Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 theo quy mô cấp tỉnh
Du khách thập phương về dự Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng 2017. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN) |
“Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương” là chủ đề của các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022 vừa được Tỉnh ủy Phú Thọ chỉ đạo tổ chức nhân dịp kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng (10-3 âm lịch) năm nay được tổ chức quy mô cấp tỉnh với các hoạt động chính: lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ mồng 6-3 âm lịch và lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng mồng 10-3 âm lịch cùng lễ dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong”.
Do dịch Covid-19, phần hội không tổ chức hội thi bơi chải trên sông Lô như mọi năm mà chỉ tổ chức hội thi bơi chải trên Hồ công viên Văn Lang sáng mồng 9-3 âm lịch cùng chương trình nghệ thuật phục vụ Lễ hội Đền Hùng vào tối cùng ngày tại sân khấu ngoài trời của Hồ công viên Văn Lang.
Cùng thời gian, lễ dâng hương và rước kiệu của các đoàn trong tỉnh tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và hội thi gói nấu bánh chưng, bánh giày sẽ do các địa phương chủ động thực hiện, bảo đảm an toàn, thiết thực và phù hợp điều kiện, tình hình thực tế, có giới hạn về số lượng người tham gia nhằm bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích các gia đình có mâm cơm Giỗ Tổ trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung của dân tộc vào mồng 10-3 âm lịch.
Ngay sau lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh sẽ tổ chức lễ khởi công xây dựng Nhà Văn hóa nghệ thuật với vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng tại Quảng trường Hùng Vương, thành phố Việt Trì. Hoạt động tuyên truyền nêu cao được ý nghĩa, tầm quan trọng và những giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, thể hiện truyền thống uống nước, nhớ nguồn, lòng tôn kính, tri ân Tổ tiên và các thế hệ đi trước có công dựng nước và giữ nước đã hình thành trong tâm thức dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử, nâng cao lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng; khẳng định việc ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không những là di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam mà còn mang những giá trị nhân loại, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng và sự tôn trọng đa dạng văn hóa.
Đây cũng là dịp tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, chung tay đóng góp vào sự phát triển của đất nước và cộng đồng, quê hương, nhất là trong bối cảnh tình hình khó khăn do dịch Covid-19 hiện nay. Trong dịp này, các cơ quan báo chí, truyền thông cũng cần tăng cường giới thiệu về các hoạt động lễ hội, sản phẩm du lịch và những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong không gian vùng văn hóa Phú Thọ và các địa phương trong cả nước.
Theo nhandan.vn