Thứ Năm, 25/11/2021, 10:09 (GMT+7)
.

Trần Văn Hoài - Trần Văn Hiển: 2 cha con - 2 nhà cách mạng nổi tiếng ở Chợ Gạo

Đảng bộ và nhân dân huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang tự hào rằng, trước đây, tại một vùng đất suốt gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp, đã xuất hiện rất sớm nhiều nhà yêu nước, trở thành cơ sở kiên trung của cách mạng, điển hình là gia đình ông Trần Văn Hoài (tục gọi Hương trưởng Hoài) ở ấp Tân Phú Long, làng Tân Thuận Bình. Ông và con trai là Trần Văn Hiển đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng và anh dũng hy sinh. Gia đình ông có 5 người: Ông, con trai, con rể, cháu ngoại - 3 thế hệ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Với những công lao to lớn và góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau, UBND tỉnh Tiền Giang đã quyết định lấy tên ông đặt cho tên Trường Trung học phổ thông Trần Văn Hoài, tọa lạc thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo.

ÔNG TRẦN VĂN HOÀI - ỦNG HỘ NHIỆT TÌNH NHỮNG AI CHỐNG PHÁP

Ông Trần Văn Hoài (còn gọi là Trần Vĩnh Hoài) sinh năm 1871, tại làng Bình Ninh, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Cha ông theo nghĩa quân Trương Định, bị thương, rồi từ trần. Năm 1884, 13 tuổi, ông xin mẹ theo học thầy Đồ trong xóm, nhưng do nhà nghèo, mẹ ông không cho, ông phải đứng ngoài hè nhà ông Đồ học lỏm.

Sự thông minh, hiếu học của ông lan ra cả một vùng. Một ông Tú họ Phạm ở làng Tân Thuận Bình mở trường dạy học và làm thầy thuốc biết được, đã nhận ông đến ở nhà mình để dạy học chữ, học võ và dạy nghề làm thuốc; sau gả con gái út là Phạm Thị Sâm (thường gọi Út Sâm) cho ông.

Thời niên thiếu và trưởng thành của Trần Văn Hoài là giai đoạn Nam kỳ lần lượt rơi vào tay Pháp. Cuối tháng 5-1904, cụ Phan Bội Châu thành lập Duy Tân Hội, Hội chủ là Cường Để. Tháng 9-1908, lưu học sinh Việt Nam ở Nhật bị trục xuất; tháng 2-1909, cụ Phan Bội Châu và ông Cường Để bị trục xuất. Phong trào Đông Du tan rã.

Tháng 2-1912, cụ Phan Bội Châu giải thể Duy Tân Hội, thành lập Việt Nam Quang Phục Hội, chủ trương bạo động, Hội trưởng là ông Cường Để, Tổng lý là Phan Bội Châu. Những sự kiện này ảnh hưởng sâu sắc đến ông Trần Văn Hoài. Lúc bấy giờ, ông đã giỏi chữ Nho, giỏi võ và là thầy thuốc Đông y nổi tiếng. Vốn mang nặng thù nhà, nợ nước, ông ủng hộ nhiệt tình bất cứ ai chống thực dân Pháp.

Ngày 15-12-1913, ông đón ông Cường Để và cụ Phan Bội Châu về nhà, bán 2 mẫu ruộng lấy tiền ủng hộ 2 ông này hoạt động khởi nghĩa. Chính quyền thuộc địa tìm mọi cách tách ông Hoài khỏi phong trào yêu nước, cho đốc phủ Chiếu dụ, mời ông ra làm hương trưởng - chức vụ thứ tư trong ban hội tề gồm 12 người. Ban đầu, ông từ chối, nhưng sau khi tham khảo ý kiến của ông Nguyễn An Ninh, ông đã nhận lời, để dễ hoạt động khởi nghĩa.

Ngôi nhà hiện tại của ông Trần Văn Hoài tọa lạc tại khu 2, thị trấn Chợ Gạo. 	  Ảnh: NGỌC DUYÊN
Ngôi nhà hiện tại của ông Trần Văn Hoài tọa lạc tại khu 2, thị trấn Chợ Gạo. Ảnh: NGỌC DUYÊN

Năm 1926, thực dân Pháp chủ trương thành lập Nam kỳ Khuyến học Hội, vừa mị dân, vừa nhằm đào tạo người bản xứ phục vụ cho ách thống trị của chúng. Tương kế tựu kế, ông Hoài đi khắp nơi vận động người dân đi học. Ông bán 2 mẫu ruộng để cất 2 nhà khuyến học ở làng Bình Ninh và làng Đăng Hưng Phước.

Ông còn xuất tiền nhà mua các bộ sách tiến bộ:“Hồi trống tự do”, “Tiếng chuông truy hồn”, “Tờ cớ mất quyền tự do” của Trần Hữu Độ; “Máu chảy ruột mềm” của Trần Huy Liệu; “Chiêu hồn nước” của Phạm Tất Đắc; “Hải ngoại huyết lệ thư” của cụ Phan Bội Châu... đem truyền bá trong dân. Bấy giờ, nhà ông là nơi trú chân của các nhà yêu nước: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Huy Liệu, Tú Kiên, Nguyễn An Ninh, sư Thiện Chiếu...

Ông vui mừng đón tiếp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong khi cụ bị Pháp theo dõi gắt gao. Khi cụ Phó bảng muốn đến thăm Gò Công, nơi từng in đậm dấu chân của Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định, để tìm hiểu về những người yêu nước ở Gò Công, ông đã tạo điều kiện để cụ Phó bảng gặp các ông: Nguyễn Văn Côn, Huỳnh Văn Luông, Lê Văn Túc (thường gọi là Lão Bái)…

Hồi ký của cố Giáo sư Trần Văn Giàu có đoạn viết: “Dù vật đổi sao dời mà lòng chúng tôi vẫn sắt son với hai Bác Hương trưởng Hoài và đồng bào Tân Thuận Bình…  Năm hăm mấy, tôi không nhớ rõ, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thôi hốt thuốc ở Sài Gòn, đi về lục tỉnh, trạm ghé đầu tiên là nhà ông Hương trưởng Đỗ Tường Ninh. Rồi ông Ninh đưa cụ Phó bảng sang nhà ông Hương trưởng Hoài (bên Chợ Gạo). Sau cụ Phó bảng đi xuống Cao Lãnh, ở đó đến mất.

Ông Trần Văn Hoài nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam. Lần đầu, bị mật thám đến khám nhà, bắt ông vì có những sách báo bị chúng cấm. Năm 1940, ông tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ hai và kết án 3  năm lưu đày biệt xứ ở Cần Thơ, rồi bị đưa về quản chế ở làng quê Tân Thuận Bình (năm 1943).

Tháng 9-1943, Hội nghị trù bị thành lập Xứ ủy Nam kỳ họp tại chùa Dơi, làng Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh; tháng sau (từ ngày 13 đến 15-10), họp chính thức, thành lập Xứ ủy Lâm thời tại nhà ông Hoài. Cha con ông lo tổ chức bảo vệ và phục vụ cuộc hội nghị này.

Ngày 21-5-1945, bà Út Sâm mất, ông quyết định làm đám tang vợ 3 ngày, mổ bò, mổ heo cúng linh đình để làm bình phong cho một cuộc họp khác của Xứ ủy Nam kỳ tại nhà. Sau đó, không khí tiền khởi nghĩa sôi động, ông mở tại nhà lớp dạy võ; con trai ông Hoài là Trần Văn Hiển và ông Nguyễn Văn Nguyễn làm công tác giáo dục lòng yêu nước và vận động bà con tham gia khởi nghĩa.

Tháng 7-1945, Tỉnh ủy Mỹ Tho tổ chức cho khá đông trí thức, học sinh của tỉnh Mỹ Tho đến họp mặt tại nhà ông Hoài, do ông Nguyễn Văn Nguyễn chủ trì. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông Hoài là Chủ tịch Ủy ban Hành chánh quận Chợ Gạo.

Tháng 10-1945, quân Pháp đốt phá nhà cửa, vườn tược của ông và nhiều người dân trong làng, ông và hai con gái, con rể, cháu ngoại lên đường đi kháng chiến. Các ông Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Trấn... - những cán bộ lãnh đạo ở Nam bộ sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công là con nuôi của ông. Sau đó, ông được cử đi học khóa chính trị đầu tiên do Tỉnh ủy mở.

Ngày 27-6-1947, trong một chuyến công tác ngang Quốc lộ 4, đoạn Giồng Dứa, làng Long Định, tỉnh Mỹ Tho, ông bị xe nội đồng của địch phục kích bắn chết. Trước khi tắt thở, ông dặn giao liên không được báo cho con gái út biết sẽ ảnh hưởng đến công tác.

Trường THPT vinh dự mang tên Trần Văn Hoài, tọa lạc thị trấn Chợ Gạo.
Trường THPT vinh dự mang tên Trần Văn Hoài, tọa lạc thị trấn Chợ Gạo.

ÔNG TRẦN VĂN HIỂN - HOẠT ĐỘNG KINH DOANH, TẠO NGÂN QUỸ CHO ĐẢNG

Năm 1925, ông Trần Vinh Hiển du học ở Pháp, tích cực hoạt động trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và trí thức, năm 1926 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp. Năm 1935, ông về nước, mở nhà hàng “Đêm Thanh” để xây dựng cơ sở cách mạng và hoạt động kinh doanh, tạo ngân quỹ cho Đảng.

Năm 1940, ông chỉ huy cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở quận Chợ Gạo. Sau cuộc khởi nghĩa, bị thực dân Pháp khủng bố, ông rút vào hoạt động bí mật tại Mỹ Tho, Sài Gòn. Năm 1943, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ tổ chức tại nhà cha ông, ông được bầu làm Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, ông là người đầu tiên làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Mỹ Tho và đã hy sinh ngày 24-10-1945, được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập.

LINH THỦY

.
.
.