Tiền Giang: Nâng chất xét tặng các danh hiệu văn hóa
Thực hiện Nghị định 122 ngày 17-9-2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa ”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; Quyết định 28 ngày 4-10-2019 của UBND tỉnh Tiền Giang quy định thang điểm, cách chấm điểm xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa” trên địa bàn tỉnh và Hướng dẫn 1776 ngày 15-10-2019 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) tỉnh về việc xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, công tác xét tặng danh hiệu văn hóa trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo sâu sát.
Các đoàn thể và người dân ngày càng quan tâm, thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng các danh hiệu văn hóa. Ảnh: T.H |
Theo đó, BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH và công tác gia đình (CTGĐ) các cấp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt Tổ nhân dân tự quản, đoàn thể; các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang, Báo Ấp Bắc; hệ thống truyền thanh địa phương; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào, nội dung, những tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa…
Cùng với đó, BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH và CTGĐ tỉnh các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào; chủ động tham mưu, đề xuất chính quyền các cấp thực hiện phong trào phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Công tác bình xét gia đình văn hóa hằng năm được thực hiện tốt, đảm bảo công khai, dân chủ, chất lượng; số lượng gia đình văn hóa của tỉnh luôn đạt từ 90% trở lên. Từ năm 2019 - 2021, có hơn 100 gia đình được UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tuyên dương, khen thưởng nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc, Ngày Gia đình hằng năm. Đặc biệt, có 30 gia đình văn hóa tiêu biểu đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp thiết thực nên phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân, trở thành nền nếp và mục tiêu phấn đấu của các gia đình, cộng đồng dân cư.
Qua phong trào, các gia đình đã tự ý thức nghĩa vụ, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống, tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới ở khu dân cư và hoạt động phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội; không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tham gia thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc sinh hoạt, hội họp của cộng đồng; xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng... Qua đó, xuất hiện nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu nhiều năm liền.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT&DL), công tác xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa” trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Một số nơi chưa thực hiện đúng quy trình bình xét, chất lượng chưa cao; nhiều địa bàn dân cư có tỷ lệ hộ gia đình và ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa cao nhưng vẫn còn các hiện tượng mất an ninh trật tự, bạo lực gia đình, vệ sinh môi trường có khắc phục nhưng còn chậm…
Theo Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Lê Văn Dũng, để nâng chất việc xét tặng các danh hiệu văn hóa cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết là tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nội dung phong trào TDĐKXDĐSVH, các tiêu chí xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa”, lồng ghép chặt chẽ với các chương trình y tế quốc gia, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, chống bỏ học giữa chừng, phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…
Đẩy mạnh việc nâng chất phong trào TDĐKXDĐSVH, trong đó phải xác định việc xây dựng “Gia đình văn hóa” là nền tảng vững chắc, là tiêu chí để công nhận các danh hiệu khác như ấp văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị…
Phát huy vai trò tự quản cộng đồng thông qua thực hiện quy ước, xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt của các gia đình, khu dân cư; có sơ, tổng kết, kịp thời biểu dương các cá nhân, gia đình tiêu biểu trong thực hiện phong trào, giữ vững danh hiệu văn hóa nhiều năm liền.
Tăng cường tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; rà soát, phân loại số lượng, chất lượng “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa” để kịp thời điều chỉnh, nâng chất. Cùng với công nhận mới sẽ kiên quyết rút danh hiệu đối với những trường hợp vi phạm hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn văn hóa, nhằm tạo sự công bằng, khách quan và nâng cao ý thức vươn lên của mỗi gia đình, cộng đồng dân cư.
NGUYỄN MINH PHÚC