Tăng cường sức mạnh mềm để phát triển đất nước
Với phương châm “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến” bước sang năm 2022 Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có những quyết sách, ứng biến linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh, tạo đà để tăng cường sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh, góp phần phát triển đất nước. Trước thềm năm mới, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông xung quanh vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL- Tạ Quang Đông (Bộ VHTTDL cung cấp) |
Phóng viên (PV): Trước hết xin Thứ trưởng cho biết toàn cảnh bức tranh văn hóa, thể thao, du lịch năm 2021 so với năm 2020 và các năm trước đó?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Năm 2021, mọi mặt đời sống của người dân từ kinh tế, xã hội, sức khỏe thể chất và tinh thần đều bị tác động mạnh mẽ. Tuy nhiên với những kinh nghiệm và bài học có được từ năm 2020, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành quyết liệt, sâu sát của Chính phủ và sự đồng lòng của nhân dân, chúng ta đã và đang vượt qua nhiều thách thức, khó khăn lớn. Trong những nỗ lực đó, Ngành Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) một mặt tích cực trong việc khắc phục những tác động của đại dịch, mặt khác thường xuyên chủ động tìm kiếm những cách thức đổi mới để thích ứng với bối cảnh “bình thường mới”.
Nhìn lại năm 2021, chúng ta có thể thấy Ngành Văn hóa đã để lại nhiều dấu ấn mang tính bước ngoặt như Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức trực tuyến trên cả nước vào ngày 24/11; phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030; Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban Liên Chính phủ công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII sau nhiều lần trì hoãn cũng đã diễn ra thành công tại Huế vào tháng 11-2021.
Bên cạnh đó, nhiều nỗ lực đến từ khu vực ngoài nhà nước của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân các nghệ sỹ, người thực hành sáng tạo như Liên hoan sáng tạo và thiết kế Việt Nam 2021, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2021… cho thấy khả năng thích ứng và tính bền bỉ của lĩnh vực văn hóa và sáng tạo của Việt Nam bất kể khó khăn và thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh năm 2021 mọi lĩnh vực của Bộ VHTTDL đều bị ảnh hưởng nặng nề.... (Ảnh: TT) |
Ở lĩnh vực thể thao, toàn ngành tích cực triển khai cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030 gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới”. Tổ chức 09 hội thi thể thao, giải thi đấu thể thao quần chúng cấp quốc gia thu hút trên 5.976 cán bộ, vận động viên (VĐV) tham dự. Thể thao Việt Nam đã thi đấu nỗ lực và đạt được một số kết quả tiêu biểu: Đội tuyển bóng đá nam quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền thi đấu vòng loại thứ 3 FiFa WorldCup 2022 khu vực châu Á; đội tuyển futsal Nam lọt vào vòng 1/8 bóng đá futsal thế giới 2021; Vận động viên Lê Văn Công xuất sắc giành Huy chương Bạc môn cử tạ hạng 49 kg tại Paralympic Tokyo 2020.
Du lịch là ngành kinh tế chịu ảnh hưởng trầm trọng trực tiếp từ các đợt tấn công liên tục của dịch. Lượng khách quốc tế và nội địa đều giảm mạnh khiến ngành này thiệt hại lớn về doanh thu. Tháng 11/2021, lượng khách nội địa giảm 61,53% cùng kỳ năm 2019 và 60,32% cùng kỳ năm 2020. Doanh thu du lịch nội địa giảm 77,5% so với năm 2020, nhiều doanh nghiệp phá sản, lao động trong ngành du lịch mất việc làm. Tháng 11/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được ban hành đã phần nào tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành Du lịch Việt Nam: Số lượng du khác nội địa tăng, Việt Nam thí điểm đón khách du lịch quốc tế sau hơn 18 tháng đóng cửa. Bên cạnh đó những hỗ trợ của Chính phủ và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với người lao động và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch cũng đã mang lại những hiệu quả nhất định.
PV: Là năm thứ 2 liên tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành VHTTDL đã có những “đề kháng” như thế nào để vượt qua những khó khăn hoàn thành mục tiêu đề ra?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Ngành VHTTDL trong năm 2021 đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trực tiếp và toàn diện hơn so với các ngành khác. Tuy nhiên, đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành, nghệ sĩ, người thực hành văn hóa sáng tạo trên cả nước thấm nhuần vai trò to lớn của văn hóa và nghệ thuật là nền tảng tinh thần của xã hội, có khả năng làm tăng sức bền và sức chống chịu của cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội trước các khủng hoảng và khó khăn, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch nên toàn ngành đã đoàn kết và nỗ lực khắc phục, thể hiện qua sự chủ động đổi mới sáng tạo về phương thức quản lý ngành, áp dụng nhiều thành tựu của khoa học kỹ thuật và công nghệ số trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ của ngành, thúc đẩy các mô hình hợp tác công - tư nhằm huy động được nhiều hơn và hiệu quả hơn các nguồn lực trong xã hội để tiếp tục các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
PV: Do tình hình dịch kéo dài suốt từ cuối tháng 4-2021 tới nay nên các lĩnh vực, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn hầu như bị đóng băng hoàn toàn, đời sống của hàng chục ngàn nghệ sĩ hết sức khó khăn. Trước thực trạng này, với tư cách là cơ quan quản lý về văn hóa, Bộ đã có những hoạt động cụ thể gì nhằm hỗ trợ và động viên các nghệ sĩ cũng như là các đơn vị nghệ thuật vượt qua giai đoạn khó khăn này để tiếp tục “truyền lửa” giữ niềm đam mê của mình?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn với đặc thù hoạt động tập trung đông người. Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, chúng ta phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Do đó, các hoạt động nghệ thuật cũng phải tạm thời dừng lại, nhiều đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ không thể tiếp tục dàn dựng, tập luyện và biểu diễn phục vụ nhân dân. Nhiều khoản thu nhập từ nguồn thu hoạt động biểu diễn đã không còn hoặc bị cắt giảm khiến cho phần lớn lực lượng nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là các nghệ sĩ trẻ.
Đứng trước tình hình trên, Bộ VHTTDL đã báo cáo đề xuất với Đảng và Nhà nước để có chính sách hỗ trợ kịp thời cho đối tượng là nghệ sĩ, diễn viên đang hưởng lương viên chức nghệ thuật bậc IV. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01-7-2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07-7-2021 quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có chính sách hỗ trợ đối với nghệ sĩ, diễn viên. Đây là một chính sách ưu việt của Nhà nước nhằm kịp thời động viên, khích lệ tinh thần đối với lực lượng nghệ sĩ, diễn viên để lực lượng này cố gắng vượt qua khó khăn, tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật.
Bên cạnh đó, với tinh thần “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, Bộ VHTTDL đã yêu cầu tất cả các đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ, diễn viên toàn ngành không ngừng nỗ lực, phấn đấu, sáng tạo, lao động nghệ thuật và thích ứng an toàn với công tác phòng, chống dịch bệnh để bên cạnh nhiệm vụ phòng chống dịch, các đơn vị phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bộ VHTTDL không hỗ trợ một cách đơn thuần mà thông qua việc giao nhiệm vụ, động viên, khích lệ để từ đó, các đơn vị, nghệ sĩ diễn viên có động lực phấn đấu, phát huy khả năng sáng tạo, cống hiến và từ đó có thêm các nguồn thu nhập để tiếp tục phục vụ hoạt động sáng tạo và phục vụ nhu cầu của cuộc sống.
Nhiều chương trình nghệ thuật đã được dàn dựng, biểu diễn phục vụ nhân dân trong những thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất như chuỗi chương trình “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”, nhà hát truyền hình, các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, của Ngành, địa phương… các chương trình trên đã tạo ra một cách làm mới có sức lan tỏa trong cả nước, góp phần truyền tải thông điệp có ý nghĩa của ngành văn hóa đến với lực lượng tuyến đầu chống dịch và nhân dân cả nước, làm lay động mọi trái tim, mang đến một cảm xúc mãnh liệt, đó là sự xúc động, tinh thần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để cùng nhân dân cả nước chung tay chiến thắng đại dịch.
PV: Trong năm qua vấn đề nổi cộm được độc giả quan tâm nhất cũng chính là vấn đề nghệ sĩ làm từ thiện, hiện Bộ đã ban hành Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là bộ quy tắc quy định vẫn chung chung, chưa thật sự có “sức nặng”, đủ sức răn đe để đẩy lùi những việc làm và hoạt động phản cảm của bộ phận văn nghệ sĩ, đồng chí có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Bộ VHTTDL xây dựng, ban hành Quy tắc ứng xử của người tham gia hoạt động nghệ thuật là một bước để triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội Nghị Văn hóa toàn quốc. Quy tắc ứng xử cũng đưa ra các nguyên tắc cơ bản trong văn hóa ứng xử để các cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật tích cực phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật, đồng thời lan tỏa những giá trị, nét đẹp trong văn hóa ứng xử của Việt Nam đến với cộng đồng và thông qua đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Quy tắc ứng xử hướng tới điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản của người hoạt động nghệ thuật trong hoạt động nghề nghiệp, đối với đồng nghiệp, công chúng khán giả, hoạt động báo chí, truyền thông, mạng xã hội và các hoạt động cộng đồng khác. Hoạt động xã hội, từ thiện của người tham gia hoạt động nghệ thuật cần công khai, minh bạch… cũng là một trong những nội dung được đề cập trong Quy tắc này. Việc các nghệ sĩ bằng uy tín cá nhân thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện là rất cần được khuyến khích, đó cũng là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong bao đời nay và đã được đúc kết thành các câu tục ngữ như “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” hay “Thương người như thể thương thân”… Bộ VHTTDL luôn khích lệ, nhân rộng, phát huy những việc làm tốt, có ý nghĩa, trên cơ sở xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp để các tổ chức, cá nhân có nhiều điều kiện thuận lợi hơn thực hiện các việc làm có ý nghĩa cho xã hội và người dân.
Quy tắc không phải là văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, có tác dụng giáo dục, nâng cao nhận thức và từ đó, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật có trách nhiệm lan tỏa các giá trị trong văn hóa ứng xử và thực hiện các việc làm tốt, các hành vi ứng xử chuẩn mực. Còn nếu người hoạt động nghệ thuật có các việc làm không tốt, các hành vi lệch chuẩn sẽ bị cộng đồng, xã hội phê phán, lên án, qua đó giúp cho người tham gia hoạt động nghệ thuật nhận thức được việc làm chưa đúng để điều chỉnh hành vi cho phù hợp với các giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức xã hội.
Bộ VHTTDL đã và đang thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để người tham gia hoạt động nghệ thuật nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm với vai trò là người của công chúng để nội dung Quy tắc phát huy hiệu quả hơn nữa. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị quản lý người hoạt động nghệ thuật xây dựng, ban hành các nội quy, quy chế quy định quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, hội viên trong đơn vị, tổ chức của mình và có các hình thức khen thưởng, kỷ luật theo đúng quy định của pháp luật.
PV: Để bức tranh văn hóa 2022 thật sự khởi sắc, với toàn những gam màu sáng, những thành tựu đáng ghi nhận, Bộ VHTTDL đã có những kế hoạch cụ thể cũng như những chiến lược phát triển lâu dài như thế nào để thích ứng với tình hình dịch COVID-19 hiện nay?
...Nhất là lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (Ảnh: TT) |
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Năm 2022, tình hình dịch COVID-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn với các biến chủng mới… nhưng với tỷ lệ che phủ vaccine COVID-19 cao, cùng với các chính sách kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kinh tế-xã hội Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ, trong đó có VHTTDL.
Để tạo ra được sức bật mới, năm 2022, toàn Ngành VHTTDL cần phát huy hơn nữa vai trò lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”. Quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Phương châm hành động Bộ đặt ra cho cả nhiệm kỳ là “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến” đã và đang được lan tỏa trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành. Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Bộ lựa chọn chủ đề công tác năm 2022 là năm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và đội ngũ cán bộ; trong đó cần tập trung vào xây dựng và hoàn thiện thế chế, luật hóa các lĩnh vực phụ trách; quy hoạch xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Bộ VHTTDL đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh văn hóa, thể thao và du lịch; tiếp tục duy trì, phát huy vai trò của mô hình “nhà hát online”, thúc đẩy xây dựng, phát triển mô hình “bảo tàng online”, phát triển du lịch thông minh; triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện…. Bên cạnh đó cũng cần tập trung tổ chức tốt các hoạt động thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, trong đó đặc biệt chú trọng tổ chức thành công SEA Games 31.
Về du lịch, chúng ta không thể chờ để đạt được “zero COVID” mà phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, đưa ra các loại hình du lịch, các sản phẩm du lịch mới để thích ứng với tình hình hiện nay theo nhóm nhỏ, gọn, đón khách quốc tế để đảm bảo an toàn, để ngành du lịch trở lại hoạt động bình thường, đáp ứng được sư mong đợi của nhân dân và cũng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế sau khi Quốc hội thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phục hồi sau COVID trong đó có lĩnh vực Du lịch.
Như vậy nhìn toàn diện, bước sang năm 2022, Bộ VHTTL, nói rộng ra là ngành VHTTDL cả nước phải tận dụng một cách đầy đủ nhất, sâu sắc nhất phương thức vận hành của cỗ xe tam mã là: Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Trong đó Văn hoá là trọng tâm, là trung tâm để thúc đẩy cho Du lịch và Thể thao phát triển trong thời gian tới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo dangcongsan.vn