.

"Đánh thức" tiềm năng di tích lịch sử, văn hóa - Bài 1: Khai thác tiềm năng, lợi thế

Cập nhật: 10:11, 13/04/2022 (GMT+7)

Quá trình khai hoang mở đất, lịch sử và văn hóa đã để lại trên mảnh đất Tiền Giang một hệ thống di tích lịch sử, văn hóa và văn hóa phi vật thể khá đồ sộ và độc đáo, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa riêng của địa phương và phục vụ du lịch hoài niệm, du lịch tâm linh... Song, đến nay Tiền Giang vẫn chưa “đánh thức” tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có…

Các di tích lịch sử, văn hóa không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, mà còn được xem là “tài nguyên du lịch”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, đề án nhằm bảo tồn, khai thác các di tích lịch sử, văn hóa, từng bước phát huy hiệu quả.

Trên địa bàn Tiền Giang còn có nhiều di tích lịch sử cách mạng, không chỉ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, mà còn là điểm đến hấp dẫn của du khách.

BAN HÀNH NHIỀU CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Tiền Giang, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 22 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia (trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 160 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, là những di sản vô cùng quý báu.

Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.
Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và Chiến lược Phát triển du lịch, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 11 về phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (viết tắt Nghị quyết 11); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 118, ngày 5-5-2017 về việc thực hiện Nghị quyết 11 và các Quyết định 2010, ngày 25-7-2018 ban hành quy định phân công quản lý di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Quyết định 4581, ngày 25-12-2019 về sửa đổi một số điều của Quyết định 2010 về tiếp tục phân cấp 5 di tích cấp quốc gia cho địa phương quản lý; đồng thời quy hoạch ngành Du lịch vào Quy hoạch phát triển tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch Khu di tích quốc gia đặc biệt Rạch Gầm - Xoài Mút gắn với bảo tồn và phát triển du lịch…

Và, trong nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Tiền Giang các nhiệm kỳ đều đề cập đến công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và phát triển ngành Du lịch - là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Cụ thể hóa các văn bản nêu trên, các ngành, các cấp, địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc triển khai thực hiện, mang lại một số kết quả đáng ghi nhận.

NHỮNG ĐIỂM SÁNG

Tiền Giang vinh dự có 1 di tích quốc gia đặc biệt, đó là Di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, là tài sản quý mà không phải tỉnh nào cũng có. Di tích này gắn liền với một chiến công hiển hách của dân tộc ta vào nửa sau thế kỷ XVIII của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ và nhân dân Tiền Giang đã cùng quân Tây Sơn đánh đuổi quân Xiêm sang xâm lược nước ta.

" Có thể nói, với vị trí địa lý rất thuận lợi (cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long), kết hợp với tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng đã tạo điều kiện cho Tiền Giang phát triển du lịch rất sớm, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái. Tuy nhiên, đối với “tài nguyên lịch sử, văn hóa” thì vẫn chưa được khai thác xứng tầm…”  
PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT&DL VÕ PHẠM TÂN

Sau khi được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (năm 1992), tỉnh Tiền Giang đã đầu tư trên 12 tỷ đồng xây dựng quần thể Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút trên diện tích 10.637,7 m2, với các hạng mục chính gồm: Tượng đài chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, nhà trưng bày “Cuộc kháng chiến chống Xiêm” và nhà cổ Nam bộ, khánh thành nhân kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (ngày 20-1-2005). Vào các năm chẵn, lễ hội được tỉnh Tiền Giang tổ chức với quy mô lớn; các năm khác do huyện Châu Thành tổ chức lễ hội.

Trao đổi với chúng tôi, cán bộ quản lý Khu di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút Lê Thị Hà cho biết: Sở VH-TT&DL Tiền Giang thành lập Tổ Quản lý di tích Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút từ lúc khánh thành khu di tích. Các thành viên trong tổ luôn có ý thức gìn giữ, tôn tạo di tích, phục vụ khách tham quan ngày một tốt hơn.

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Nhà Đốc Phủ Hải (TX. Gò Công) được công nhận vào năm 1994.
Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Nhà Đốc Phủ Hải (TX. Gò Công) được công nhận vào năm 1994.

Khu di tích có lợi thế gần với Khu du lịch Thới Sơn (cù lao Thới Sơn), du khách rất muốn đến đây để tham quan và tìm hiểu sự kiện lịch sử quan trọng về trận Rạch Gầm - Xoài Mút chống quân Xiêm xâm lược nước ta. Trung bình mỗi năm khu di tích đón trên 120 đoàn khách, với khoảng 40.000 lượt du khách và nhiều đoàn học sinh, sinh viên trong, ngoài tỉnh chọn nơi đây để “về nguồn”, làm lễ kết nạp đoàn viên mới…

So với các huyện, thành, thị trong tỉnh thì TX. Gò Công là một trong những địa phương có số lượng di tích lịch sử, văn hóa nhiều, phong phú nhất và có nhiều di sản văn hóa vật thể vô cùng quý giá. Cụ thể, có 14 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 3 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh.

Những năm qua, TX. Gò Công đã được tỉnh đầu tư kinh phí trùng tu nhiều di tích như: Đền thờ Hoài Quốc Công Võ Tánh, với kinh phí gần 7 tỷ đồng; quy hoạch công trình mở rộng, sửa chữa Khu di tích Lăng Hoàng Gia (giai đoạn 1) với kinh phí 9,6 tỷ đồng, đang thi công; đã hoàn thành, đưa vào sử dụng Nhà lưu niệm Ông Đỗ Trình Thoại với kinh phí trên 5 tỷ đồng và Mộ Bà Trần Thị Sanh, kinh phí thực hiện trên 4 tỷ đồng; đang mở rộng quần thể Di tích lịch sử Chiến thắng Ao Vông (di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh); đã đưa vào hoạt động cầu bộ hành băng qua Ao Thiếc với kinh phí 4,1 tỷ đồng…

Theo UBND TX. Gò Công, hằng năm, trên địa bàn TX. Gò Công diễn ra nhiều lễ hội truyền thống: Lễ hội Anh hùng dân tộc Trương Định (đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2016), Lễ hội người Hoa cúng Quan Thánh Đế quân, Lễ hội Kỳ yên Đình Trung, Lễ cúng Ông Võ Tánh, Ông Phạm Đăng Hưng, Bà Trần Thị Sanh, Ông Đỗ Trình Thoại, Lễ tưởng niệm trận chống càn Ao Vông…, thu hút trên 30.000 lượt khách trong và ngoài địa phương đến tham quan, cúng viếng (riêng năm 2020 và 2021, do đại dịch Covid-19 nên chỉ có khoảng 12.000 đến 13.000 lượt khách/năm).

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Võ Phạm Tân cho biết: Tiền Giang có nhiều di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh, là lợi thế để phát triển du lịch. Tận dụng lợi thế này, thời gian qua, việc xây dựng các sản phẩm du lịch của tỉnh được thực hiện gắn phát huy văn hóa truyền thống, lợi thế tài nguyên du lịch và đặc biệt là từng bước kết nối các khu, điểm du lịch với các di tích lịch sử, văn hóa để hình thành các tour, tuyến du lịch phục vụ du khách gần xa.

Cụ thể, khu vực các huyện phía Tây: Tập trung gắn kết hoạt động du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Làng cổ Đông Hòa Hiệp. Huyện Tân Phước phát triển du lịch sinh thái tâm linh, chọn Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác và Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười là điểm nhấn. TP. Mỹ Tho: Phát triển du lịch và các dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trên cù lao Thới Sơn; phố đặc sản, đi bộ dọc sông Tiền; Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Rạch Gầm - Xoài Mút; Khu tưởng niệm Nhà văn Sơn Nam; chùa Vĩnh Tràng; Nhà Bạch Công tử; Rạp hát Thầy Năm Tú; Bảo tàng Tiền Giang; Làng hoa ở các xã... 

Khu vực các huyện phía Đông: Phát triển du lịch biển gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, đặc biệt là quần thể di tích Anh hùng dân tộc Trương Định, trong đó điểm nhấn là Lễ hội kỷ niệm Anh hùng dân tộc Trương Định; các làng nghề truyền thống; sự đa dạng và phong phú của ẩm thực vùng ven biển…

THU HOÀI
(Còn tiếp)

.
.
.