.

Văn hóa - "sức mạnh mềm", thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của đất nước

Cập nhật: 09:18, 24/11/2021 (GMT+7)

Các văn kiện của Đảng đều khẳng định: Phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế; coi văn hóa là động lực tinh thần của sự phát triển. Cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng, những năm qua, ngành Văn hóa tỉnh Tiền Giang đã đề ra nhiều giải pháp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời, phát huy các giá trị văn hóa địa phương. Nhân Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra hôm nay (ngày 24-11), phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Tiền Giang Lê Văn Dũng xoay quanh các nội dung trên.

* PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật trong lĩnh vực văn hóa của tỉnh ta thời gian qua?

* Đồng chí Lê Văn Dũng: Tiền Giang là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, với 22 di tích lịch sử - văn hóa (LS-VH) cấp quốc gia (trong đó có 1 di tích LS-VH cấp quốc gia đặc biệt) và 160 di tích LS-VH cấp tỉnh gắn liền tên tuổi các Anh hùng dân tộc, sự kiện LS-VH đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, như: Di tích lịch sử Rạch Gầm - Xoài Mút; di tích Chiến thắng Ấp Bắc; các lăng Trương Định, Thủ Khoa Huân, Hoàng Gia; chùa Vĩnh Tràng; đình Long Hưng; di tích khảo cổ Óc Eo - Gò Thành...

Tiền Giang còn là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương… Đó là những “tài nguyên văn hóa” quý giá và là sức mạnh nội sinh, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp để phát triển lĩnh vực văn hóa. Theo đó, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể; chỉ đạo tổ chức tốt các lễ hội truyền thống ở địa phương… Qua đó, lưu giữ những phong tục, tập quán đặc trưng của tỉnh, góp phần làm phong phú hơn các giá trị văn hóa của dân tộc.

Tiền Giang là cái nôi của đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương - là những “tài nguyên văn hóa” quý giá và là sức mạnh nội sinh, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.                                                     Ảnh: HUỲNH NGỌT
Tiền Giang là cái nôi của đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương - là những “tài nguyên văn hóa” quý giá và là sức mạnh nội sinh, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Ảnh: HUỲNH NGỌT

Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2020, Sở VH-TT&DL tham mưu trình HĐND, UBND tỉnh ban hành các đề án, văn bản quản lý trên lĩnh vực văn hóa, như: Quyết định ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020”; Quyết định về quy định phân công quản lý di tích LS-VH và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2021”; Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn, gây mất an ninh trật tự tại khu dân cư trên địa bàn tỉnh…

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được chú trọng. Nhiều di tích LS-VH đã được trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị tích cực, như: Đầu tư nhiều công trình văn hóa, tôn giáo gắn với các lễ hội của tỉnh như: Trùng tu, tôn tạo di tích đình Tân Đông, huyện Gò Công Đông, với tổng mức đầu tư trên 2,71 tỷ đồng; tu bổ, tôn tạo di tích đình Mỹ Lương (giai đoạn 2), với tổng mức đầu tư 7,97 tỷ đồng; tu bổ, sửa chữa các khu di tích LS-VH cấp quốc gia (Rạch Gầm - Xoài Mút, Óc Eo - Gò Thành), với tổng mức đầu tư 2,53 tỷ đồng…

Đối với các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, Sở VH-TT&DL phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp tổ chức nhiều loại hình hoạt động phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, giải trí lành mạnh của nhân dân; tổ chức tốt các ngày kỷ niệm, lễ hội hằng năm, như: Kỷ niệm Chiến thắng Cổ Cò, Chiến thắng Giồng Dứa, Chiến thắng Ba Rài; Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định, Lễ hội Làng cổ Đông Hòa hiệp…

Cùng với đó, định kỳ hằng tháng, tại Rạp hát Thầy Năm Tú (TP. Mỹ Tho) tổ chức Chương trình “Dạ khúc tri âm”, được dàn dựng công phu, với nhiều thể loại: Trích đoạn cải lương, ca cổ, duy trì bộ môn nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử Nam bộ, thu hút đông đảo nhân dân đến xem…

Ngoài ra, ngành Văn hóa của tỉnh tham gia nhiều cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng cấp khu vực, cấp quốc gia và đạt được nhiều thành tích cao, đoạt nhiều huy chương, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế…

* PV: Theo đồng chí, lĩnh vực văn hóa của tỉnh còn có những khó khăn, hạn chế gì cần khắc phục và cho biết mục đích, ý nghĩa của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này?

* Đồng chí Lê Văn Dũng: Bên cạnh những thuận lợi, ngành Văn hóa của tỉnh đang gặp khó khăn về tình trạng xuống cấp của các di tích LS-VH trên địa bàn các huyện, thành, thị khá nhiều, chưa được trùng tu, tôn tạo; chưa phát huy tốt vai trò của chính quyền, tổ chức và cá nhân được phân công quản lý các di tích và trong việc vận động các nguồn lực từ xã hội.

Mặt khác, ngân sách phân bổ hằng năm cho công tác tu bổ di tích có hạn, nên việc trùng tu, sửa chữa các di tích kéo dài, ảnh hưởng không tốt đến việc bảo quản di tích; các di tích LS-VH chủ yếu phục vụ học sinh các trường trên địa bàn huyện qua những lần  tổ chức “Về nguồn”, chưa kết nối rộng rãi các tour, tuyến để các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã tác động và gây thiệt hại lớn cho ngành Văn hóa, các hoạt động lễ hội, văn hóa, văn nghệ, lễ kỷ niệm, ngày truyền thống đều dừng hoặc giảm; công tác trùng tu, tôn tạo các di tích theo kế hoạch cũng phải tạm ngừng; việc triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2021” của UBND tỉnh không thể tổ chức các hoạt động sinh hoạt định kỳ...

Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội đều rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa. Các văn kiện của Đảng đều khẳng định phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế; văn hóa là một trong bốn trụ cột để phát triển đất nước…

Vì vậy, tôi cho rằng, Hội nghị Văn hóa lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là dịp để các cấp, các ngành, nhất là ngành Văn hóa nhìn lại một cách sâu sắc hơn chặng đường đã qua chúng ta đạt thành tựu gì đối với lĩnh vực văn hóa và gặp những khó khăn gì, những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm…, để từ đó có nhận thức và hành động đúng.

Ngành Văn hóa tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.
Ngành Văn hóa tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.

* PV: Với vai trò là lãnh đạo ngành Văn hóa địa phương, theo đồng chí, chúng ta cần làm gì để gìn giữ được bản sắc văn hóa, phát huy “sức mạnh mềm” này trong quá trình phát triển và hội nhập?

* Đồng chí Lê Văn Dũng: Để gìn giữ bản sắc văn hóa, phát huy “sức mạnh mềm” này trong quá trình phát triển và hội nhập, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về văn hóa ở chiều rộng lẫn chiều sâu cho các tầng lớp nhân dân; chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề văn hóa theo các sự kiện; tuyên truyền văn hóa trên các kênh truyền thông số và các ấn phẩm, phóng sự, phim tài liệu để quảng bá tiềm năng, thế mạnh, con người, bản sắc văn hóa, các lễ hội văn hóa của tỉnh đến bạn bè, đối tác trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, xây dựng, giới thiệu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với điều kiện địa hình, cảnh quan thiên nhiên, sản phẩm đặc trưng, đặc sản và văn hóa bản địa của địa phương để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt, ngành Văn hóa cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh, các di tích LS-VH trên địa bàn tỉnh; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực văn hóa, bởi con người là yếu tố quan trọng để gìn giữ và phát huy tốt các “tài nguyên văn hóa”, thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của đất nước, của địa phương...

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THU HOÀI (thực hiện)

.
.
.