Thứ Hai, 16/08/2021, 10:21 (GMT+7)
.
TRUYỆN NGẮN

Khi làng quê giãn cách

Bà Tư gom mớ lá dừa mới chuốt xong, dọng dọng xuống đất cho ngay ngắn rồi chất vào đống ngoe đã chuốt, lấy dây chuối cột ngoay lại. Mối hẹn cả tháng nay mà chưa lên lấy được. Bà mở bó lá mới tiếp tục chuốt. Tiếng dao khô khốc, sắc lẻm cứa vào lá dừa, đều đều vang lên trong không gian yên tĩnh của trưa hè.

Gần hai tháng rồi chỗ bà nhận gia công rèm cửa ngưng lại vì hàng tồn nhiều chưa xuất khẩu được, bà Tư mất nghề xỏ hột. Bà cũng không hái rau vườn đem ra ngồi mé hông chợ xã bán như mọi khi, vì “ai ở nhà nấy” do dịch Covid.

Mỏi tay, bà ngưng chuốt, ngó mông lung ra đám lá lao xao nhảy nhót cùng ánh nắng ngoài vườn. Mọi năm, giờ này tụi nhỏ chí chóe ngoài đó. Giờ mận, ổi, xoài đã chín mà hơn hai tháng nay tụi nhỏ không về được. Hai đứa cháu ngoại con chị Hai chắc nay lớn bộn. Con nít như trái bầu trái bí, quay qua quay lại là thấy tụi nó lớn ra, cao nghệu. Thương nhất mỗi lần chúng về là sà vào lòng “Ngoại! Ngoại!” để giành nhau… măng vú.

Chị Hai có gia đình riêng, ít nhiều gì bà Tư cũng đỡ lo. Chứ con Út gần 30 rồi, mỗi lần nhắc chuyện chồng con là nó cứ cười hề hề, rồi đánh trống lảng. Bữa nghe trên TP. Hồ Chí Minh dịch bệnh hoành hành quá, nhiều công ty cho nghỉ, bà nóng ruột cầm “cục gạch” chạy qua nhà bà Tám nhờ con Lượm bấm số gọi, kêu Út về nhà đi, má con rau cháo có nhau. Vậy mà nó không chịu, vì thấy bà con trong xóm trọ khổ quá, để Út với mấy chị em đi nấu cơm phát từ thiện, hết dịch sẽ về.

Tánh của bà giờ con Út hưởng hết, tình cảm giấu vào trong, cứ thích là làm chứ không nói gì nhiều. Bữa nghe dưới quê chuẩn bị giãn cách, nó gọi về, kêu: “Sắp có người giao đồ tới nhà, má ra lấy, đừng gửi tiền gì hết nhe, Út trả hết rồi!”. Đâu hai ba bữa sau bà vừa đẩy xe đạp tính ra chợ mua thêm mấy ký gạo thì hàng giao tới, nguyên một thùng, nào dầu ăn, mì gói, mắm muối, khô cá, lạp xưởng… Nó còn lo xa hơn mình - bà nghĩ.

Giờ vườn nhà trái cây lủng lẳng, rau củ xanh tươi mà mấy nhà xe tạm ngưng chạy, không biết làm sao gửi lên cho tụi nó ăn cho đỡ thèm, đỡ nhớ. Bà Tư thở dài, gom mớ lá dẹp qua một bên. Vừa quét mớ bụi tấp vào gốc cây bà vừa nghĩ: Bệnh gì kỳ lạ, hơn 60 năm cuộc đời bà mới thấy. Tưởng như có một con quái vật tàng hình nào đó vừa càn quét qua đây để lại sự hoang mang, lo lắng, trống trải.

Bà nhớ con cháu, nhớ những buổi sớm gà gáy bà quảy gánh rau rộn ràng ra chợ, nhớ đám cúng miễu mỗi năm một lần thường có kêu hát bội nhưng năm nay dời lại, nhớ cả tiếng đám thanh niên tụ tập mướn dàn loa kẹo kéo về hát xập xình…

Mấy bữa trước tiệm bà Năm xóm trên vừa bị giăng dây, giờ cả xóm bị phong tỏa, mấy chú dân phòng bận đồ bảo hộ xịt thuốc khắp nơi. Nghe nói có người bị nhiễm ghé mua đồ, bà Năm đi cách ly tập trung, còn mấy đứa nhỏ với ông Năm thì tự cách ly tại nhà, buồn hiu hắt.

Một bữa ông Ba thợ hồ được nghỉ ở nhà đã kéo đám thợ túm tụm nhậu nhẹt, hát hò bị xã xuống lập biên bản, cả xóm yên ắng lạ lùng. Ai ở nhà nấy, làm bà nhớ lại hồi xưa chưa có mấy cái loa kẹo kéo hát hò ầm ĩ, điện đóm cũng chưa về, không khí làng quê cũng yên ả thế này. Giờ thì yên tĩnh mà rầu thúi ruột. Năm ngoái nghe dịch bệnh trên truyền hình, bụng cũng rầu rầu, nghĩ chắc nó ở đâu đó xa xôi. Ngờ đâu giờ nó sát vách nhà mình.

- Bà Tư ơi! Tư ơi!…

Tiếng ai đó kêu với vào làm bà Tư giật mình. Bà vội “Ơi!” rồi với tay lấy cái khẩu trang treo trên vách đeo vào, chân nhanh bước ra cổng rào.

- Gì đó Tám?

Bà Tám đứng cách của cổng nhà bà Tư mấy mét, kín mít khẩu trang với cái tấm kính chống giọt bắn trên mặt, tay chỉ vô cái bịch máng tòn teng trên hàng rào.

- Bữa nay đám giỗ ông nội tụi nhỏ, tui cúng mâm cơm. Có cà ri với bún xào đó. Bà đem vô ăn đi!

- Sao không kêu tui qua phụ?

- Thôi, làm đơn giản hà. Giờ nhà ai nấy chơi đi bà ơi! Chừng nào hết dịch tui  làm mâm cơm cúng ông bà, rủ bà với mấy bà xóm trên, xóm dưới qua chơi. Thôi tui còn xách đồ cho mấy nhà nữa, bà đem vô ăn đi cho nóng!

- Ờ, cảm ơn Tám nhe!

Bà Tư cười vui vẻ với bà bạn thân. Bà Tám nhà khá giả, tốt bụng. Năm nào đám giỗ nhà bà cũng linh đình. Trước ngày cúng, đàn bà con gái trong xóm qua phụ mần gà vịt xào nấu rôm rả. Năm nay do dịch, bà Tám lụi hụi làm một mình, rồi xách đi cho vòng vòng như vầy đây. “Tội nghiệp!” - bà Tư chép miệng rồi đem bịch đồ ăn ra sau bếp, lấy lồng bàn đậy lại.

Chiều tối, bà Tư tắm rửa sạch sẽ rồi thắp nhang trong nhà, ngoài sân, van vái gia đình bình an, dịch bệnh mau hết... Con bé Lượm cháu bà Tám mang khẩu trang chạy qua, nói chị Hai với chị Út gọi về. Bà Tư chưng hửng:

- Ủa sao nó không gọi vô điện thoại của Tư vậy con?

- Tại Tư xài “cục gạch”, không có hình.

Con Lượm mở điện thoại của nó lên, bên trong cái màn hình bự hơn bàn tay là cả nhà chị Hai với hai đứa nhóc đang ngồi xúm xít, khoe mới được cứu trợ nguyên mớ rau, củ, quả. Con Út cũng có trong màn hình, nó vừa về tới nhà, chưa kịp tắm rửa, nhễ nhại mồ hôi. Nó hớn hở kể hôm nay đi phụ người ta nấu cơm từ thiện, xong được tặng nguyên túi đồ ăn đem về.

- Trên này không sao, ngoại đừng lo nha ngoại, ít bữa hết dịch tụi con về!

Đám nhỏ ríu rít trong màn hình điện thoại. Tự nhiên mắt bà Tư cay xè. Hồi trước chị em nó một hai kêu mua cho bà cái điện thoại thông minh để gọi về có hình mà bà đâu có chịu, sợ tụi nhỏ tốn tiền. Giờ mới thấy hay thiệt. Ít bữa nữa bà gom tiền chuốt ngoe dừa với xâu màn cửa mua một cái để gọi con cháu, thấy mặt cho đỡ nhớ.

Sáng, bà Tư ra vườn cho bầy gà ăn, lượm được mấy cái trứng. Mấy liếp rau muống, rau lang xanh ngắt. Mướp, bầu cũng lủng lẳng trái trên giàn. Một ý nghĩ chợt nảy ra trong đầu bà Tư: “Mình cắt rau với mấy trái mướp, trái bầu, gom thêm mớ trứng này đi cho mấy nhà đang bị cách ly ở xóm trên”. Mấy đứa nhỏ nhà mình ở thành phố có người lo rồi. Vừa nghĩ, bà quơ vội cái nón với cái khẩu trang hăm hở chạy sang cổng nhà bà Tám.

- Tám ơi! Rau ngoài vườn còn nhiều hôn? Chiều nay mình cắt chia cho bà con xóm trên đi Tám!

NHÃ THY

.
.
Liên kết hữu ích
.