.

Xây dựng thương hiệu bằng phẩm cách chính mình

Cập nhật: 10:22, 09/09/2021 (GMT+7)

Trước những lùm xùm về phát ngôn, hành động của nghệ sĩ bị công chúng lên án và thậm chí bị Bộ TT-TT xử phạt thời gian qua, Bộ VH-TT-DL soạn thảo và lấy ý kiến Bộ Quy tắc ứng xử người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật gồm 3 chương, 11 điều.

Ban soạn thảo đưa ra các quy tắc ứng xử riêng ở từng lĩnh vực, hướng tới giữ gìn đạo đức, hình ảnh, tác phong, uy tín của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam và pháp luật của nhà nước.

Đặc biệt, Bộ Quy tắc ứng xử cũng đề cập tới trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin trong các hoạt động xã hội, tích cực đóng góp cho cộng đồng và tạo ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân của nghệ sĩ. Phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng. Tham gia hoạt động quảng cáo, nghệ sĩ phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật về quảng cáo…

Được xây dựng với ý nghĩa tích cực là kỳ vọng góp phần chấn chỉnh những hành vi lệch chuẩn của nghệ sĩ, song soạn thảo này cũng khiến phát sinh những cảm giác giới nghệ sĩ non nớt, thiếu kinh nghiệm sống tới mức cần “cầm tay chỉ việc”.

Nghệ sĩ cũng chỉ là một nghề nghiệp giống như bất kỳ một người làm nghề nào khác như kỹ sư, giáo viên, nông dân, nội trợ…, họ đều có quyền lợi và nghĩa vụ nhất định theo luật pháp. Nghệ sĩ không có nghĩa là luôn đúng, luôn được đãi ngộ và ưu tiên hơn người khác. Khi nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sẽ bị xử theo Luật Quảng cáo; làm từ thiện chưa đúng, có khuất tất, phát ngôn không đúng… thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc.

Làm người của công chúng sẽ khó khăn hơn, chịu nhiều áp lực hơn, song đó cũng chính là cơ hội để mỗi người tự điều chỉnh hoàn thiện mình. Không chỉ nghệ sĩ mà bất cứ ai cũng cần tự giác, tự kiềm chế, tự kiểm soát… “Nói ít, làm nhiều”… đưa ra nhiều quy định, nguyên tắc, nhưng bản thân những đối tượng được nhắm tới để điều chỉnh hành vi không làm theo thì cũng khiến mọi thứ trở thành vô ích, lãng phí thời gian và tâm huyết. Sai lầm, vấp ngã không phải lúc nào cũng xấu; đôi lúc, chính đó là những bài học quý mà không có bất cứ quy ước nào có thể uốn nắn, định hướng được.

Với nghệ sĩ cũng vậy, hơn ai hết, họ cần hiểu rằng, để sống được trong lòng công chúng, để trở thành một nghệ sĩ lớn thì không chỉ ứng xử theo đúng bộ quy tắc do người khác soạn ra, mà quan trọng hơn cả là phải xây dựng thương hiệu bằng năng lực, phẩm cách của chính mình.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.