Chuyện mâm ngũ quả ngày tết ở Nam bộ
(ABO) Theo phong tục từ ngàn xưa của người Việt, vào những dịp lễ, đặc biệt là Tết Nguyên đán, mâm ngũ quả không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên, cầu mong gia đình trong năm mới luôn bình an, gặp được nhiều may mắn.
Ý NGHĨA MÂM NGŨ QUẢ
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, dù có bận rộn đến đâu, nhà nhà đều bày biện mâm ngũ quả để dâng cúng ông bà, tổ tiên. Dù dân miền Bắc, miền Trung, miền Nam có những lựa chọn khác nhau trong các loại quả để cúng, song mâm ngũ quả được đặt lên bàn thờ là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, bày tỏ lòng hiếu thảo, thành kính đối với các bậc tổ tiên và ước mong những điều may mắn, tốt lành trong năm mới. Mâm ngũ quả còn mang ý nghĩa tượng trưng cho thành quả lao động một năm qua của các con, cháu dâng lên bậc bề trên...
![]() |
Nét độc lạ của mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên vào ngày Tết. Ảnh: HỮU TÀI |
Chỉ với 5 loại quả, nhưng mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt ở 3 miền Bắc, Trung, Nam có những cách thể hiện khác nhau, mang ý nghĩa riêng. Đối với miền Nam, với lợi thế có nhiều loại quả quanh năm, nên Tết đến, đa số người dân Nam bộ thường chưng 5 loại trái cây: Mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và trái xoài.
Mỗi quả có ý nghĩa khác nhau: Quả mãng cầu thể hiện sự cầu mong, ước muốn; trái sung gắn với biểu tượng sung túc, sung mãn về sức khỏe, tiền tài; trái dừa có ý nghĩa là “vừa đủ”, không thiếu thốn; đu đủ mang đến sự đầy đủ, hưng thịnh; trái xoài được ví như “tiêu xài” không thiếu thốn. Các loại quả được xếp liền kề chất chồng lên nhau, thể hiện sự đoàn kết, sum vầy, hạnh phúc. Ngoài ra, còn có thêm cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu xin sự may mắn…
Ông Nguyễn Văn Nhớ, nghệ nhân chưng nghi có tiếng ở Tiền Giang cho biết, trong tâm thức người Việt, “ngũ” thể hiện ước muốn đạt được ngũ phúc lâm môn: Phú (giàu), quý (sang), thọ (sống lâu), khang (mạnh khỏe) và ninh (bình an). Người xưa có câu “Đông bình Tây quả”, ngụ ý nói trên bàn thờ gia tiên ngày lễ, tết phải có bình hoa đặt ở phía Đông, còn phía Tây phải có mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả phải chọn trái dáng to, trọng lượng nặng, da sáng bóng và đầy đặn; khi chưng thì phải vun đầy từ dưới lên tạo thành hình ngọn tháp, thể hiện sự hưng thịnh, phát đạt.
PHONG PHÚ, ĐA DẠNG
Cuộc sống ngày càng hiện đại, mâm ngũ quả cũng đã được thay đổi rất nhiều, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Từ nguyên tắc chung của mâm ngũ quả là về “Ngũ hành”, ngày nay, trong mỗi gia đình, mâm ngũ quả ngày Tết cũng có nhiều “biến thể”, cho thấy sự sáng tạo tùy thuộc hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình. Thêm vào đó, hoa quả ngày nay cũng phong phú, bên cạnh các loại quả mang tính đặc trưng, sáng tạo của vùng, miền, còn có nhiều loại quả nhập ngoại.
![]() |
Cũng chính vì vậy, mỗi năm Tết đến Xuân về, ta không khó bắt gặp những loại trái cây mang hình dáng độc lạ, đẹp mắt được bày biện trên khắp các gian hàng. Nhiều loại trái cây được nhà vườn tạo ra với nhiều khuôn hình độc lạ, thu hút mọi người. Những trái được chạm khắc nổi với những hình thù sắc nét nổi lên rất rõ ràng trên làn da xanh bóng vô cùng bắt mắt và độc lạ.
Những loại trái cây có hoa văn nổi không chỉ đẹp mà còn tươi lâu. Trên làn da xanh bóng được khắc họa tỉ mỉ những kiểu chữ thư pháp: Phúc, lộc, thọ, an khang, phú quý... Ngoài ra, nhiều loại trái cây được đóng khuôn theo nhiều hình thù khác nhau, như Thần Tài, Phước - Lộc - Thọ, hồ lô… nhằm tạo ra nhiều kiểu mới lạ để thu hút người mua.
Ngày nay, do có nhiều loại trái cây khá phong phú, màu sắc bắt mắt, nên việc lựa chọn cho mâm ngũ quả ngày Tết càng trở nên đa dạng hơn và được mở rộng nhiều hơn, không còn ngũ quả nữa, mà có thể lên thành lục, bát, thập… quả. Tuy số lượng trái cây trên mâm thay đổi, nhưng người dân vẫn gọi là “mâm ngũ quả” theo truyền thống từ xưa đến giờ.
Không những thế, với sự phát triển của thị trường hiện nay, dịch vụ làm mâm ngũ quả Tết do các nghệ nhân chưng nghi ngày xuất hiện càng nhiều. Anh Cao Hữu Tài, chủ Shop hoa tươi Long Phụng cho biết: “Ngày nay, có rất nhiều gia đình ưa chuộng kiểu chưng mang tính độc lạ nhiều hơn.
Mâm ngũ quả được chưng theo nhiều hình thức khác nhau, như chưng với nhiều loại trái cây xếp chồng lên nhau tạo thành một ngọn tháp, hay chưng theo kiểu tạo hình các con vật (rồng, phụng…). Một mâm ngũ quả được chưng theo hình tháp có giá dao động từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng, tùy theo ý muốn của gia chủ. Đối với kiểu chưng rồng, phụng thì có giá dao động khoảng 1 triệu đồng trở lên…”.
Cũng chính từ những xu hướng độc lạ, nhiều nghệ nhân chưng nghi đã phát triển kiểu chưng mâm ngũ quả truyền thống lên một tầm cao mới. Tuy có hiện đại, cao sang, nhưng các nghệ nhân vẫn luôn giữ được nét truyền thống của người xưa truyền lại, mang nét đặc trưng truyền thống theo vùng, miền. Chính vì thế, dù ở thành thị hay thôn quê, bên cạnh những đòn bánh tét, hoa mai vàng…, gia đình nào ở miền Nam cũng bày một mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên trong những ngày Tết. Đây là một nét văn hóa độc đáo của dân tộc ta.
AN AN