Thứ Sáu, 10/09/2021, 18:01 (GMT+7)
.

100 năm Ngày sinh Lưu Hữu Phước, một nhạc sĩ cách mạng tài năng

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (bên trái) cùng nhà văn Nguyễn Văn Bổng và Lý Văn Sâm trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (bên trái) cùng nhà văn Nguyễn Văn Bổng và Lý Văn Sâm trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sinh ngày 12/9/1921 ở xã Trường Thanh, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, nay thuộc tỉnh Hậu Giang. Không chỉ là một nhạc sĩ tài năng với sự nghiệp sáng tác đồ sộ trong nền âm nhạc nước nhà, ông còn là một nhà hoạt động cách mạng nhiệt huyết, hết mình phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Từ khi là học sinh trung học, Lưu Hữu Phước đã bộc lộ rõ năng khiếu âm nhạc. Năm 1940, ra Hà Nội học Đại học Y khoa, ông đã sáng tác bài nhạc “Bạch Đằng Giang” và “Người xưa đâu tá” thể hiện rõ tấm lòng yêu nước, rất hấp dẫn người nghe. Tiếp theo, ông viết bài “Tiếng gọi thanh niên” gây xôn xao dư luận, trở thành bài hát chính thức của sinh viên Hà Nội thời đó. Ông còn viết bài ca “Thiếu nữ Việt Nam” và “Việt nữ gọi đàn” dành cho chị em. Sục sôi tinh thần cách mạng, chống thực dân, đế quốc xâm lược, ông viết bài “Xếp bút nghiên” và hành khúc “Nam tiến”. Rời trường đại học, ông trở về Nam Bộ, sáng tác bài “Hận sông Gianh”.

Đầu xuân 1945, khi các hoạt động cách mạng, giành độc lập ở thành phố còn trong vòng bí mật, ông viết nhạc cho bài ca “Hội nghị Diên Hồng” để diễn ở Hà Nội. Đồng thời ở Sài Gòn, học sinh, sinh viên cũng hát vang bài ca “Lên đàng” của ông, góp phần tích cực vận động thanh niên và nhân dân tham gia Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
 
Cách mạng thành công, giành chính quyền về tay nhân dân ở Sài Gòn vào ngày 25/8/1945 thì chưa đầy một tháng sau, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Sài Gòn và đánh rộng ra vùng chung quanh. Cuộc kháng chiến ở Nam Bộ bùng nổ. Tháng 12/1945, Ủy ban kháng chiến miền Nam thành lập, cử Lưu Hữu Phước làm Tổng Thư ký Ủy ban và giao cho ông phụ trách việc dời trụ sở Ủy ban ra miền trung. 

Hàng loạt công việc nặng nề, gian nan và nguy hiểm đặt lên vai ông. Ông đã không từ chối, mà còn hăng hái hoàn thành xuất sắc. Riêng việc lo cho 32 người từ già đến trẻ ra đi và chuyên chở mấy tấn vàng, bạc của Quỹ kháng chiến Nam Bộ đem ra vùng tự do Nam Trung Bộ đã rất gian nan. Trong 32 người mà ông đưa đi có một số chiến sĩ cách mạng từ Côn Đảo trở về. 

Đoàn thuyền ra đi từ Rạch Giá, xuyên qua rừng U Minh, đến Cà Mau ở cực nam Tổ quốc. Rồi từ Cà Mau đi qua phía Vịnh Thái Lan, vòng qua mũi Cà Mau ra Biển Đông và ngược lên phía bắc, men theo vùng đất mà nhiều thành phố, thị xã ven biển như Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang... đã bị địch chiếm đóng. Thuyền nhỏ, sóng gió dập dồn, mới ra tới biển lớn, gió làm hỏng buồm, gãy lái, phải quay trở lại Cà Mau sửa chữa, rồi tiếp tục ra đi. 

Sau nhiều ngày đêm, đến vùng biển Bình Thuận, thuyền không thể vào bờ,  Lưu Hữu Phước cùng hai người bạn xung phong bơi ngược nước hơn 300 m để vào bờ, rồi băng qua các động cát và rừng, suối nhiều km nữa để bắt liên lạc với chính quyền cách mạng đúng vào đêm Giao thừa cuối năm Ất Dậu. Sau đó, Lưu Hữu Phước ra thị xã Tuy Hòa thuộc vùng tự do Liên khu 5 để nghỉ dưỡng sức ít hôm rồi lại tiếp tục lên đường ra Thủ đô Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. 

Những ngày lênh đênh trên biển đầy gian lao ấy, đã giúp ông thêm chất liệu để bằng tài năng và nhiệt huyết, đã sáng tác bản nhạc “Vượt trùng dương” nổi tiếng. 

Là một nhà trí thức, cán bộ lão thành cách mạng, đã trải qua nhiều công tác phức tạp, gian lao, ông đều hoàn thành xuất sắc. Riêng về công tác văn hóa, nghệ thuật, ông có đóng góp lớn lao đi vào lịch sử. 

Về chính ca, loại bài hát chính thức cho một tổ chức, đoàn thể, phong trào, Đảng hay quốc gia, Lưu Hữu Phước là tác giả những thành tựu nổi bật không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Theo GS, NSND Quang Hải, đối với bất cứ nhạc sĩ nổi tiếng nào trên thế giới để lại một bài chính ca không phải là dễ. Riêng Lưu Hữu Phước đã để lại nhiều bài loại này. Đó là bài “Lên đàng” - bài ca chính thức của lực lượng Thanh niên Tiền phong vào những ngày khởi nghĩa lật đổ  ách thống trị của thực dân Pháp năm 1945, bài “Quốc dân hành khúc” (sửa lời từ bài “Tiếng gọi Thanh niên”, nhân dân Nam Bộ đã hát để chào Cờ đỏ Sao vàng trước khi Quốc hội khóa I họp (sau này chính quyền Sài Gòn lợi dụng lấy làm “quốc ca” và bị Lưu Hữu Phước kịch liệt phản đối), bài “Hồn sĩ tử” đã trở thành nhạc mặc niệm, bài “Ca ngợi Hồ Chí Minh” trở thành “Lãnh tụ ca”, bài “Giải phóng miền Nam” trở thành bài hát chính thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. 

“Khúc khải hoàn” trở thành nhạc hiệu của đài Tiếng nói nhân dân TP Hồ Chí Minh, “Thiếu nữ Việt Nam” trở thành nhạc hiệu của buổi phát thanh Phụ nữ Việt Nam, “Lục quân Trần Quốc Tuấn” trở thành bài hát chính thức của Trường lục quân Trần Quốc Tuấn. Về ca khúc, ông đã để lại 180 bài. 

Cuộc đời của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là một bản anh hùng ca về sự nghiệp sáng tác, nghiên cứu âm nhạc phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng và kháng chiến. 

Ngoài sự nghiệp sáng tác âm nhạc, ít người biết Lưu Hữu Phước từng là Phó Giám đốc Công binh xưởng Nam Bộ, Tổng Thư ký Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam, Phó trưởng phòng Bộ Nội vụ, Trưởng đoàn Tuyên truyền xung phong thiếu nhi nghệ thuật ở khu 10 và khu 1 thuộc Bộ Giáo dục, giáo viên, Giám đốc Trường Văn hóa thiếu nhi, Trưởng ban thường vụ Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam, cán bộ phụ trách sản xuất đĩa hát Việt Nam ở Thượng Hải, Trưởng ban nghiên cứu âm nhạc, Vụ trưởng Âm nhạc và Múa của Bộ Văn hóa, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ở bất cứ công việc nào, ông cũng hoàn thành nhiệm vụ và có đóng góp xuất sắc.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.