Thứ Ba, 14/06/2022, 20:30 (GMT+7)
.

"Em và Trịnh" - Một bản nhạc đẹp

Trong số phim Việt ra rạp hầu hết với các đề tài ăn khách như kinh dị, hài, tình cảm…, thì “Em và Trịnh” đang rất được khán giả chú ý, bởi không chỉ vì tên tuổi của nhạc sĩ nhân vật chính mà còn vì là một bộ phim nghệ thuật hiếm hoi giữa dòng chảy thương mại hiện nay.

a
Cảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly hát cho người dân nghe trong phim. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Trước hết, bộ phim do những người đã có chỗ đứng lâu nay trong thị trường phim Việt thực hiện đã gây sự chú ý của công chúng. Từ đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, các tác giả kịch bản Nguyễn Thái Hà, Bình Bồng Bột và đạo diễn, giám đốc hình ảnh Nguyễn Vinh Phúc, giám đốc âm nhạc Đức Trí…, cho đến những người góp tay vào những khung hình tuyệt đẹp, như giám đốc mỹ thuật Hà Đỗ, phục trang Thủy Design…

a
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (giữa) cùng nhóm bạn gồm nhà thơ Ngô Kha, nhà thơ Bửu Ý, họa sĩ Định Công và nhiếp ảnh gia Văn Đỗ.

Tham gia phim là dàn diễn viên còn rất trẻ, mang đến sự mới mẻ cho bộ phim. Đó là Avin Lu (Lương Anh Vũ) trong vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời trẻ, NSƯT, đạo diễn Trần Lực trong vai nhạc sĩ ở giai đoạn trung niên, Phạm Nguyễn Lan Thy trong vai Ngô Vũ Bích Diễm, Hoàng Hà trong vai Ngô Vũ Dao Ánh - em gái của Bích Diễm, Phạm Nhật Linh trong vai ca sĩ Thanh Thúy, Nakatani Akari - cô gái người Nhật Bản sinh sống và làm việc tại Việt Nam vào vai Michiko, nàng thơ của nhạc sĩ, và ca sĩ Bùi Lan Hương đảm nhiệm vai ca sĩ Khánh Ly - tình yêu trong âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…

Điều trước hết phải nói đến ở “Em và Trịnh” là những khung hình tuyệt đẹp. Cảnh vật ở Huế, Đà Lạt, Blao, Sài Gòn… thập niên 60-70 được tái hiện công phu, sử dụng tông màu pastel trầm hoài cổ, thi thoảng nổi bật lên những khung hình tươi tắn, rực rỡ mô tả tình cảm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và người đẹp Dao Ánh. Các chi tiết trong từng khung hình và đạo cụ được các nhà làm phim đầu tư khá kỹ, từ ly cà phê, chiếc đài, chiếc máy chữ, cho đến xe cộ, nhà cửa, đường phố và con người…

Mỗi khung hình đều làm “mãn nhãn” khán giả theo một cách riêng, từ “đường Phượng Bay” rực rỡ hoa phượng và những cơn mưa cánh hoa xuống nụ cười của Dao Ánh, ngôi nhà cổ của ông Đốc Khánh với cánh cổng gỗ cũ kỹ trầm mặc giữa những giàn hoa, bụi hoa muôn màu. Căn nhà nhỏ của nhạc sĩ trên cao nguyên Blao với tràn ngập màu xanh của núi rừng và sắc trắng mờ sương phủ, cho đến ngôi nhà giản dị đầy ắp dấu ấn nghệ sĩ, nơi ông gặp gỡ và có những cuộc chuyện trò về âm nhạc thâu đêm cùng cô gái Nhật Michiko là những bối cảnh gây ấn tượng đậm nét với khán giả. Rồi những khung hình mô tả sự đau thương, chết chóc của chiến tranh, cảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly hát cho sinh viên và người dân nghe, gần như khung hình nào cũng rất đẹp, mang tính thẩm mỹ cao.

Không chỉ có hình ảnh đẹp, cả bộ phim là một bữa tiệc âm nhạc. Những người yêu nhạc Trịnh gặp lại rất nhiều ca khúc ghi dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, từ “Ướt mi” cho đến “Hãy yêu nhau đi”, rồi những “Diễm xưa”, “Mưa hồng”, “Nắng thủy tinh”, “Đêm thấy ta là thác đổ”, “Ta đã thấy gì trong đêm nay”, “Người con gái Việt Nam da vàng”…

a
 Trịnh Công Sơn và Michiko.

Phim là dòng chảy của cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được kể lại qua cuộc trò chuyện của ông với Michiko, cô gái yêu mến âm nhạc của ông, đến gặp ông để tìm hiểu, nghiên cứu. Phần đầu của bộ phim là những bóng hồng đi qua cuộc đời ông, những tình yêu thoảng qua, những tình yêu sâu đậm song hành đã góp phần tạo nên những ca khúc thật đặc biệt trong sự nghiệp của nhạc sĩ. Phần còn lại là sự thay đổi của lịch sử, của thời cuộc và thái độ của ông đối với chiến tranh. Hai nội dung này không tách biệt mà đan xen, hòa quyện với nhau, giúp người xem hình dung ra Trịnh Công Sơn thời trai trẻ lãng mạn, và một Trịnh Công Sơn chín dần trong âm nhạc, trong quan niệm, cách nghĩ về thời cuộc như thế nào.

a
 Người đẹp Dao Ánh.

Phim được đầu tư công phu, chỉn chu, trau chuốt. Thông tin từ đoàn làm phim cho biết, để thực hiện được bộ phim, ê kíp đã mất 5 năm lên ý tưởng, 1 năm casting, 2 năm nghiên cứu, 1 năm hậu kỳ, 3.000 diễn viên quần chúng, 30 ca khúc được làm mới, 78 bối cảnh, 700 bộ phục trang cho các nhân vật trải dài suốt 3 thập niên… Ngoài ra, vì quá trình thực hiện phim diễn ra đúng thời điểm đại dịch, phần lớn thời gian các diễn viên phải tự tập đàn tập hát, trong số đó, nhiều người không phải là ca sĩ.

Tuy nhiên, có vẻ như vì mong muốn làm một bộ phim thật hoàn hảo, cho nên ê kíp làm phim đã bị ôm đồm. Mạch phim, theo như dụng ý của ê kíp là từ những hồi tưởng của nhạc sĩ qua câu chuyện với Michiko, nhưng trong mắt khán giả lại trở thành có phần hơi lộn xộn, có những đoạn đứt gãy, không rõ ràng. Sợi dây kể chuyện của nhạc sĩ và Michiko chưa làm tròn vai trò kết nối. Các câu chuyện đôi khi còn thiếu mạch lạc. Những mô tả về tình cảm của nhạc sĩ dành cho những người con gái đi qua đời ông chưa khéo, khiến nhiều đoạn khán giả cảm nhận rằng ông loay hoay giữa các mối quan hệ, chứ không phải là tìm cảm hứng từ họ để sáng tác.

Về mặt diễn xuất, Avin Lu không lột tả được thần thái của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, một người bên cạnh tài năng âm nhạc, sự lãng mạn, cô đơn, còn là một người vô cùng giàu trí tuệ, sâu sắc. NSND Trần Lực có rất nhiều nỗ lực, nhưng vóc dáng của anh khó có thể khiến người xem hình dung ra đây là một nhạc sĩ mảnh mai, nhẹ nhàng. Rồi tiếng Huế của các diễn viên, mặc dù đã rất cố gắng, có thể nhìn thấy rõ nỗ lực của Avin Lu khi thoại tiếng Huế, nhưng khán giả vẫn phải “cố gắng” hình dung. Ở ca khúc cuối phim khi nhạc sĩ giới thiệu ca sĩ Hồng Nhung, một giai đoạn mới trong các sáng tác của ông, giá như đó là giọng ca thật sự của Hồng Nhung vang lên thì kết sẽ đẹp hơn.

Một vài điểm sáng khác ở dàn diễn viên phụ. Các diễn viên vào vai Ngô Kha, Dao Ánh, Bích Diễm đã thể hiện từ tròn vai đến khá tốt. Vai Michiko đôi lúc hơi bị nhí nhảnh quá, nhưng cũng có thể thấy nỗ lực tuyệt vời của cô gái này trong cả việc thoại tiếng Việt đúng chất “người nước ngoài”, cũng như cách cô tự hát một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật trong phim. NSND Trọng Trinh tham gia một vai nhỏ (ông Đốc Khang, bố của hai chị em Bích Diễm, Dao Ánh), nhưng cũng để lại ấn tượng tốt…

“Cùng với “Em và Trịnh”, ê kíp còn cho ra đời “Trịnh Công Sơn”, phiên bản ngắn hơn. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ khi cả hai bộ phim cùng về một đề tài, cùng chung một nhà sản xuất được ra rạp cùng một lúc.

Mặc dù còn nhiều điều chưa hài lòng, nhưng rõ ràng “Em và Trịnh” vẫn là một điểm sáng về sự đầu tư công phu cho nghệ thuật, và được khán giả đón đợi. Các nhà làm phim hẳn sẽ mừng, bởi trong số khán giả ra rạp xem “Em và Trịnh”, thậm chí ở những khung giờ vắng nhất, có không ít bạn trẻ.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.