.

Đoàn Giỏi - Nhà văn lớn của vùng đất phương Nam

Cập nhật: 11:41, 25/08/2021 (GMT+7)

Nhà văn Đoàn Giỏi được biết đến là một trong những nhà văn (NV) với nhiều tác phẩm nổi tiếng của Nam bộ. Có tình yêu sâu đậm với vùng đất phương Nam và tài quan sát tỉ mỉ tinh tế, NV Đoàn Giỏi đã đưa độc giả ở mọi lứa tuổi cảm nhận được hương vị của quê hương qua thơ, ký, truyện ngắn và truyện dài cùng nhiều thể loại khác. Ông là người đã biến vùng đất phương Nam trở thành nơi thân thuộc và đã đi vào trong lòng của không biết bao nhiêu thế hệ độc giả.

NV Đoàn Giỏi sinh năm 1925 tại Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và là Ủy viên Ban Chấp hành các khóa I, II, III. Ông mất năm 1989 tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

MỘT LÒNG THEO KHÁNG CHIẾN

Sinh thời, NV Đoàn Giỏi lớn lên trong gia đình đại điền chủ ở Tiền Giang. Sau khi có bằng Thành chung của Trường Collège de Mytho, ông lên Sài Gòn học hội họa tại Trường Mỹ thuật Gia Định.

Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tạm gác lại công việc sáng tác văn để trở về quê hương tham gia cách mạng với vị trí là cán bộ thông tin của xã Tân Hiệp. Sau Cách mạng Tháng Tám, gia đình ông tự nguyện hiến hầu hết nhà và đất cho chính quyền. Năm 1947, ông được đảm nhận làm Trưởng Công an xã, phụ trách 10 xã của huyện Châu Thành. Năm 1948, ông đảm nhiệm vị trí mới là Trưởng Ban Trinh sát
Công an huyện.

Năm 1949, NV Đoàn Giỏi được tỉnh điều động sang làm Phó Trưởng ty Tuyên truyền tỉnh Mỹ Tho, phụ trách Phòng Văn nghệ, kiêm chủ bút cho Báo Tiền Phong, cơ quan Mặt trận Việt Minh tỉnh Mỹ Tho. Năm 1950, ông được giữ chức vụ Phó trưởng thông tin Rạch Giá. Đến năm 1951, ông trở thành Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Nam bộ, Phó phòng Văn nghệ thuộc Sở Thông tin Nam bộ.

Năm 1954, NV Đoàn Giỏi được tập kết ra miền Bắc và công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó, ông chuyển sang làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam. Trong những năm tháng sống và làm việc ở miền Bắc, ông có điều kiện để chuyên tâm sự nghiệp viết văn của mình. Hầu hết tác phẩm của ông viết về con người và mảnh đất Nam bộ.

Thời kỳ này, ông có những tác phẩm nổi tiếng, phản ánh cuộc chiến đấu chống Mỹ hào hùng của nhân dân Nam bộ như: Giòng máu Việt Nam phải lưu thông, Cây đước Cà Mau, Ngọn Tầm vông, Cá bống mú, Hoa hướng dương, Trần Văn Ơn, Rừng đêm xào xạc, Cuộc truy tìm kho vũ khí. Đặc biệt, tác phẩm Đất rừng phương Nam được bạn đọc trong và ngoài nước đón nhận nồng nhiệt.

Năm 1975, thời điểm đất nước hoàn toàn giải phóng, NV Đoàn Giỏi trở về miền Nam và sống ở Sài Gòn và tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Vẫn chủ đề về Nam bộ, ông sáng tác quyển Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày viết về Bác Tôn Đức Thắng, Từ đất Tiền Giang viết về cán bộ cách mạng lão thành Nguyễn Thị Thập, Tiếng gọi ngàn và Các con vật trên rừng dưới biển…

Bên cạnh đó, ông hoàn thành việc sưu tập một khối lượng lớn tư liệu để chuẩn bị viết quyển Núi cả cây ngàn, nói về thuở hồng hoang và những trang sử thi của vùng đất mới phương Nam. Thế nhưng một cơn bạo bệnh đã bất ngờ ập đến, ông đã ra đi vào đầu tháng 4-1989 tại TP. Hồ Chí Minh,
thọ 64 tuổi.

MỘT TÌNH YÊU LỚN VỚI VÙNG ĐẤT PHƯƠNG NAM

Tác phẩm đầu tay Nhớ cố hương năm 1943 đã bắt đầu cho sự nghiệp sáng tác văn chương của ông. Đây là một trong những thành công của NV Đoàn Giỏi. Tác phẩm được đăng trên số xuân của tờ Nam Kỳ Tuần Báo qua sự xét duyệt và chọn lọc của nhà văn Hồ Biểu Chánh, là một trong những đàn anh của làng văn chương thời bấy giờ.

Khác hẳn với hình dung của nhiều người, Đất rừng phương Nam hoàn toàn là một tác phẩm được viết theo đơn đặt hàng. Năm 1957, sau khi tập kết ra Bắc và làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, NV Đoàn Giỏi nhận được đơn đặt hàng từ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, lúc đó là Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, đề nghị viết một cuốn sách cho thiếu nhi giới thiệu quang cảnh, thiên nhiên và con người Nam bộ. Loay hoay 3 tháng mãi không xong, nhưng có lẽ khi cảm xúc ùa về cùng với nỗi nhớ quê hương, ông đã bắt đầu phóng bút và hoàn thành tác phẩm trong 1 tháng.

Đoàn Giỏi đã có quãng thời gian dài từ lúc nhỏ cho đến tuổi thanh niên gắn bó với vùng đất Tiền Giang, nơi đã gắn bó máu thịt và trở thành nguồn cảm hứng sáng tác đặc biệt đối với ông. Từ những nỗi nhớ quê hương da diết của người con xa quê, Đoàn Giỏi gửi tâm trạng mình vào văn chương, biến những cái hay, cái đẹp của vùng đất và người Tiền Giang thành nhiều tác phẩm độc đáo và ấn tượng.

Trong bài ký Nhớ Tiền Giang, ông viết: “… Những năm xa nhà, nhớ quê hương, tôi giở sách xem ngày xưa các cụ đánh giá thế nào về những con người trên vùng đất mình sinh trưởng? Nói chung, dân Nam bộ, dân Đồng bằng sông Cửu Long vốn phóng khoáng, hào hiệp, trọng nghĩa, khinh tài… Tất cả những đức tính ấy đều do thiên nhiên vô cùng phong phú hun đúc nên.

Tuy nhiên, dân Định Tường còn có những đặc điểm khác những nơi khác: Đàn ông sính văn thơ. Đàn bà, con gái chăm chỉ, khéo léo mà thích chưng diện, thích đi coi hát. Thanh niên thì ưa đàn ca, thích luận đàm nơi quán tiệm. Lắm lúc tôi nghĩ lớp trẻ bây giờ mà thích thú, bật cười một mình. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh! Là nói cho vui vậy, chứ không vậy, không có cái tính nghệ sĩ gốc của ông bà đó, không phải là đất phát tích của cải lương thì làm gì bật lên ở Nam kỳ và cả nước các dĩa hát với các giọng ca Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Du, Tư Xe, Bảy Nam…”.

Tiểu thuyết Đất rừng phương Nam chính là tác phẩm nổi bật nhất trong quá trình sáng tác của NV Đoàn Giỏi. Bởi, bối cảnh câu chuyện rất đặc trưng của vùng đất Tây Nam bộ.

Với rừng tràm bạt ngàn, dòng sông mênh mông, con đò bập bềnh, tôm cá đầy đàn, NV Đoàn Giỏi như gửi trọn nổi nhớ quê hương vào tác phẩm của mình. Đất rừng phương Nam đã mang đến cho người đọc nhiều thú vị về bối cảnh, con người, tập tục văn hóa của vùng nông thôn Nam bộ.

Nội dung câu chuyện cũng vậy, NV Đoàn Giỏi chỉ xoay quanh ở vùng đất Nam bộ. Ông mượn hình ảnh một cậu bé bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ để giới thiệu đất rừng phương Nam. Nơi đó, một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến.

Từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam, hãng phim truyền hình TP. Hồ Chí Minh (TFS) đã sản xuất thành bộ phim Đất phương Nam dài 11 tập. Nguyễn Vinh Sơn viết kịch bản và đạo diễn. Hội Điện ảnh Việt Nam đã trao giải A cho đạo diễn vào năm 1997. Không dừng lại ở sự đón nhận của khán giả Việt Nam, bộ phim Đất phương Nam đã xuất khẩu sang Mỹ và được đông đảo khán giả Mỹ đón nhận.

Nhớ về người bạn, người đồng chí của mình, nhà thơ Hữu Thỉnh đã kể: Bước ra từ một gia đình giàu có nhưng khi dấn thân vào con đường cách mạng, Đoàn Giỏi bỏ lại sau lưng quyền thừa kế một gia sản lớn và trở thành một người không có nhà cửa. Với ông, cống hiến lớn nhất là tác phẩm dành cho bạn đọc.

HÀ ANH (tổng hợp)

.
.
.