.
CỐ GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ:

Âm nhạc dân tộc là "quốc hồn", "quốc túy"

Cập nhật: 09:50, 27/12/2021 (GMT+7)

Cố Giáo sư (GS) Trần Văn Khê (sinh năm 1921) đã dành gần trọn cả cuộc đời cống hiến cho nền âm nhạc dân tộc. Ông cũng là người đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, một quỹ học bổng mang tên GS. Trần Văn Khê vừa được thành lập tại TP. Hồ Chí Minh, nhằm hỗ trợ, động viên, khuyến khích các tài năng âm nhạc gặp khó khăn, có thành tựu xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc truyền thống Việt Nam.

ĐƯỢC NGHE NHẠC TỪ TRONG BỤNG MẸ

Trong cuốn Hồi ký Trần Văn Khê, ông viết rằng, ngay từ khi trong bụng mẹ, ông đã được cậu Năm (tức Nghệ sĩ Năm Khương) “ngày ngày thổi sáo, hòa đờn cho đứa bé đang còn trong bụng mẹ nghe, để nó thấm nhuần âm nhạc nước nhà”. Thật vậy, ông sinh ra trong gia đình có 4 đời là nhạc sĩ truyền thống tại tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Gia tộc ông có nhiều thế hệ là nghệ nhân âm nhạc cổ truyền nổi tiếng. Cụ cố nội là ông Trần Quang Thọ (nhạc công triều đình Huế). Ông nội ông là Trần Quang Diệm (Năm Diệm) chơi đàn kìm, tranh, tỳ bà. Cha ông là Trần Quang Chiêu (Bảy Triều) nổi tiếng trong giới nhạc tài tử Nam bộ. Cô ruột ông là Trần Ngọc Viện (tức Ba Viện) - người sáng lập Gánh hát Đồng Nữ Ban nổi tiếng ở xã Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ông ngoại ông là Nguyễn Tri Túc, cũng say mê âm nhạc, có 3 người con đều theo nghiệp đờn ca. Một trong số đó, Nguyễn Tri Khương là thầy dạy nhạc và nhà soạn tuồng cải lương nổi tiếng…

GS Trần Văn Khê tại Hội thảo quốc tế Nghệ thuật đờn ca tài tử và lối hòa đàn ngẫu hứng năm 2011.
GS Trần Văn Khê tại Hội thảo quốc tế Nghệ thuật đờn ca tài tử và lối hòa đàn ngẫu hứng năm 2011.

Năm 1942, ông ra Hà Nội học Y khoa. Tại đây, ông cùng với một số người bạn: Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ… hoạt động trong khuôn khổ của Tổng hội Sinh viên. Năm 1949, ông sang Pháp du học và tốt nghiệp Trường Chính trị, Khoa Giao dịch quốc tế. Nhưng cơ duyên lại đưa ông đến với âm nhạc và theo học Khoa Nhạc học của Trường Đại học Sorbonne.

Tháng 6-1958, ông bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) của Đại học Sorbonne, với đề tài chính “Âm nhạc truyền thống Việt Nam”, cùng 2 đề tài phụ: “Khổng Tử và âm nhạc” và “Vị trí âm nhạc trong xã hội Việt Nam”. Ông trở thành người Việt Nam đầu tiên đỗ bằng Tiến sĩ ngành Dân tộc nhạc học tại Pháp và là Giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp). Từ đó, ông bắt đầu con đường giảng dạy và truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới.

ĐƯA ÂM NHẠC DÂN TỘC RA THẾ GIỚI

Từ giữa thập niên 1960, ông xuất hiện như một chuyên gia về âm nhạc Việt Nam, giảng dạy, quảng bá âm nhạc Việt Nam đến nhiều nơi trên toàn thế giới. Ông sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam không phải bởi âm nhạc Việt Nam độc đáo hơn âm nhạc của các dân tộc khác, mà đơn giản ông là người Việt Nam. Với ông, đó là một thứ “quốc hồn”, “quốc túy”.

Trong Hồi ký của mình, ông viết: “Năm 1972 tôi hòa đờn cùng với anh Vĩnh Bảo, người bạn cùng thế hệ với mình. Hơn 20 năm sau, tôi cùng với Hải Phượng thâu thanh một dĩa hát CD nhạc tài tử có tên là Việt Nam và đàn tranh…  Dĩa hát này sau khi phát hành nhận được 2 giải thưởng: Giải thưởng “Dĩa hát hay nhứt trong năm 1994” ở Đức và Giải hạng Nhất “Choc” của Tạp chí Thế giới âm nhạc ở Pháp...

Trong cuộc đời nghiên cứu và hoạt động âm nhạc, tôi được hưởng những niềm vui mà dầu có tiền nhiều đến đâu cũng không mua được. Giải thưởng này giúp tôi nhận rõ một điều là bước đường đem nhạc dân tộc ra nước ngoài của tôi càng ngày càng tiến xa hơn”.

Luận án tiến sĩ của ông là công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên về nền âm nhạc Việt Nam thống nhất được giới thiệu trên thế giới khi đất nước còn bị chia cắt. Ông đã tự hào đem đàn tranh và đàn cò Việt Nam giới thiệu tại Festival Âm nhạc thanh niên thế giới tại Budapest vào năm 1949 và giành được giải Nhì về biểu diễn nhạc cụ.

Kể từ đó, thế giới bắt đầu biết đến hình ảnh một “thầy đờn” Việt Nam độc đáo và hấp dẫn kỳ lạ. Sống nơi đất khách, GS Trần Văn Khê không bỏ lỡ một dịp nào để đem lời ca, tiếng nhạc Việt Nam đến khắp năm châu, nhằm quảng bá rộng rãi cho mọi người yêu nhạc. Gần nửa thế kỷ nghiên cứu, hoạt động và giảng dạy âm nhạc, GS Trần Văn Khê đã viết hàng trăm bài báo và tham luận về đề tài âm nhạc dân tộc Việt Nam, được dịch ra 14 thứ tiếng…

Với những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, GS Trần Văn Khê là người Việt Nam đầu tiên được ghi danh và tiểu sử vào cuốn Đại từ điển âm nhạc thế giới, được tặng nhiều giải thưởng lớn, danh giá: Giải thưởng Đặc biệt về âm nhạc của UNESCO, Giải thưởng lớn Hàn lâm Viện Đĩa hát Pháp, Giải thưởng Đại học Pháp, Giải thưởng Dân tộc nhạc học, Giải thưởng lớn về Âm nhạc UNESCO và Hội đồng Quốc tế Âm nhạc…

Có thể nói, GS Trần Văn Khê đã trở thành một “thư viện sống” về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Với sự tín nhiệm của UNESCO, ông đã có cơ hội góp sức vào việc thẩm định Hồ sơ Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ, Đờn ca tài tử Nam bộ… Ông đã chứng minh được những nét đặc sắc, độc nhất vô nhị của các loại hình nghệ thuật này để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

HẠNH PHÚC KHI ĐƯỢC SỐNG VÀ LÀM VIỆC TẠI QUÊ HƯƠNG

Sống ở nước ngoài đến hơn nửa đời người, chưa lúc nào GS Trần Văn Khê quên mình là một người Việt Nam. Chất giọng của ông vẫn mang những nét đặc trưng Nam bộ. Ông chỉ dùng tiếng nước ngoài khi nào buộc phải giao tiếp với người nước ngoài.

GS Trần Văn Khê hòa tấu cùng Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng.
GS Trần Văn Khê hòa tấu cùng Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng.

Gần 10 năm cuối đời, GS Trần Văn Khê đã chuyển về ở hẳn tại TP. Hồ Chí Minh, biến nhà ông tại địa chỉ 32, đường Huỳnh Đình Hai, phường 24, quận Bình Thạnh trở thành một điểm giao lưu văn hóa đặc sắc. Sau khi GS Trần Văn Khê qua đời, nơi đây được các học trò và thân hữu xây dựng thành Thư viện Trần Văn Khê, với hàng chục ngàn cuốn sách, báo, sổ ghi chép, băng từ ghi hình và tiếng, cùng nhiều kỷ vật ông mang về sau hơn nửa thế kỷ sống ở Pháp. GS Trần Văn Khê từng tâm sự, về nước, ông mới được sống cuộc đời của một người hạnh phúc. Không có hạnh phúc nào bằng được nói tiếng Việt, giảng dạy cho người Việt Nam. Không có cái ngon nào bằng được ăn món ăn Việt Nam và được nghe âm nhạc Việt Nam trên đất nước Việt Nam...

Sự ra đi của GS Trần Văn Khê vào ngày 24-6-2015 là một mất mát, một sự tiếc nuối lớn lao đối với nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đối với những người yêu thích và gắn bó với âm nhạc truyền thống, ông mãi mãi là bậc thầy, là người “truyền lửa” để tình yêu âm nhạc dân tộc luôn sống cùng thời gian.

LINH THỦY (tổng hợp)

.
.
.