.

Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7 không có giải Nhất

Cập nhật: 16:42, 24/05/2022 (GMT+7)

 

a
Thành viên Ban tổ chức, Ban giám khảo cùng các tác giả đoạt giải chụp hình lưu niệm tại buổi trao giải.

Sáng 24-5, Nhà xuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7.

So với những lần tổ chức trước, Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7 có số lượng dự thi nhiều nhất với 511 tác phẩm, tất cả thể hiện qua cuộc sống và góc nhìn hết sức phong phú của các tác giả đa số ở lứa tuổi 9X.

Bà Phan Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, cho biết: “Đây là một kỳ giải hết sức đặc biệt vì đã có 2 trong 3 năm tổ chức (2020, 2021) chúng ta phải trải qua đại dịch và Nhà xuất bản Trẻ cũng như tất cả mọi người đều ít nhiều bị ảnh hưởng. Chúng tôi thấu hiểu rằng quãng thời gian đó không phải là thời điểm lý tưởng nhất để sáng tác khi mà đại dịch đã thay đổi rất nhiều thứ… Nhưng cùng nhau, chúng ta đã đi đến đích để có mặt trong lễ tổng kết và trao giải hôm nay”.

Bà Phan Thị Thu Hà cho biết thêm, điều đáng quý là bên cạnh các tác giả đã có tác phẩm xuất bản từ trước, có những tác giả kiên trì theo con đường viết lách nghiêm túc. Trong giải thưởng lần này, có người tham gia cuộc thi lần 2, lần 3, bên cạnh đó có cả những cây bút mới mà bản thảo vào chung khảo cũng chính là cuốn sách đầu tay được in. Các tác giả tham gia Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7 đến từ mọi vùng miền của Tổ quốc, có những tác giả đang học tập và làm việc tại nước ngoài, nghề nghiệp đa dạng.

Kết quả, cuộc thi không có giải Nhất. Giải Nhì được trao cho 2 tác phẩm: Vụn ký ức ( Tác giả Yang Phan), Nửa lời chưa nói (tác giả Duy Ân). Giải Ba được trao cho 2 tác phẩm: Vệt sáng của bụi (tác giả Lê Quang Trạng), Chuồng cọp trên cao (tác giả Nguyễn Thu Hằng). Giải Tư thuộc về 3 tác phẩm: Có thú dữ trong thành phố (tác giả Nguyên Nguyên), Bảy bảy bốn chín (tác giả Hoàng Công Danh) và Chopin biến mất (tác giả Hiển Trang).

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Giá, thành viên Hội đồng chung khảo, các cây bút trẻ đã dừng lại, sống kỹ, đào sâu vào “vùng đất” của riêng mình, hiểu theo cả nghĩa địa lý và nghĩa tinh thần. Đây là một lựa chọn nhiều hứa hẹn. Ngay cả một số bạn trẻ đang sống, học tập và làm việc ở nước ngoài cũng chọn cho mình một chỗ đứng như vậy.

Về phong cách viết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Giá nhận định, trong số 12 tác phẩm vào chung khảo, có thể hình dung 2 kiểu dạng văn chương: Một kiểu dạng truyền thống Việt Nam và một kiểu dạng toàn cầu hóa. Kiểu dạng thứ nhất là kết quả của va đập, gắn bó mật thiết với đời sống muôn màu, muôn vẻ của chúng sinh ở cả vùng nông thôn lẫn đô thị, ở cả xứ ta lẫn xứ người (Lê Quang Trạng, Nguyễn Thu Hằng, Hoàng Công Danh, Đinh Thành Trung, Hoàng Khánh Duy, Phã Nguyện, Mai Thanh Nga…). Kiểu dạng văn chương thứ hai ở một số tác giả chủ yếu được cất lên từ văn hóa, từ học vấn, tri thức, từ nghề nghiệp chuyên môn (Duy Ân, Hiền Trang, Yang Phan, Nguyên Nguyên, Nguyễn Dương Quỳnh…). Các tác giả này thạo ngoại ngữ, có một số người đã từng tu nghiệp nhiều năm ở phương Tây, làm chủ một chuyên ngành khoa học nào đó. Họ đã chọn lối thay đổi tư duy nghệ thuật và khẳng định cá tính sáng tạo.

Theo nhandan.vn


 

.
.
.