.

Diệp Minh Tuyền Nghệ sĩ đa tài của thành phố bên dòng sông Tiền

Cập nhật: 10:09, 29/04/2022 (GMT+7)

Tiền Giang vốn là vùng đất sinh ra nhiều nhân kiệt cho đất nước. Chỉ riêng trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, đã có những tên tuổi sáng rực qua nhiều thế hệ: Nhà văn Hồ Biểu Chánh, Soạn giả Trần Hữu Trang, Soạn giả Năm Châu - Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thành Châu, Nghệ sĩ Nhân dân Phùng Há, Nhà thơ Bảo Định Giang, Nhạc sĩ Hoàng Việt… Cố Nhạc sĩ - Nhà thơ Diệp Minh Tuyền cũng là một tài năng, đã có nhiều cống hiến cho nền văn học - nghệ thuật nước nhà.

Nhắc đến Diệp Minh Tuyền, công chúng không thể không nhắc đến những ca khúc một thời hào hùng của ông đã cổ vũ, động viên thanh niên hăng hái tòng quân chiến đấu, như: Bài ca tạm biệt, Bài ca người lính, Hát mãi khúc quân hành, Cánh hoa lưu ly…; hay những bản tình ca mà cho đến ngày nay vẫn còn âm vang, như: Tình biển, Không dám đâu, Tình cờ…

CHẢY TRONG TIM DÒNG MÁU CÁCH MẠNG

Nhà thơ - Nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền sinh ngày 18-8-1941 tại TP. Mỹ Tho, trong một gia đình trí thức yêu nước. Cha ông là thầy giáo Diệp Tư, từng là thủ lĩnh của Thanh niên Tiền phong Mỹ Tho trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Mẹ ông là cô giáo Ngô Thiều Quang - nhà giáo mực thước của ngành Giáo dục. Đã từng có một thời cả cha và mẹ Nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền cùng dạy học tại Trường Groupe scolaire de My Tho, nay là Trường Trung học cơ sở Xuân Diệu, phường 1, TP. Mỹ Tho.

Kể về người anh, ông Diệp Văn Sơn chia sẻ: “Năm lên 9 tuổi, anh Tuyền được mẹ đưa vào sống cùng cha tại chiến khu Đồng Tháp Mười. Tại đây, mỗi tối thứ Bảy, anh cùng các bạn Thiếu sinh quân hát vang những bài hát bừng bừng khí thế chiến đấu: Tiểu đoàn 307, Chiến sĩ Việt Nam... Lòng yêu nước, yêu âm nhạc đã hòa quyện trong tâm hồn và trở thành niềm vui sống trong anh từ thuở bé. Sau này, anh Tuyền được cùng các bạn nhỏ biểu diễn chung với Nghệ sĩ Quốc Hương, là thần tượng của anh..”.

Năng khiếu âm nhạc của Diệp Minh Tuyền phát lộ khá sớm, từ lúc là học sinh Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc, mặc dù chỉ 13 - 14 tuổi, ông đã sáng tác ca khúc đầu tay Em bé miền Nam, tiếp đó là Chiều Hạ Long, được thầy cô và bè bạn ngợi khen.

Cây đàn ghi-ta luôn là người bạn tri kỷ trong suốt hành trình của Diệp Minh Tuyền (ảnh do gia đình cố nhạc sĩ cung cấp).
Cây đàn ghi-ta luôn là người bạn tri kỷ trong suốt hành trình của Diệp Minh Tuyền (ảnh do gia đình cố nhạc sĩ cung cấp).

“Mặc dù đam mê âm nhạc và dự định thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam, nhưng nghe theo lời khuyên nhủ của cha, năm 1961 anh Tuyền theo học khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tại đây, được sự động viên của người bạn cũ là Ca Lê Hiến (tức Nhà thơ Lê Anh Xuân, bấy giờ theo học khoa Sử), anh Tuyền bắt đầu làm thơ. Ra trường, anh được phân công về Viện Văn học, làm việc ở Tổ Lý luận phê bình, nhiệm vụ chính là theo dõi mảng nghiên cứu phê bình thơ.

Những bài viết phê bình đầu tiên của anh được đánh giá cao nhưng vẫn không giữ anh ở lại đây lâu hơn. Nỗi nhớ quê hương, nhớ miền Nam vẫn còn trong vòng kìm kẹp của quân thù luôn đau đáu trong lòng anh, nên chỉ 3 năm công tác ở Viện Văn học, anh đã kiên quyết xin được trở vào Nam chiến đấu” - ông Diệp Văn Sơn kể lại.

Khoảng giữa năm 1967, Diệp Minh Tuyền vượt Trường Sơn và trở thành Nhà thơ - Nhạc sĩ, quyết tâm “chia lửa” với đồng bào quê hương. Hành trang vào Nam trên đôi vai gầy của người chiến sĩ này còn có cây đàn ghi-ta đã theo ông suốt chặng đường gian khổ, mang tiếng đàn lời ca đến từng binh trạm, chia sẻ niềm vui cùng các cán bộ, chiến sĩ nơi rừng sâu, núi thẳm.

Bài hát Người giao liên Trường Sơn (ký bút danh Thanh Tuyền) và nhiều bài thơ của ông được sáng tác trên đường hành quân được đón nhận nồng nhiệt, được phát sóng trên Đài Phát thanh Hà Nội. Về đến Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam, thủ trưởng đơn vị là Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - người mà Diệp Minh Tuyền hằng mến mộ. Ông được Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước gợi ý viết lời cho ca khúc Tình Bác sáng đời ta vào năm 1969.

NGƯỜI LÍNH LÀ CHỦ ĐỀ SÁNG TÁC

Có thể nói, điều thiêng liêng, cao cả nhất trong Diệp Minh Tuyền chính là quê hương, đất nước, là cuộc sống độc lập, tự do của nhân dân; và đây là chủ đề bất tận trong sáng tác của ông. Sống ở đây cực quá thành quen / Nguy hiểm lắm nên xem thường cái chết / Chỉ Độc lập - Tự do là trên hết / Miễn “Còn non, còn nước, còn người” (Mùa nước nổi).

Được sống giữa miền Nam, được gần gũi những nhạc sĩ đàn anh: Lưu Hữu Phước, Hồ Bông, Lư Nhất Vũ, Hoài Nam..., Diệp Minh Tuyền luôn nhận được sự động viên, khích lệ, đóng góp chân tình. Nhiều bài hát của Diệp Minh Tuyền ra đời trong thời điểm máu lửa, thể hiện cuộc chiến đấu gian khổ mà anh dũng của quân và dân miền Nam, được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Niềm đam mê sáng tác ở Diệp Minh Tuyền không chỉ dành cho âm nhạc. Ông còn sáng tác nhiều bài thơ in trong tập Mùa nước nổi (năm 1972), Đêm Châu Thổ (năm 1976).

Chiến thắng 30-4-1975 và công cuộc kiến thiết, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc càng thôi thúc cảm hứng sáng tác trong Diệp Minh Tuyền. Liên tiếp những tập thơ mới ra đời trong thời gian này, như: Ngây thơ (năm 1979), Con đường có lá me bay (năm 1987), Tình ca nơi cuối đất (năm 1991,) Hòa âm đỏ (năm 1996)… Diệp Minh Tuyền còn tham gia làm Báo Văn nghệ Giải phóng…

Có thể nói, Diệp Minh Tuyền đa tài: Làm thơ, viết báo, sáng tác nhạc, viết lý luận phê bình và làm công tác quản lý. Ở lĩnh vực nào ông cũng năng nổ, nhiệt tình, làm hết mình để tạo hiệu quả cao, gây ấn tượng sâu sắc. Mặc dù chưa một ngày trong quân ngũ, nhưng Diệp Minh tuyền đã sống mãnh liệt, như một người lính “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Trong 8 năm (từ năm 1968 đến 1975), Diệp Minh Tuyền gắn đời mình với cuộc chiến đấu của những người chiến sĩ, làm thơ, viết nhạc về họ. Nhiều bài thơ của ông đã được các nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó có những bài hát được phổ biến sâu rộng trong quần chúng, như: Màu cờ tôi yêu - Phạm Tuyên, Tình Bác sáng đời ta - Lưu Hữu Phước, Mùa chim én bay - Hoàng Hiệp...

Đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất, ông tập trung sáng tác nhiều ca khúc, thường viết về người chiến sĩ và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng oanh liệt của quân và dân ta, với những giai điệu khỏe khoắn, hào hùng và trữ tình, sâu lắng, được thể hiện qua các ca khúc hay của tác giả, như: Người giao liên Trường Sơn, Bài ca người lính, Tình biển, Thành phố bên sông Tiền...

Trong mạch sáng tác trên, Diệp Minh Tuyền cho ra đời nhạc phẩm: Hát mãi khúc quân hành. Có thể nói, đây là bài ca về người chiến sĩ Việt Nam hay nhất trong những năm cuối thế kỷ XX, đã đoạt giải Nhất trong Cuộc thi viết về đề tài các lực lượng vũ trang nhân dân năm 1984. Với giai điệu trẻ trung, trong sáng, phơi phới niềm tự hào, ca từ như một bài thơ ngắn, súc tích, dễ nhớ, dễ thuộc: “Đời mình là một khúc quân hành / Đời mình là bài ca chiến sĩ… Dù rằng đời ta thích hoa hồng / Kẻ thù buộc ta ôm cây súng…”.

Diệp Minh Tuyền từng giữ chức vụ Phó Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TP.  Hồ Chí Minh kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Sóng nhạc. Ông còn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.

Giữa lúc suy nghĩ đang chín muồi, tài năng đang nở rộ, Diệp Minh Tuyền đã vội ra đi ở tuổi 56, yên giấc thiên thu trên mảnh đất chôn nhao cắt rốn tại phường 8, TP. Mỹ Tho. Hiện nay, tên ông được TP. Mỹ Tho trang trọng đặt cho 1 con đường tại phường 8.

THỦY HÀ

.
.
.