Thứ Tư, 01/09/2021, 11:51 (GMT+7)
.
NGHỆ SĨ ƯU TÚ THANH HÙNG - NGỌC HOA:

Đôi sơn ca trên Đài Phát thanh Giải phóng

Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thanh Hùng  - Ngọc Hoa là đôi nghệ sĩ tài hoa, là 2 người con của quê hương Tiền Giang đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là trên lĩnh vực nghệ thuật sân khấu cải lương - thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

NSƯT Thanh Hùng tên thật là Nguyễn Công Phước, sinh năm 1940, ở xã An Thái Đông, huyện Cái Bè. NSƯT Ngọc Hoa, sinh năm 1943, tại tỉnh Gò Công (nay thuộc TX. Gò Công).

VỪA HÁT, SỚM GIÁC NGỘ CÁCH MẠNG

Khi còn nhỏ, NSƯT Thanh Hùng đã tham gia chương trình văn nghệ thiếu nhi xã. Năm lên 16 tuổi, ông tham gia Đoàn hát Tân Phước, Thanh Vân tại Cần Thơ. Hoạt động được một thời gian ngắn, đoàn bị giặc vây bắt và sau đó tan rã, ông lên Sài Gòn kiếm sống.

Đầu tiên, ông vào gánh cải lương Mai Thanh do soạn giả Phạm Trần (con rể của soạn giả Trần Hữu Trang) hướng dẫn, lúc này ông hát kép nhì. Tại đây, ông gặp được thầy tuồng là Điêu Huyền và được ông đặt cho nghệ danh Thanh Hùng.

Ngay từ buổi đầu vào gánh hát, nghệ sĩ (NS) Thanh Hùng gặp được Phạm Trần, là cán bộ cách mạng nội thành, nên giác ngộ cách mạng. Sau đó, NS Thanh Hùng được tuyển dụng vào Kịch đoàn Thủ đô hát kép nhì, kép ba, đứng sau kép Thanh Hải và danh ca Út Trà Ôn trong những vở: Đắc Kỷ thọ hình, Khoét mặt Khương Hoàng Hậu, Đẹp duyên chùa Tháp, Mắt em là bể oan cừu...

NSƯT Thanh Hùng - Ngọc Hoa với giọng ca độc đáo, không lẫn vào ai, đã hát rất thành công nhiều bài ca vọng cổ bằng trái tim yêu nước rực lửa, truyền đi ý chí cách mạng đến đồng bào, chiến sĩ cả nước. Nhiều người vẫn không quên những bài ca vọng cổ qua Đài Phát thanh Giải phóng như: Bài ca địa đạo (của Phạm Ngọc Thanh), Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (của Phạm Trường Hùng), Tiếng chân em bước qua cầu (của Châu Thanh), Đậm tình quê mẹ (của Hồng Quân), Tiếng sóng biển, Tiếng quê hương (của Thanh Hiền) và một số bài do Thanh Hùng sáng tác như: Gửi gió mùa xuân, Quê hương dũng sĩ, Em hát tặng anh bài ca…

Ở Kịch đoàn Thủ đô, NS Thanh Hùng được NS Ba Vân  nhận làm học trò và dốc sức đào tạo. Từ đó, NS Thanh Hùng diễn tốt được nhiều vai, được khán giả và đồng nghiệp mộ điệu.

Soạn giả Thiếu Linh - Thu An phát hiện ở NS Thanh Hùng ngoài khả năng biểu diễn còn có năng khiếu sáng tác nên ra sức kềm cặp, thử việc và NS Thanh Hùng bắt đầu sáng tác từ đó.

NS Ngọc Hoa từ nhỏ vốn có năng khiếu nghệ thuật cải lương, ban đầu học nghề và hát đào con ở gánh cải lương Nam Phong của gia đình Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam. Năm 1957, khi 14 tuổi, bà đã được Đoàn Cải lương Thống Nhất ở Sài Gòn thu nhận. Đến Năm 1960, bà đã trở thành đào chánh của đoàn. Năm 1961, được ông bầu Năm Công mời về làm đào chánh của đoàn cải lương do ông mới thành lập.

Lúc này, bà đã khẳng định tài năng ca diễn của mình nên ông bầu đã lấy nghệ danh của bà đặt tên cho đoàn hát: Đoàn Cải lương Ngọc Hoa. Ông bầu Năm Công mời kép Thanh Hùng về hát kép chánh cùng với Ngọc Hoa. Năm 1962, 2 người đã thành hôn với nhau, từ đây trong giới cải lương ở Sài Gòn có đôi đào kép Thanh Hùng - Ngọc Hoa.

XUẤT HIỆN ĐÔI SƠN CA TRÊN ĐÀI PHÁT THANH GIẢI PHÓNG

Năm 1963, NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa sang hát cho Đoàn Kim Chung gần 2 năm, vừa là đào kép hát, vừa là cơ sở hoạt động cách mạng nội thành. Đến đầu năm 1965, cục diện tình hình Sài Gòn có nhiều biến động, mật vụ theo dõi rất gắt gao, NS Thanh Hùng -

Ngọc Hoa cũng nằm trong danh sách bị theo dõi nên soạn giả Mai Quân và Phi Hùng bàn kế hoạch đưa NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa vào chiến khu Củ Chi.

Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Giàu từng chia sẻ: “Thanh Hùng - Ngọc Hoa trong bộ quân phục giải phóng và bộ bà ba đen đứng giữa sân khấu thủ đô Paris (Pháp) trong tiết mục “Bài ca địa đạo” do chính NSƯT Thanh Hùng sáng tác dựa theo ý thơ của Phạm Xuân Ích, dưới bút danh Phạm Ngọc Thanh đã gây ấn tượng rất lớn đối với phong trào vận động chống chiến tranh Việt Nam. Ở Sài Gòn lúc đó, giới NS cải lương chúng tôi rất thán phục. Đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, gặp anh chị cũng trong bộ quân phục giải phóng quân, giọng ca trầm ấm, giàu sức chiến đấu, chúng tôi rất xúc động”.

Những ngày sau đó, NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa được phân công về Đoàn Văn công Sài Gòn - Gia Định, đoàn tổ chức biểu diễn ra mắt, phục vụ quân - dân vùng Địa đạo Củ Chi. Đó là đêm diễn đầu tiên trong chiến khu, NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa rất được khán giả ở đó mến mộ và tiếp đón nồng nhiệt. Sau khi vào chiến khu Củ Chi, cuối năm đó NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa được chuyển qua Đoàn Văn công Giải Phóng, là đơn vị nghệ thuật tổng hợp phục vụ bộ đội và nhân dân vùng giải phóng thuộc khu vực chiến trường miền Đông Nam bộ.

Năm 1967, đôi vợ chồng NS này được tổ chức điều ra Hà Nội, nhận nhiệm vụ tại Đài Phát thanh Giải phóng từ Xuân Mậu Thân năm 1968. Tại đây, với giọng ca truyền cảm, NS Ngọc Hoa đã được thu thanh và phát sóng với khoảng một ngàn tiết mục, bao gồm vọng cổ, sân khấu truyền thanh, câu chuyện truyền thanh, cải lương…

Còn NS Thanh Hùng phụ trách tổ ca nhạc cải lương. Ngoài công việc thu và phát sóng các chương trình ca nhạc cải lương thường xuyên của Đài, lực lượng văn nghệ của Đài còn biểu diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ bộ đội và nhân dân ở các tỉnh khu vực miền Bắc, Khu V và chiến trường B1.

Ngoài ra, NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa còn hát chính các vở cải lương (vừa sàn diễn và phát thanh) như “Rừng cao su nhuộm máu’” của soạn giả Mai Quân, “Trong lửa đỏ” của soạn giả Trần Ngọc. Đặc biệt là vở “Bạo chúa" của soạn giả Lê Duy Hạnh, do đạo diễn Lưu Chi Lăng dàn dựng cuối năm 1974 được trình diễn nhiều suất tại Hà Nội, phục vụ cho các lãnh đạo Trung ương, các đơn vị nghệ thuật miền Bắc, là vở diễn gây rung động lòng khán giả miền Bắc lúc bấy giờ về phong cách và nội dung mới, NS ca diễn hay.

Có thể nói, suốt thời gian từ năm 1968 - 1975, giọng ca của NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa rất quen thuộc với thính giả (quân - dân) cả nước, như là đại biểu của dòng vọng cổ cách mạng... Cũng trong thời gian này, NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa được vinh dự đi dự Đại hội Thanh niên Thế giới tại Bungary; được vinh dự biểu diễn phục vụ cho Bác Hồ và các lãnh đạo Trung ương xem nhân Tết Mậu Thân 1968 và đầu xuân 1969. Năm 1974, đôi NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa cũng được cử đi biểu diễn phục vụ kiều bào vui tết ở Paris (Pháp).

Sau thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1975, miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, NS Thanh Hùng - Ngọc Hoa về miền Nam công tác ở Đoàn Văn công TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 1979 - 1988, NS Ngọc Hoa là Phó đoàn phụ trách nghệ thuật cải lương của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh Đồng Nai, rồi Đoàn cải lương Phước Chung, Trưởng đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ. Năm 1984, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. NSƯT Ngọc Hoa đã đột ngột từ trần sau một cơn bạo bệnh vào năm 2004.

Năm 1982, NS Thanh Hùng chuyển về công tác tại tỉnh Tiền Giang và được phân công giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Tiền Giang, đến năm 1990 nghỉ hưu theo chế độ. Trong quá trình hoạt động cách mạng, hoạt động nghệ thuật, NS Thanh Hùng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương và danh hiệu cao quý như: Được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT trong đợt đầu tiên sau ngày giải phóng, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp Sân khấu, Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa quần chúng, Huy chương

Vì sự nghiệp Văn hóa Nghệ thuật, Kỷ niệm chương Đài Phát thanh Giải phóng “Vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất Tổ quốc”… Năm 2012, NSƯT Thanh Hùng từ biệt cõi đời, ra đi mãi mãi ở tuổi 73.

Cuộc đời hoạt động của NSƯT Thanh Hùng - Ngọc Hoa là tấm gương sáng về sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật và tinh thần nhiệt tình sẵn sàng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân ngay cả những lúc khó khăn, ác liệt nhất phải hát trong địa đạo, dưới chiến hào hay dưới làn mưa bom của máy bay B52 rải thảm.

HÀ ANH (tổng hợp)

.
.
.