Thứ Sáu, 28/01/2022, 09:10 (GMT+7)
.

Nhớ về tục tết xưa…

(ABO) Tết Nguyên Đán là những ngày đầu của một năm âm lịch, là khoảng thời gian mọi người tạm hoãn những công việc hằng ngày để nghỉ ngơi, thực hiện một số lễ tục thiêng liêng. Nhiều lễ tục được bày ra theo quan niệm dân gian giải thích hợp tình, hợp lý với cái tâm hướng thiện. Song do điều kiện kinh tế - xã hội chi phối có những lễ tục dần dần mất đi hoặc biến tướng theo hướng khác. Song, truyền thống gia đình Việt còn tồn tại thì cái hồn của nhiều lễ tục trong ngày Tết vẫn còn lưu giữ.

Ở vùng Tiền Giang, Tết bắt đầu bằng lễ cúng Tổ của những người làm nghề thủ công 20 tháng Chạp - ngày mà những người thợ mộc cúng Lỗ Ban tiên sư. Một số người tuy làm những nghề khác như dệt may, thợ hồ... nhưng cũng lấy ngày này làm ngày vía Tổ nghề của mình.

Dù trong năm việc làm ăn có thành bại thế nào nhưng khi cúng Tổ sư phải có cặp vịt. Dân gian quan niệm vịt là loài bơi lội, lúc nào thân thể cũng trong sạch. Dùng vịt cúng Tổ để ngầm nhắc nhở người thợ khi hành nghề “tâm” phải trong sạch. Việc cúng Tổ ngày nay vẫn còn duy trì và trở thành ngày Tất niên của những người thợ. Cúng xong, thầy thợ cùng nhau liên hoan, rồi ai nấy trở về nhà lo Tết.

Sau cúng Tổ 3 ngày thì làm lễ đưa ông Táo về trời. Táo quân là vị thần đại diện Thượng đế trong mỗi gia đình để theo dõi việc làm thiện ác của từng cá nhân. Mỗi năm, vợ chồng Táo quân đều phải về trời báo cáo. Thượng đế căn cứ vào đó mà ban phước, giáng họa. Ở miền Bắc, Táo quân đi bằng cá chép. Còn ở Nam bộ, Táo quân phải qua hai đoạn đường: Đường bộ thì cỡi ngựa, lên trời thì cỡi hạc nên phải đốt    nhiều vàng bạc để làm lộ phí, kèm theo đó là hai tờ giấy vẽ hai con hạc và hai con ngựa, tục gọi là giấy cò bay, ngựa chạy. 

Đến ngày 25, tháng Chạp, mọi gia đình lo tảo mộ. Dân gian quan niệm khi con cháu lo trang hoàng nhà cửa của mình thì cũng phải chăm sóc mộ phần cho người quá cố để cùng vui Tết. Nếu mộ đắp bằng đất thì dọn hết cỏ cây; nếu xây bằng gạch, đá thì sơn phết lại. Cũng có gia đình tảo mộ vào ngày Rằm hoặc các ngày 20, 21, 22, 24, tháng Chạp nhưng đa số đều tổ chức tảo mộ vào ngày 25, tháng Chạp. Khi công việc hoàn tất, mọi người trở về nhà bày vài mâm cỗ dâng cúng tổ tiên, do đó Lễ Tảo mộ còn gọi là cúng Chạp mã - theo nghĩa cúng tế vào tháng Chạp.

Các tục lệ trên vẫn còn duy trì nhưng đã đơn giản hóa lễ thức vì mọi người không có thời gian. Các thành viên trong gia đình có khi đến tận giờ giao thừa mới về đầy đủ. Ngày cuối cùng của năm, mọi người trong nhà lo tắm rửa để làm lễ rước ông bà. Tắm rửa cuối năm là một phong tục, với hàm ý gột rửa tất cả mọi xui xẻo còn bám dính trên người, để làm lễ đón ông bà về vui Tết với con cháu, chuẩn bị cho năm mới tốt đẹp hơn.

Xưa, tục rước ông bà rất cầu kỳ. Sau khi dọn mâm cỗ lên bàn thờ, chủ nhà phải khăn đóng, áo dài trang nghiêm, kính cẩn bưng khay lễ gồm trầu, rượu ra cổng để đón tổ tiên. Thêm hai đứa trẻ cầm hai cây mía, gọi là gậy ông bà. Cặp gậy được dựng hai bên bàn thờ. Gia chủ dâng hương, rót rượu mời tổ tiên chứng chiếu rằng ngày hôm sau là ngày Nguyên đán, mời ông bà vui vẻ với con cháu. Tàn một cây nhang, chủ nhà rót trà và đốt vàng mã...

“Cu kêu ba tiếng cu kêu
 Mong cho tới Tết dựng nêu ăn chè”

Cây nêu là biểu tượng báo tin con người tạm nghỉ công việc thường ngày để đón xuân, vui Tết. Người ta dựng giữa sân nhà một cây tre chừa một ít cành lá trên ngọn và treo bùa nêu. Bùa là tấm vĩ đan bằng 4 cọng nan dọc và 5 cọng nan ngang, thành con số 9 (tứ tung ngũ hoành) - là con số cực dương, tượng trưng cho sự thịnh vượng và hạnh phúc. Ở vùng Tiền Giang bên cạnh lá bùa nêu có in thêm hình vị thần hổ kèm với trầu cau treo lên ngọn cây nêu. Việc treo bùa nêu hiện nay vẫn còn tồn tại ở một số gia đình có người lớn tuổi. Song việc đốt pháo giao thừa đã bị cấm hẳn từ năm 1995 đến nay.

Ngày đầu năm mới mang tính thiêng liêng, người ta phải kiêng cử cho mọi việc tốt đẹp nên có tục cử sáu việc, gồm: Không quét nhà, không gây sự với mọi người, không được cầm dao, không làm rơi vỡ chén bát, không khóc lóc và không ngủ trưa (đồng nghĩa với lười biếng). Chuyện kiêng cử còn gắn với tục “xông nhà, xông đất” vào sáng mùng Một Tết, chọn giờ tốt, hướng tốt để xuất hành... Hiện nay, người ta đến chúc Tết bạn bè một cách tự nhiên, bởi có những người lo làm ăn buôn bán suốt năm, ngày Tết cũng không ngơi nghỉ nên chuyện “xông nhà, xông đất” đi vào dĩ vãng.

Tại sao có lệ cúng ngày mùng Ba Tết? Dân gian quan niệm rằng chiến tranh, dịch bệnh, chết người hàng loạt là do thần Hành binh - Hành khiến “thiếu quân”, nên hằng năm phải “bắt lính” thu quân. Vì thế dân gian bày tục cúng “hối lộ” các vị thần Hành binh - Hành khiến xin tha thứ. Lễ vật cúng là gạo muối, trầu cau, trà rượu và con gà luộc..., đặc biệt phải có giấy tiền vàng bạc và một bộ đồ thế. Lúc làm lễ cúng ra mắt thần Hành binh - Hành khiến ở trước sân thì trong nhà phải làm lễ cúng ra mắt tất cả các vị gia thần. Người làm ruộng thì cúng Chúa Xứ Thánh mẫu.

Người làm vườn cúng ra mắt Thổ thần. Những người làm thợ mộc, thợ hồ, thợ may... đều phải cúng ra mắt Tam vị Thánh tổ. Cúng xong, người ta dán hình thần hổ ngay cửa cái, ý muốn nhờ “ngài” phù hộ tất cả các thành viên trong gia đình, rồi lấy giấy đỏ cắt hình quả bầu đem dán lên tất cả vật dụng trong nhà như cột, vách, tủ, bồ chứa lúa... đến cây xoài, cây mận ở ngoài vườn, gọi chung là Tết nhà, Tết vườn.

Việc cúng kiếng Tổ tiên trong ngày Tết thể hiện hiếu đạo của cháu con, đồng thời có ý nghĩa cầu mong tổ tiên phù hộ con cháu được bình an, phát đạt. Sáng sớm ngày mùng Một, con cháu phải áo khăn tề chỉnh, dâng hương hoa, kẹo mứt cúng tổ tiên. Từ già đến trẻ đều phải lạy tất cả bàn thờ để “mừng tuổi ông bà”. Sau đó, con cháu theo thứ tự dâng trà chúc Tết người sống, nhà còn đủ ông bà, cha mẹ phải lạy đủ 2 lạy. Và họ cũng phải chúc mừng, bảo ban và tặng con cháu những bao “lì xì”.

Ngày nay, các nghi lễ cúng kiếng và chúc Tết mừng tuổi trong gia đình đã giảm nhiều chi tiết, có gia đình bỏ hẳn. Lại có gia đình vào ngày mùng Một cúng chay và cả nhà ăn chay để cầu mong cho làng xóm yên vui, nhà nhà hạnh phúc; số ít gia đình tổ chức mừng tuổi và cúng cơm trong ngày đầu năm. Các lệ khác chỉ dâng cúng trà nước, không câu nệ, không dùng đại lễ như xưa.

Bên cạnh đó, vài tục lệ biến dạng theo hướng khác. Nhiều người cứ “lì xì” cho trẻ con mà chẳng cần chúng có mừng tuổi hay không, làm mất đi ý nghĩa của việc chúc Tết. Một thói quen không tốt cũng khá phổ biến là một số gia đình vào ngày đầu năm ít quan tâm đến việc đốt nhang “mừng tuổi ông bà”, đồng thời khi đến chúc Tết thân tộc, bạn bè cũng ít chú ý đến những người đã khuất. Trong khi đó, việc “chén thù, chén tạc” trở nên thái quá. Chiếc áo dài truyền thống trong ngày đầu năm đi chúc Tết cũng ngày càng vắng bóng.

Gần đây có vài ý kiến cho rằng nên bỏ việc ăn Tết âm lịch. Thật ra ý kiến này không mới. Vào những năm 1936 - 1939, báo giới Sài Gòn cũng có hai phe tranh luận “nên bãi bỏ hay duy trì cái tục ăn Tết của người mình”. Nhưng tục lệ gắn liền với đời sống xã hội, với điều kiện kinh tế. Một khi yếu tố này thay đổi thì tự nhiên các lễ tục sẽ thay đổi theo. Vấn đề ở chỗ là làm sao giữ được “thuần phong, mỹ tục”, giữ được cái hồn người Việt.

NGUYỄN NGỌC PHAN

.
.
Hỗ trợ thiết kế hộp quà tặng doanh nghiệp in logo
.