Thứ Tư, 25/05/2022, 10:05 (GMT+7)
.

Kinh Bảo Định theo thư tịch cổ

Vừa qua, Báo Ấp Bắc đăng loạt bài ký sự “Xuôi dòng Bảo Định” rất có giá trị về mặt khoa học và thực tiễn. Để giúp cho độc giả có thêm thông tin về con kinh này, qua Báo Ấp Bắc, tôi xin chia sẻ vài tư liệu sau.

Kinh Bảo Định được đào đầu tiên ở Nam bộ. Trước khi có con kinh này, tại đây đã có rạch Vũng Cù ở phía đông - bắc, chảy từ sông Vàm Cỏ Tây đến quán Thị Cai (nay thuộc TP. Tân An, tỉnh Long An) và rạch Mỹ Tho ở phía nam, chảy từ chợ Lương Phú (nay thuộc xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) ra sông Tiền. Khoảng giữa bắc - nam, tức là từ quán Thị Cai đến chợ Lương Phú là ruộng vườn liên tiếp.

Cửa sông Bảo Định  đổ ra sông Vàm Cỏ Tây trên địa bàn TP. Tân An, tỉnh Long An ngày nay.
Cửa sông Bảo Định đổ ra sông Vàm Cỏ Tây trên địa bàn TP. Tân An, tỉnh Long An ngày nay.

Năm 1705, vâng lệnh Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, Chính thống Vân trường hầu Nguyễn Cửu Vân đem quân đánh dẹp quân Cao Miên ở khu vực này khi bọn chúng xâm phạm biên cảnh. Để đề phòng quân giặc tập kích, Nguyễn Cửu Vân cho đắp một phòng tuyến, kéo dài từ quán Thị Cai đến chợ Lương Phú. Bên ngoài phòng tuyến, ông cho đào một con mương hào nối liền rạch Vũng Cù và rạch Mỹ Tho.

Sau đó, nhân đường nước đã lưu thông, người ta đào sâu thêm thành đường kinh, ghe thuyền đi lại được. Lúc bấy giờ, để tiện cho việc nhắm hướng đào mở, người ta có dựng một cái thang cao, tục gọi là thang trông; và về sau trở thành địa danh chợ Thang Trông, ở xã Phú Kiết (nay gọi là chợ Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).

Về việc này, sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức và sách “Đại Nam nhất thống chí” của Sử quán triều Nguyễn cũng ghi tương tự: “Năm Ất Dậu (1705), đời Hiển tông, Chánh thống suất Nguyễn Cửu Vân đem quân đi đánh Cao Miên, cho đắp lũy dài từ quán Thị Cai đến chợ Lương Phú ở chỗ tận cùng hai đầu nguồn rạch Vũng Cù và Mỹ Tho, lấy nước làm hào vòng quanh lũy, để việc phòng thủ được vững vàng; sau đó, nhân đường nước lưu thông, đào sâu mãi xuống thành ra đường kinh thuận tiện cho thuyền bè”.

Do đoạn kinh tại Thang Trông có giáp nước, nên kinh thường bị bùn lầy làm nông cạn. Vì thế, năm 1819, vua Gia Long ra lệnh cho các viên quan đứng đầu thành Gia Định và trấn Định Tường huy động dân phu nạo vét và mở rộng kinh từ Thang Trông đến Húc Đồng (Hóc Đùn) - bến Mỹ Tho dài 40 dặm rưỡi (khoảng 14 km). Sự việc này được sách “Gia Định thành thông chí” viết như sau:

“... Đường sông từ đông đến tây xa cách, nên đến chỗ Vọng Thê (tục gọi là Thang Trông, là chỗ khi đầu dựng cái thang cao để đứng nhắm địa thế đào mở, nhân đó gọi thành địa danh) nước thủy triều giao hội làm chỗ giáp nước, thế nước lênh đênh, khi lên, khi xuống, chảy mạnh, lại nhiều chỗ quanh quẹo hẹp nhỏ, vậy nên bùn cỏ tích tụ, càng ngày càng bị cạn lấp, thuyền lớn đi đến đây phải đợi nước lên cho đầy thì mới đi được.

Năm Kỷ Mão niên hiệu Gia Long thứ 18 (1819), vua xuống chỉ dụ sai đo thẳng từ chỗ Thang Trông đến Húc Đồng (tức Hóc Đùn, nay thuộc xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), sai Trấn thủ Định Tường là Bửu thiện hầu Nguyễn Văn Phong đem dân phu trong trấn thay phiên đào mở”.
Bia Phụng khai tân cảng ký (còn gọi là Bia đào kinh Bảo Định) do vua Gia Long cho dựng năm 1819 tại Thang Trông, ghi: “Đường sông này vốn có nhiều khúc quanh co, nhiều chỗ sâu cạn, nên ghe thuyền các loại khó đi lại”.

Bia Phụng khai tân cảng ký hiện còn đặt bên bờ dòng Bảo Định hà, gần chợ Phú Kiết (xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).                                                                                                                                  ẢNH: V.T
Bia Phụng khai tân cảng ký hiện còn đặt bên bờ dòng Bảo Định hà, gần chợ Phú Kiết (xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). ẢNH: V.T

Sách “Đại Nam nhất thống chí” cho biết: “Về phía đông - nam, đường nước khá dài; cho nên khi chảy đến địa phận Vọng Thê (tức Thang Trông) thì hợp với nước thủy triều; đây là chỗ hai ngọn nước giao nhau nên gọi là Giao đầu thủy. Sở dĩ gọi là Vọng Thê là vì lúc mới bắt đầu đào sông, người ta phải trèo lên thang nhìn nhận những chỗ cần phải đo đạc kinh dinh, tục gọi là Thang Trông.

Tuy thế, sông này nhiều chỗ quanh co nhỏ hẹp, mỗi ngày một nông cạn dần, nên năm Gia Long thứ 18 (1819) sai Trấn thủ Định Tường là Nguyễn Văn Phong bắt hơn 9.000 dân phu đào từ Vọng Thê (tức Thang Trông) đến Húc Đồng (tức Hóc Đùn), cũng có chỗ đào kinh mới cho liên lạc với sông”.

Đây là công trình lớn, nên có đến 3 vị quan cao cấp của Gia Định thành và 2 vị quan đứng đầu của trấn Định Tường cùng tham gia chỉ huy, gồm:

- Gia Định thành Phó Tổng trấn - Thị trung Tả Thống chế Lý văn hầu Huỳnh Công Lý. Viên quan này có trách nhiệm chỉ huy toàn bộ công trình.

- Hiệp Tổng trấn, Lại bộ Thượng thư  An toàn hầu Trịnh Hoài Đức.

- Tổng đốc Chưởng tiền quân - Bình Tây tướng quân - Đức quận công Nguyễn Huỳnh Đức.

- Trấn thủ Định Tường - Bửu Thiện hầu Nguyễn Văn Phong. Vị này có nhiệm vụ chỉ huy dân phu tại công trình.

- Chưởng cơ Lãnh binh - Nhiệm tín hầu (chưa rõ họ, tên). Vị này có nhiệm vụ huy động dân phu.

Về số lượng dân phu, sách “Gia Định thành thông chí” cho biết, có 9.679 người; sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi có hơn 9.000 người; trong khi đó, Bia Phụng khai tân cảng ký ghi chỉ có 3.225 người. Thực ra, ghi chép của các tài liệu đó không mâu thuẫn nhau. Sách “Gia Định thành thông chí” cho biết: “... đem 9.679 dân phu chia làm 3 phiên, thay nhau đào mở”.

Như vậy, con số 3.225 dân phu được ghi trong Bia Phụng khai tân cảng ký là số lượng dân phu của một phiên trong ba phiên đào mở của toàn bộ 9.679 dân phu mà “Gia Định thành thông chí” đã ghi chép. Về việc trả công cho dân phu tại công trình, theo sách “Gia Định thành thông chí”, mỗi người được cấp tiền và gạo; Bia Phụng khai tân cảng ký cho biết cụ thể hơn: Mỗi người được chính quyền địa phương cấp cho 1 quan tiền, 1 phương gạo.

Công trình cải tạo kinh, theo ghi chép của “Gia Định thành thông chí”, được tiến hành trong khoảng 3 tháng, khởi công ngày 28 tháng Giêng năm Kỷ Mão (nhằm ngày 23-2-1819 dương lịch), kết thúc ngày 4 tháng 4 nhuận năm Kỷ Mão (nhằm ngày 28-5-1819 dương lịch); còn ghi chép của Bia Phụng khai tân cảng ký là ngày 10 tháng 4 nhuận năm Kỷ Mão (nhằm ngày 3-6-1819 âm lịch).

Sau khi công trình đã được hoàn thành mỹ mãn, vua Gia Long cho tạc sự kiện này vào bia đá dựng tại Thang Trông để “truyền mãi về sau”; và đặt tên cho kinh là Bảo Định. Lúc này, kinh có bề ngang 15 tầm (khoảng 32 m), sâu 9 thước (khoảng 4 m), hai bên bờ kinh có đường quan lộ được đắp bằng đất, rộng 6 tầm (khoảng 13 m). Khi ấy, Trịnh Hoài Đức có sáng tác bài thơ nói về tác dụng của kinh Bảo Định và cuộc sống sung túc của người dân ở dọc theo tuyến kinh này:

Tân kinh thần mục
Lạc nguyệt đề ô náo cửu cai,
Tân kinh mục tử (1) trục tương lai.
Địch xuy lô quản xâm yên tố,
Ngưu đạp vân căn (2)  nhập thủy ôi.
Thảo dụ bình điền hồ khả lạp,
Tang âm lục dã lộ kham môi.
Phong niên tiếu ngạo Hy Hoàng (3) thế,
Túy ngọa hoa tùng bất thoát soa.
Bản dịch thơ của Hoài Anh:
Sớm chăn trâu ở kinh mới
Trăng lặn quạ kêu rộn khoảng không,
Tân kinh mục tử ruổi trên đồng.
Sáo bằng ống sậy vút trời thẳm,
Trâu dẫm đá chìm tới khuỷu sông.
Cỏ tốt bãi bằng, săn cáo tiện,
Dâu xanh bóng mát họp cò đông.
Được mùa ngạo thuở Hy Hoàng nhé,
Để áo, nằm say cạnh khóm hồng.

Dưới thời Thiệu Trị (1841 - 1847), kinh Bảo Định được đổi tên là An Định, rồi Trí Tường.

Kinh Bảo Định ngoài việc nối với sông Vàm Cỏ Tây ở phía bắc và sông Mỹ Tho ở phía nam, còn thông lưu với 19 con rạch tự nhiên ở phía tây và phía đông, tạo nên một hệ thống kinh rạch tương đối dày đặc. Do đó, ngoài tác dụng về an ninh - quốc phòng, kinh Bảo Định còn có giá trị to lớn về khai hoang, thủy lợi và giao thông thủy đối với vùng đất mới phương Nam. Điều đó thể hiện tầm nhìn chiến lược của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu và vua Gia Long trong việc khai đào và mở rộng con kinh được xem là đầu tiên ở Nam bộ.

(1) Mục tử: Trẻ chăn trâu.
(2) Vân căn: Gốc rễ của mây, tức là đá. Thơ thời nhà Tống có câu: “Đồn yên nhiễu phong nguyệt, tích thủy nịch vân căn”, nghĩa là: Khói dồn lại làm rối loạn hang gió, nước tụ lại làm chìm đá núi.
(3) Hy Hoàng: Là hai vị vua Phục Hy và Hoàng Đế thời cổ đại ở Trung Quốc. Dưới thời hai vị vua này, xã hội ổn định, thạnh trị, ý chỉ sự thái bình.

 

SONG LAN

.
.
.