Cần thay đổi thói quen đốt vàng mã vào dịp tết
Từ trước cho đến nay, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, một số gia đình vẫn có tập tục đốt vàng mã thể hiện sự tín ngưỡng. Theo các bậc cao niên, đốt vàng mã được xem là tập tục có từ xa xưa, truyền từ đời này sang đời khác, người dân chỉ biết cha ông trước đây đã từng làm thì nay làm theo, dù biết là việc làm này gây không ít lãng phí.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Tiền Giang Nguyễn Ngọc Minh (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh) cho biết, việc đốt vàng mã trong đám tang, đám giỗ, ngày tết, lễ cúng theo truyền thống là một trong những hành vi tín ngưỡng dân gian. Hầu hết việc làm này là do thế hệ sau bắt chước thế hệ trước và đến nay chưa có ai chứng minh tác dụng, hiệu quả của việc làm này với con người là như thế nào.
Nhưng ngược lại, tác hại của việc đốt vàng mã thì ai cũng biết, vừa lãng phí tiền của, vừa ô nhiễm môi trường, có thể gây ra những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng… Ngày nay, chúng ta đang xây dựng đời sống văn minh, do đó việc đốt vàng mã đang được xem là một trong những biến tướng của nét đẹp văn hóa tâm linh. Chỉ vì suy diễn tâm linh thiếu căn cứ mà việc đốt vàng mã của một số người dân ngày nay có nhiều biến tướng, gây lãng phí như mua nhà lầu, xe hơi, đồng hồ, quần áo… làm bằng giấy để đốt, rất phản cảm.
Việc đốt vàng mã không chỉ dừng lại ở những nơi thờ tự, mà nó hiện hữu ở nhiều gia đình; nơi nào phát sinh thờ cúng thì nơi đó sẽ có đốt vàng mã. Nhiều năm nay, Nhà nước đã có chủ trương không cho sản xuất và bán vàng mã vào dịp lễ tết, tuy nhiên vẫn chưa có chế tài xử phạt nên chưa đủ sức răn đe, tác động đến người dân trong việc sản xuất cũng như đốt vàng mã.
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, để hạn chế việc đốt vàng mã vào dịp Tết Nguyên đán cũng như cúng, giỗ, trước hết phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc đốt vàng mã, đây là việc làm không có ý nghĩa đối với đời sống tâm linh; đồng thời, tăng cường vận động người dân hạn chế đốt vàng mã ở nơi thờ tự và ở gia đình.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần có biện pháp kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng mã theo hướng thắt chặt các điều kiện kinh doanh; đánh thuế vào các mặt hàng, nguyên phụ liệu dùng để sản xuất vàng mã; kiểm tra, xử phạt các vi phạm hành chính liên quan đến đốt vàng mã… Có như vậy, người dân sẽ dần thay đổi thói quen đốt vàng mã đã và đang gây lãng phí, phản cảm, ô nhiễm môi trường… góp phần bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan trong đời sống hiện nay.
GIA TUỆ