.

Danh y Việt Cúc - nặng lòng với "Gò Công: Cảnh cũ người xưa"

Cập nhật: 10:11, 13/10/2021 (GMT+7)

Những ai theo y dược học cổ truyền dân tộc, đặc biệt là với những người thường xuyên nghiên cứu và sử dụng thuốc Nam, thì cái tên danh y Việt Cúc chắc chắn không còn xa lạ.

Danh y Việt Cúc tên thật Nguyễn Văn Tám, tự Bảy Thê, y danh Việt Cúc, sinh năm 1906 tại làng Tân Niên Tây, tỉnh Gò Công (nay là xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nhà Nho. Ông lấy bút hiệu Việt Cúc, ý nghĩa là người ẩn dật và mượn tên phương thang Việt Cúc Hoàn giải các chứng uất.

QUYẾT CHÍ HỌC NGHỀ Y CỨU NGƯỜI

Lương y Việt Cúc xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó. Cha mẹ ông chịu khó làm ăn, dần dà tích cóp được tiền mua ruộng đất. Ông ra đời đang lúc gia cảnh ngày một ổn định, nên cha mẹ ông quyết chí cho con ăn học thành tài.

Thế nhưng, nhà cửa đương thời thịnh vượng, sung túc, bỗng nhiên bất hạnh dồn dập ập đến gia đình. Ông thực hiện ý nguyện ấp ủ học ngành Y cứu người từ ngày nhìn thấy những người thân của mình lần lượt qua đời (năm 1923).

Người thầy đầu tiên của ông là thầy Phạm Ngọc Huẩn, cùng quê. 4 năm miệt mài bên tài liệu, cỏ cây, ông thấm nhuần những bài học đại cương về Đông y, về tánh dược và mạch pháp... Hết khóa học (năm 1927), Lương y Việt Cúc bắt tay vào việc trị bệnh bằng thuốc Bắc khi tuổi đời mới 21.

Sau đó, Lương y Việt Cúc tiếp tục học thêm nghề thuốc tại nhà thầy Nguyễn Thanh Tùng ở Chợ Giồng (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) trong vòng 2 năm; đến năm 1937 ra TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) theo học lớp Y dược học dân tộc (YDHDT) do Hội Y dược học Trung kỳ tổ chức, được cấp Bằng Y sĩ YDHDT năm 1941.

Về lại Gò Công, Lương y Việt Cúc mở tiệm thuốc Vân Thê Dược Phòng tại xã nhà. Trong kháng chiến chống Pháp, nhà ông bị đốt nên dời về xã Vàm Láng, cũng không yên. Cuối cùng, ông lui về nhà làm thuốc, học thêm về thuốc Nam, chữa bệnh, cộng tác với Hưng Thành Tự tại Gò Công và mở thêm phòng thuốc ở Hưng Lạc Tự (năm 1955). Đến đâu, ông đều mở lớp dạy nghề thuốc, học sinh trong và ngoài tỉnh theo học rất đông.

Thời gian này, Lương y Việt Cúc được Bộ Y tế cấp Bằng Đông y sĩ hạng A. Ông còn mở lớp, thu nhận học trò, đào tạo thầy thuốc YDHDT và được mời đi giảng dạy ở nhiều nơi: Mỹ Tho, Cần Thơ, Bạc Liêu, Bình Dương, Đồng Tháp, Tây Ninh, Vũng Tàu, Đồng Nai…

Từ năm 1977 đến 1981, ông được Viện YDHDT TP. Hồ Chí Minh mời cộng tác điều trị bệnh nhân, đào tạo cán bộ YDHDT. Học trò của ông lên đến hàng ngàn người. Năm 1981, do tuổi cao sức yếu, ông về an dưỡng tại quê nhà.

Tại miền Nam, lão y Việt Cúc là một trong những người đã đóng góp nhiều công sức trong việc dùng thuốc Nam, thuốc tại địa phương để trị bệnh cho đông đảo nhân dân. Việc chuyển từ trị bệnh bằng thuốc Bắc sang thuốc Nam là bước ngoặt quyết định sự chuyển hướng quan trọng trong cuộc đời làm thuốc của Lương y Việt Cúc.

Một trong những nét độc đáo của danh y Việt Cúc là tận dụng những kiến thức chuyên sâu về y lý, kết hợp với phong thổ địa phương, chọn lựa những vị thuốc có sẵn tại địa phương thay dần các vị thuốc Bắc nhập tạo thành những phương thuốc chữa trị có kết quả cao.

Từ khi theo ngành YDHDT cho đến lúc cuối đời, ông đã viết được 24 tác phẩm YDHDT rất có giá trị cho nền y dược học cổ truyền của nước ta, tiêu biểu là các quyển: “52 bệnh chứng trị pháp bằng thuốc Nam”, “106 vị thuốc Nam thông dụng và kinh nghiệm”, “27 loại bệnh chữa bằng thuốc Nam thay thuốc Bắc”, “100 y án chữa bằng thuốc Nam”, “Gia bảo: 102 chứng bệnh chữa bằng thuốc Nam”…

NHÀ KHẢO CỨU NỔI TIẾNG ĐẤT GÒ CÔNG

Không chỉ là một danh y tận tâm với nghề, ông còn là một nhà khảo cứu được nhiều người biết đến với tác phẩm “Gò Công: Cảnh cũ người xưa” được in lần đầu vào năm 1968 - 1969 và lần tái bản vào năm 1994.

Nổi tiếng với tác phẩm “Gò Công: Cảnh cũ người xưa”, được Nhà văn Sơn Nam nhận xét: “Lời văn thật thà, không cường điệu, giàu tính thuyết phục…”.  Tiến sĩ Trương Minh Nhựt viết: “Đối với quyển “Gò Công: Cảnh cũ người xưa”, cụ Việt Cúc đã khiêm tốn cho là chưa đầy đủ, nhưng đây là tư liệu quý và là nguồn kiến thức cơ bản cho người Gò Công, dù đang ở tại Gò Công hay xa quê nhà. Tác phẩm đủ sức làm cuộn sóng nhỏ vỗ nhẹ vào tơ lòng của lớp người Gò Công và mọi công dân khác đang sống, làm việc, góp phần vào ước nguyện cơm ăn, áo mặc, học hành và công bằng xã hội hôm nay…”.

Quyển thứ nhất, ông giới thiệu Gò Công từ cuối thế kỷ XVII, thời tiền nhân khẩn hoang lập ấp, mở rộng đất gò, khai thông đường thủy cho thuận lợi sản xuất, sinh hoạt.

Phần Lịch sử và Di tích có các bài: “Lăng Võ Tánh tại Gò Tre”, “Giồng Sơn Qui”, “Truông Cóc”, “Vàm sông Bao Ngược” với câu hò nao lòng “Anh đi chuyến gạo Gò Công / Anh về Bao Ngược bị giông đứt buồm… Anh ơi!/ Thuyền anh cao nhưng sóng cả nhận chìm / Em trông sông bao nhiêu khúc nỗi niềm ruột đau ơ hơ…”.

Kế đến là lai lịch, nguồn gốc chợ Tổng Châu, giồng Xe, cống Ông Lánh, giồng Găng, chùa Mục Đồng, rạch Già, láng Chim, Đám Lá Tối Trời, rạch Ông Niên, vịnh Đôi Ma, cầu Tam Bảng…, hầu hết ở các xã phía đông Gò Công. Ngoài ra, ông còn viết về những nghi lễ xưa (quan, hôn, tang, tế) rất rành mạch.

Tiếp theo là “Những biến cố xảy ra trong thời kỳ chánh phủ Pháp đến xứ này”  có các bài: “Nạn Văn Thân”, “Nạn Đề Thám”, “Nạn Lính tản”, “Phong trào Cách Mạng”, “Thầy Ta học tiếng Tây”, “Bão lụt năm Thìn (1904)”, “Thiên Địa hội”, “Giặc cào cào (1908)”, “Tá điền với chủ điền”. Về “Thời kỳ khoa học phát minh” có các bài: “Cái máy hát”, “Máy chụp hình”, “Đua xe máy”…

Quyển thứ nhì, ông có lời giới thiệu khá chi tiết về đất Gò Công “Địa linh - Nhân kiệt” theo thuật phong thủy, dịch lý. Sau đó là các mẩu chuyện: “Ông súng cà lăm”, “Đời bà Lưu”, “Cảm tình cười và khóc”, “Ngôi mộ xóm Gò”..., nội dung đề cao cuộc kháng Pháp của Anh hùng dân tộc Trương Định với những liệt nữ, anh hùng như: Bà Lưu (xã Gia Thuận), Phó đốc binh Chung, Đặng Công Khả (xã Vĩnh Hựu), ông Hòa, ông Quới (xã Tân Niên Trung)…

Ngày 8-5-1990, danh y Việt Cúc đã thanh thản ra đi trong niềm thương tiếc của bao người. Trước khi tạ thế, cụ đã để lại những dòng tâm huyết sau: “Vì thiết tha yêu nghề và lòng mong mỏi ngành Nam dược của nước nhà phát triển ngày thêm tươi sáng nên tôi thành tâm sưu tập, suy nghĩ, chọn lọc những kinh nghiệm quý báu trị bệnh của quãng đời mình viết lại thành sách. Tôi chỉ mong nhờ các bạn đồng nghiệp, bác sĩ, lương y tham khảo và thí nghiệm, rút tỉa và bổ sung vào những điều khuyết điểm trong tác phẩm của tôi để chữa lại, chỉnh đốn lại giúp cho hậu học rộng phần tham khảo thí nghiệm và nghiên cứu sau này”.

Tuy ông đã qua đời nhưng kho sách thuốc, sách khảo cứu quý báu cùng tâm y, đức độ của Lương y Việt Cúc còn mãi khắc ghi trong lòng nhiều hậu bối nghề thuốc và trong lòng những bệnh nhân nghèo. Ông qua đời tại xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, thọ 84 tuổi.

LINH THỦY (tổng hợp)

.
.
.