Những dòng tâm tư trong mùa dịch
Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội và cả tâm tư, tình cảm của rất nhiều người. Đó cũng là mạch nguồn cảm xúc chân thực và vô cùng phong phú được thăng hoa, cất cánh, vỡ òa thành thơ. “Những ngày sống chậm” của tác giả Lê Quang Vui (hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang) với 58 bài thơ, ra đời ngay mùa dịch, với những thông điệp đầy yêu thương và sẻ chia, là tiếng lòng trong cơn đại dịch được thể hiện qua ngôn ngữ thi ca.
Những ngày giãn cách vừa qua có lẽ không chỉ đi vào lịch sử, mà nó còn được ghi đậm dấu ấn trong thơ ca, để mỗi chúng ta càng thêm quý trọng những khoảng lặng giữa vòng quay cuộc sống, của từng phút giây trôi qua và thêm yêu cuộc sống này. Những ngày giãn cách buộc chúng ta phải sống chậm lại, không gian cuộc sống bị thu hẹp, nhưng không gian tâm hồn lại được mở rộng ra mênh mông. Khi sống chậm lại, nhà thơ có thời gian suy ngẫm và khám phá nhiều điều thi vị - những điều mà đôi khi chúng ta đã bỏ qua giữa cuộc sống bộn bề.
“Mùa cách ly bè bạn rủ cô đơn
Tôi nán lại quán cà phê ngày cuối
Tháng tư nắng
Hạ về chơi quá vội
Mấy bài thơ viết dở xếp bên đời”
(Tâm tư mùa cách ly)
Vẫn Lê Quang Vui quen thuộc với giọng thơ trầm buồn, những tứ thơ dạt dào cảm xúc và ngồn ngộn hơi thở cuộc sống, tuy nhiên ở “Những ngày sống chậm”, hồn thơ của anh dường như chín hơn, đời hơn và những trăn trở, suy tư dường như cũng đậm màu hơn:
Ngày con virus trở mình
Tôi lặng lẽ về đây
Một góc vườn con không ra đường là yêu nước
Đếm lại hồn mình
Xếp thẳng ngay ngang dọc
Bè bạn
Tình đời...
Bụi bặm một thời trôi.
(Tâm cảm ngày buồn)
Cảm xúc chủ đạo trong “Những ngày sống chậm” đa phần là nỗi buồn. Có lẽ việc giãn cách xã hội phải hạn chế đi lại, hạn chế gặp gỡ đã tạo nên những cú sốc tới tâm lý của con người, nhất là “con người thơ” như Lê Quang Vui. Những nỗi buồn rất thật khi công trường phải dừng thi công (Lê Quang Vui là một kiến trúc sư), khi con gái của tác giả phải một mình trụ lại TP. Hồ Chí Minh trong những ngày dịch, khi có những người bạn bị F0, những người quen đã vĩnh viễn ra đi trong mùa dịch:
“Chiều mưa
Hồn bạn lên trời
Không nhang khói chẳng một lời biệt ly
Mùa
Chưa vàng lá trên cây
Đời chưa kịp
Phủi hai tay nghẹn lòng...”.
(Chưa xa)
Những câu thơ buồn nhưng không hề bi lụy, mà luôn tràn đầy lạc quan, hy vọng, như một nguồn năng lượng mới từ sự sẻ chia và yêu thương. Có lẽ phải trải qua một vài biến cố, lằn ranh đầy đe dọa của sự sống và cái chết, con người càng trân trọng hơn những ngày đang sống, yêu những vẻ đẹp bình dị mỗi ngày mà đôi khi ta không nhận thấy trong cuộc sống hối hả:
“Mùa dịch họa lan tràn
Căn phòng đủ trú thân...
Cánh cửa sổ
Cũng may...
Còn thân thương vài sợi nắng
Đậm cái vị đời
Đậm đắng
Đậm đà...
Thơm”
(Đậm)
Đâu đó trong “Những ngày sống chậm” người đọc bắt gặp những vần thơ ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của những người nơi tuyến đầu chống dịch đã không quản ngại khó khăn, vất vả với nắng mưa, đêm ngày. Hồn thơ của tác giả dường như không còn trong căn phòng nhỏ hẹp của những ngày giãn cách, mà đã mở rộng chan hòa với cuộc sống, không chỉ những cảm xúc riêng tư, mà chúng ta nhận thấy cả trách nhiệm công dân, tình yêu Tổ quốc trong những ngày tháng khó khăn này. Chính vì thế, những bài thơ trong tập thơ này gần như đã tiệm cận với cuộc sống cùng nhiều vấn đề mang tính thời sự. Dù vậy, thông qua sáng tạo nghệ thuật của người sáng tác, nhiều bài thơ trong tập thơ này tự nó đã có sức lay động trái tim và neo đậu trong tâm hồn người đọc.
“Qua thời Covid người ơi
Dòng thơ chảy giữa dòng đời song song
Trái tim ấm áp bên lòng
Còn thương, còn đợi tương phùng
Về đây...”.
(Cà phê cười)
Đọc “Những ngày sống chậm” của Lê Quang Vui để khám phá cung bậc cảm xúc đa chiều trong cơn đại dịch và để chúng ta biết trân trọng, yêu thương hơn, chia sẻ nhiều hơn và cùng thắp lên một niềm tin đi qua mùa dịch.
TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA