cả những lý do đó đã khiến “Cậu Vàng” phải rời rạp chiếu rất sớm, chỉ trong vòng nửa tháng sau khi ra rạp, với doanh thu vỏn vẹn 3,5 tỷ đồng, trong khi chi phí đầu tư được đạo diễn Trần Vũ Thủy lên tới 23 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2021 cũng ghi nhận những sáng tạo trong việc khai thác kho tàng văn chương Việt, nhưng đáng tiếc, cùng với “Cậu Vàng”, hai bộ phim khác có chung đề tài “Kiều” đều thất bại thảm hại. Thậm chí “Kiều @” còn bị số đông khán giả cho là mượn danh tác phẩm văn chương đình đám này nhưng vẫn chỉ ở tầm thảm họa.

Còn “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền, ban đầu thu hút sự chú ý của công chúng bởi dàn diễn viên trẻ, đẹp, đầu tư phục trang công phu, bắt mắt, lựa chọn cảnh quay cầu kỳ…, nhưng khi ra rạp đã nhận được sự thất vọng của khán giả. Lựa chọn một lát cắt trong cuộc đời Thúy Kiều, là giai đoạn Kiều được Thúc Sinh cứu khỏi lầu xanh và đối mặt với cơn ghen từ Hoạn Thư để đưa lên màn ảnh, nhưng bộ phim hoàn toàn làm mờ nhạt vai trò của cả ba nhân vật chính này. Phim được đánh giá là không thể hiện được tiêu chí nào của một tác phẩm điện ảnh, thậm chí khi ra rạp, điều được khán giả đánh giá cao nhất chính là ca khúc của phim. Tính đến cuối tháng 4, “Kiều” chỉ đạt khoàng 3 tỷ đồng doanh thu, trong khi vốn đầu tư lên đến 30 tỷ đồng.

a
Phim "Song song".

“Song song” là một phim khác thu hút sự chú ý của khán giả khi quảng bá nhưng lại gây thất vọng khi ra rạp. Dựa trên bản phim gốc “Mirage” của điện ảnh Tây Ban Nha, nhưng “Song song” lại thể hiện khá rối rắm, cộng với phần diễn xuất một màucủa Nhã Phương, khiến cho bộ phim nhanh chóng thất bại tại rạp chiếu.

“Gái già lắm chiêu V –Những cuộc đời vương giả” ra rạp hồi đầu năm được xem là một phim chất lượng, với dàn diễn viên tốt, đầu tư bối cảnh đẹp, kịch bản có thắt mở khá hấp dẫn, kể một câu chuyện khá khác lạ. Phim có sự góp mặt của các diễn viên thuộc thế hệ tiền bối như NSND Hoàng Dũng, NSND Lê Khanh, NSND Hồng Vân, cùng các gương mặt quen thuộc Lê Khánh, Anh Dũng, Kaity Nguyễn, Khương Lê…

Tuy nhiên, vì thời điểm ra rạp trùng với “bom tấn” “Bố Già” cho nên đáng tiếc là phim không thu hút được đông khán giả. Đây cũng là bộ phim cuối cùng NSND Hoàng Dũng góp mặt trước khi ông qua đời vì trọng bệnh.

“Bố Già”, chính vì thế, là tâm điểm sáng giá trong cuộc đua của điện ảnh trong nước giai đoạn đầu năm 2021. Điểm cộng lớn nhất của phim là kể một câu chuyện chân thật, gần gũi với đời sống đại chúng, lại sử dụng ngôn ngữ khá đời thường. Phim mượn câu chuyện tình cảm cha con, anh em… trong gia đình – những câu chuyện khá phổ biến trong cuộc sống, lại thêm những phần thắt mở hợp lý, cùng với diễn xuất tốt của hàng loạt diễn viên, từ quen mặt như NSND Ngọc Giàu, NSND Việt Anh, Lê Giang, Trấn Thành, Lan Phương…, cho đến những gương mặt còn khá lạ lẫm với màn ảnh rộng như Tuấn Trần, bé Ngân Chi…

Ngoài ra, phim còn được đầu tư vô cùng công phu về bối cảnh (thuê nguyên một con ngõ đổ ngập nước để quay những cảnh đặc trưng của TP Hồ Chí Minh mùa nước lên), âm nhạc (các ca khúc “Cha già rồi đúng không” và “Sao cha không”… được đặt vào đúng những phân đoạn phù hợp trong phim đã lấy được cảm xúc của người xem).

Chính vì thế, “Bố Già” cán mốc doanh thu ngoạn mục với hơn 400 tỷ đồng tính đến tháng 4, và còn được chiếu rộng rãi ở các hệ thống rạp tại Mỹ.

Cùng với “Bố Già”, một điểm sáng khác là “Lật mặt: 48h” của Lý Hải cũng vượt qua mốc hơn 150 tỷ đồng vào đầu tháng 5, trước khi hệ thống rạp chiếu phải đóng cửa vì những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Phim Việt với những màu sắc phong phú đã tạo nên bức tranh sắc màu cho phòng chiếu trong nước nửa đầu năm nay. Cuộc đua phòng vé đáng ra vẫn còn hấp dẫn và nhiều bất ngờ bởi có một số phim đã dự định công chiếu nhưng phải hoãn lại vì dịch bệnh. “Cuộc đua” năm nay có thể có sự cách biệt, nhưng một điều dễ thấy và vốn là công thức muôn đời cho những phim thắng lớn, đó là một kịch bản tốt, cùng với đầu tư và diễn xuất tốt thì thành công trên nhiều phương diện. Khán giả Việt hiện nay cũng đã khắt khe hơn trong lựa chọn phim, không còn thời dễ dãi dành cho phim hài, phim nhảm nữa.

(Theo nhandan.vn)
 
 

.
.
.