Thứ Bảy, 20/11/2021, 14:57 (GMT+7)
.

Đi, chụp ảnh và kể chuyện văn hóa Việt Nam

Nụ cười của bà cụ vùng cao đang sưởi ấm bên bếp lửa, buổi sớm trên nương rẫy hay trẻ con nô đùa nơi bản làng… Câu chuyện văn hóa vùng miền, đặc trưng trang phục của đồng bào các dân tộc được ống kính hai bạn trẻ Nguyễn Thị Yến Trinh (hiện đang sống, làm việc tại Đà Nẵng) và Alden (một nhiếp ảnh gia đến từ Mỹ) bắt trọn.

Đi và chụp, mỗi bức ảnh là một câu chuyện về văn hóa bản địa được hai bạn trẻ tìm hiểu từ những người lớn tuổi trong các thôn xóm, ghi chép cẩn thận, chia sẻ qua fanpage “Vietnam the People” và website www.360nomad.org để giới thiệu hình ảnh con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Để lại biểu tượng trái tim (thể hiện sự yêu thích) với bức ảnh cụ bà 102 tuổi người Dao đỏ ở Hà Giang, Nguyễn Ngọc Phúc (25 tuổi, du học sinh Việt Nam tại Anh) chia sẻ: “Từ khi biết đến fanpage, tôi thường xuyên theo dõi hình ảnh và bài viết ở đây. Mình là người Việt mà còn chưa biết hết những nét đặc sắc của các đồng bào dân tộc. Qua những bài viết trên fanpage, tôi biết thêm những nét sinh hoạt văn hóa rất hay của đồng bào.

Bên này, bạn bè của tôi cũng là các du học sinh quốc tế, bài viết song ngữ Anh - Việt rất tiện, tôi hay chia sẻ với những người bạn chung nhóm thực tập; mọi người cũng theo dõi fanpage và rất thích tìm hiểu văn hóa, đời sống của các đồng bào dân tộc Việt Nam. Chúng tôi còn hẹn khi hết dịch bệnh sẽ làm một chuyến tham quan Việt Nam để khám phá những nét đẹp bản địa”.

a
Một poster nhỏ giới thiệu dự án "Vietnam the People" của Yến Trinh và Alden

Yến Trinh kể: “Khi đi chụp hình, tôi kết hợp tìm hiểu và học hỏi về văn hóa, cố gắng tìm hiểu nét đặc trưng nhất của từng nhóm dân tộc. Mỗi chuyến đi, tôi và bạn Alden đều muốn tìm về những gì truyền thống nhất và gốc gác nhất để lưu lại, nên thường mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm, vì số người lớn tuổi am hiểu văn hóa bản địa và còn giữ lại đồ vật, trang phục truyền thống của ngày xưa không còn nhiều. Nhưng tôi cũng thấy có cái hay, đa phần các bản làng tôi qua, người dân và chính quyền địa phương đều cố gắng động viên, truyền dạy cho lớp trẻ văn hóa truyền thống như bản của người Cờ Lao Đỏ, người Mạ hoặc Lô Lô”…

Từ tình yêu thích văn hóa, đời sống đồng bào các dân tộc, hai bạn trẻ tự bỏ tiền túi cho những chuyến đi, xây dựng website và các kênh qua mạng xã hội để quảng bá hình ảnh dân tộc Việt Nam. Những cung đường đèo vùng cao mùa mưa gió, nhiều khó khăn, nhưng vẫn không ngăn được niềm đam mê văn hóa bản địa của cô gái trẻ.

“Có một lần đi Túng Sán để tìm bản của người Cờ Lao Đỏ. Lần đó tôi nhớ mãi, đường lên bản vô cùng gồ ghề và không một bóng người, đèo thì cao. Hai đứa nhìn nhau, nửa muốn đi nửa muốn về, nhưng rồi suy nghĩ, không đi bây giờ thì biết khi nào mới đi được, vậy là tiếp tục. Lúc về, tôi hỏi đường khác mà người dân địa phương thường đi, nhưng vùng cao mà, một bên vách núi, một bên là hố sâu, không cẩn thận thì té xuống vách núi như chơi. Về tới thị trấn, hai đứa mừng vô cùng, chưa bao giờ thấy thành thị mà mừng đến như vậy”, Yến Trinh kể.

Bạn đồng hành là người nước ngoài cùng thế mạnh về ngoại ngữ, dự án Vietnam the People được Yến Trinh giới thiệu trên các diễn đàn, fanpage nước ngoài. Yến Trinh cho biết: “Qua fanpage Vietnam the People, có nhiều bạn nhắn tin, động viên và chia sẻ dự án. Có nhiều bạn nước ngoài hoặc Việt kiều cảm ơn chúng tôi đã giới thiệu Việt Nam đến các bạn, vì trước đó các bạn không biết Việt Nam chúng mình có 54 dân tộc anh em; các bạn ấy bảo là các bạn học được nhiều điều hay qua hình ảnh các dân tộc”.

Trước tốc độ và sức ép của đô thị hóa, các bản làng văn hóa vùng miền ở một số nơi dần mai một, những dự án mang màu sắc dân tộc như Vietnam the People rất cần được lan tỏa và càng ý nghĩa hơn khi nó được thực hiện từ những người trẻ.

“Tôi nghĩ mỗi người có một cách khác nhau để tự hào về quê hương, xứ sở. Riêng tôi thích trò chuyện, học hỏi về văn hóa, kết nối với người dân địa phương và chia sẻ những trải nghiệm, câu chuyện mình học được. Giữ gìn văn hóa bản địa, văn hóa truyền thống, tôi nghĩ rất quan trọng, vì đó là truyến thống và tinh hoa của các bậc tiền nhân truyền lại, nên mình cần lưu giữ và phát huy”, Yến Trinh bày tỏ.

Dự án Vietnam the People bắt đầu vào khoảng cuối năm 2018, sau khi Yến Trinh trò chuyện cùng Alden và cả hai đều yêu văn hóa, con người, đặc biệt là các dân tộc anh em Việt Nam. Vietnam the People là một dự án kết hợp giữa văn hóa, con người và nhiếp ảnh. Đằng sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện và trải nghiệm văn hóa, cuộc sống của người dân.

(Theo sggp.org.vn)


 

.
.
Liên kết hữu ích
.