Thứ Tư, 09/03/2022, 10:00 (GMT+7)
.

Ngã ba Chim Chim và khí phách của "đội quân tóc dài"

Cách ngã ba Trung Lương khoảng 10 km, theo Quốc lộ 1 đi các tỉnh miền Tây, đến ngã ba Chim Chim (còn gọi là ngã ba Đông Hòa), xã Đông Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, nhìn bên phía tay phải là Bia tưởng niệm đồng bào hy sinh trong cuộc đấu tranh chính trị tại ngã ba lịch sử này.

Bia được xây dựng trên phần đất thuộc ấp Hòa, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành với diện tích khoảng 500 m2, gồm bia tưởng niệm và phù điêu. Phần thân bia đứng thẳng, cao khoảng 10 m bằng chất liệu đá hoa cương; trên đỉnh có biểu tượng hình búa liềm cách điệu. Thân bia là khẩu súng và nắm tay cách điệu, biểu tượng cho đấu tranh chính trị. Phía trước bia ghi: Bia tưởng niệm đồng bào hy sinh trong cuộc đấu tranh chính trị tại ngã ba Chim Chim. Nơi đây, ngày 26-1-1961 diễn ra cuộc đấu tranh chính trị của lực lượng phụ nữ huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho.

Cuộc đấu tranh đòi ngụy quân không hành quân càn quét, không bắn pháo vào khu dân cư, không bắt lính, bồi thường cho những người chết vì đạn pháo. Cuộc đấu tranh bị địch đàn áp dã man, chúng xả đạn vào đoàn người tay không, nhiều người trúng đạn hy sinh và bị thương, nhưng đoàn người vẫn tiến lên! Trước sức mạnh chính nghĩa của nhân dân ta, địch chấp nhận yêu sách của cuộc đấu tranh.

Nay dựng bia này để tưởng nhớ đồng bào hy sinh trong cuộc đấu tranh năm xưa! Phía sau bia là dãy phù điêu, chất liệu bằng xi măng, được đỡ trên 7 trụ vuông, cao khoảng 1 m, miêu tả cảnh nhân dân nổi dậy kéo biểu tình án ngữ xe quân sự địch trên Quốc lộ 1 và bọn lính. Trên phù điêu có khắc các dòng chữ: “Bồi thường thiệt mạng chị Trọng”; “Chống càn quét, bắt, giết đồng bào”; “Chống bắt lính”.

Bia tưởng niệm đồng bào hy sinh trong cuộc đấu tranh chính trị tại ngã ba Chim Chim.
Bia tưởng niệm đồng bào hy sinh trong cuộc đấu tranh chính trị tại ngã ba Chim Chim.

Để tìm hiểu sự kiện đã nêu trên bia tưởng niệm, tôi tìm đọc các sách lịch sử của địa phương, nhất là Hồ sơ lý lịch Di tích ngã ba Chim Chim (đã được công nhận di tích cấp tỉnh) đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tiền Giang, nêu khá rõ: Tháng 1-1961, Đại hội đại biểu thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Mỹ Tho tại xã Bàn Long, huyện Châu Thành đã bầu ra Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Mỹ Tho, nhằm thực hiện chức năng của chính quyền cách mạng.

Mặt trận ra đời đã đáp ứng nguyện vọng cấp bách của quần chúng nhân dân, tạo khí thế cách mạng mới. Chào mừng sự ra đời của Mặt trận, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân ở tỉnh Mỹ Tho nói chung, huyện Châu Thành nói riêng diễn ra hết sức mạnh mẽ, tiêu biểu như: Để chuẩn bị cho cuộc mít tinh, biểu tình tại ngã ba Chim Chim, Huyện ủy Châu Thành chỉ đạo đồng chí Nguyễn Văn Ba (Ba Vũ), Thường vụ Huyện ủy tổ chức lực lượng của các xã Điềm Hy, Nhị Bình, Hữu Đạo, Bình Trưng, Bàn Long, Phú Phong, Kim Sơn, Vĩnh Kim, Đông Hòa, Dưỡng Điềm, Long Định, Tam Hiệp.

Ngày 21-1-1961, theo kế hoạch đã chuẩn bị trước, các đoàn lần lượt kéo lên Quốc lộ 4 (nay là Quốc lộ 1). Đoàn xã Bàn Long, Phú Phong do các chị Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Thị Chói căng biểu ngữ dẫn đầu đang đi trên Quốc lộ 4 từ cua quẹo Nhị Bình xuống ngã ba Chim Chim địch phát hiện. Từ chi khu Long Định, tên quận trưởng Ngộ cho xe V.100 lên án ngữ tại ngã ba Chim Chim và bắn thẳng vào chị Bảy, chị Chói. Hai chị hy sinh. Chị Nguyễn Thị Bé (đang mang thai) lao lên cầm biểu ngữ, bị địch bắn tiếp và cũng hy sinh. Địch đàn áp như “thêm dầu vào lửa”, cả đoàn hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo khủng bố”, “Đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược”, “Đả đảo chế độ độc tài Ngô Đình Diệm”, đòi bồi thường nhân mạng, tiếp tục giằng co quyết liệt.

Được tin địch đàn áp, Ban lãnh đạo đấu tranh của huyện chỉ đạo các xã lân cận vận động lực lượng đấu tranh, tố cáo hành động đàn áp của ngụy quân, ngụy quyền, tay sai đế quốc Mỹ. Đến 12 giờ trưa, lực lượng biểu tình đông nghẹt nên quận trưởng Ngộ lo sợ đã nhận tội, hứa giải quyết theo yêu cầu của đồng bào và trừng trị những tên lính giết người man rợ.

Trong quyển “Công tác binh vận ở Tiền Giang” giai đoạn 1954 - 1975 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang xuất bản năm 1998 viết: Cuộc biểu tình của 15.000 quần chúng ở ngã ba Chim Chim, xã Đông Hòa, huyện Châu Thành làm tắc giao thông trên lộ 4. Địch rất sợ cuộc biểu tình của quần chúng sẽ kéo vào thị xã Mỹ Tho, vì khoảng cách nơi đây đến thị xã không xa. Do đó địch đã dùng nhiều tên ác ôn đàn áp khủng bố, bắn chết 3 người và làm 13 người khác bị thương. Cuối cùng tên quận trưởng phải ra lệnh ngừng ngay cuộc đàn áp, chấp nhận yêu sách của nhân dân, bồi thường sinh mạng người chết và ra lệnh phạt bọn lính ở ngã ba Chim Chim để xoa dịu phong trào.

Sự hy sinh cao cả của các chị trong “đội quân tóc dài” trong cuộc đấu tranh chống địch đàn áp dã man tại ngã ba Chim Chim đã góp phần cùng cả nước làm nên chiến tích lẫy lừng đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

              NGUYỄN MẠNH THẮNG (tổng hợp)       

.
.
.