.

Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ

Cập nhật: 18:30, 14/03/2022 (GMT+7)

 

a
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An nhấn nút phát động triển khai công tác năm 2022 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Sáng 14-3, tại Nam Đàn, Nghệ An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Nghệ An tổ chức lễ phát động Chủ đề công tác năm 2022 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An dự lễ phát động.

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kết luận tại Hội nghị văn hóa toàn quốc do Bộ Chính trị tổ chức nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với ngành, bởi lẽ muốn xây dựng, phát triển văn hóa, trước hết phải có những con người văn hóa, đồng thời, sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa.

Bước sang năm 2022, gắn với việc tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ở lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, toàn ngành cần nhận diện rõ những khó khăn, thách thức, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Trên tinh thần ấy, Bộ lựa chọn chủ đề công tác năm là "Năm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ", trong đó môi trường văn hóa là trọng tâm, là trung tâm để thúc đẩy cho Du lịch và Thể thao phát triển.

Xây dựng môi trường văn hóa phải tạo ra được sản phẩm là hoạt động văn hóa, thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa, ứng xử văn hóa, nếp sống văn hóa… cùng với xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới là nhiệm vụ quan trọng để góp phần xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Môi trường văn hóa là nơi các hệ giá trị-yếu tố cốt lõi của bản sắc dân tộc được hình thành, gìn giữ và phát huy; là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc, khơi nguồn cảm hứng, sáng tạo những giá trị mới, nơi tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần quan trọng tạo nên sức hấp dẫn-sức mạnh mềm quốc gia trên trường quốc tế. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân... Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân ái; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh".

Đồng tình với việc xác định chủ đề và nội dung: "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ", đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu các cấp, các ngành phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đồng bộ, phù hợp với phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt coi trọng xây dựng, phát triển gia đình thực sự, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách, nếp sống, lối sống cho mỗi người. Kế thừa giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau; gắn các hoạt động văn hóa, xây dựng môi trường an ninh, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, giữa các giai tầng xã hội. Đẩy mạnh các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa ", "uống nước nhớ nguồn", nhân đạo, từ thiện.

Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa thành hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch của các cấp, các ngành. Trước mắt, để tạo đột phá trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở ngành Văn hóa phải chủ động nghiên cứu, xây dựng mô hình mới về việc cưới, văn minh, tiết kiệm, kế thừa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa là của cả hệ thống chính trị với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân, đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tại cơ quan, đơn vị, gia đình. Bên cạnh đó, xác định cán bộ là cái gốc của mọi công việc, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, cần phải tập trung xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa ở cả trung ương và địa phương.

Lãnh đạo và quản lý văn hóa không chỉ đòi hỏi có phẩm chất chính trị, đạo đức, mà còn phải có trình độ chuyên môn, kiến thức sâu rộng, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa.

a
Đồng chí Võ Văn Thưởng cùng đoàn đại biểu dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Trước đó, đồng chí Võ Văn Thưởng cùng đoàn đại biểu đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.

Theo nhandan.vn

 

.
.
.