"Giữ lửa" phong trào Đờn ca tài tử
Đờn ca tài tử (ĐCTT) là loại hình nghệ thuật dân tộc đặc trưng của Nam bộ, được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại tỉnh Tiền Giang, phong trào ĐCTT bắt đầu sinh sôi vào những năm đầu của thế kỷ XX, đã sản sinh ra những danh cầm, những nghệ sĩ mà tiếng đờn, giọng ca của họ đã đi vào lòng giới mộ điệu. Dù chịu sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí khác, nhưng ĐCTT vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng người dân.
Các CLB, đội, nhóm ĐCTT đã hoạt động trở lại sau đại dịch Covid-19. |
Mới đây, dịch bệnh Covid-19 lắng dịu, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Liên hoan ĐCTT, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn của các tài tử đờn, tài tử ca, để truyền nguồn cảm hứng đối với thế hệ trẻ, qua đó góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT trong đời sống hiện đại.
ĐCTT ĂN SÂU VÀO TÂM THỨC NGƯỜI DÂN NAM BỘ
Lần theo tư liệu của các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ Nam bộ và những người yêu nghệ thuật ĐCTT cho thấy, ĐCTT Nam bộ bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở Nam bộ hình thành 2 nhóm nhạc tài tử, gồm nhóm của ông Trần Quan Quờn (Ký Quờn) ở miền Tây và nhóm của ông Trần Quang Đại (Ba Đợi) ở miền Đông.
2 nhóm này tranh đua nhau về nghệ thuật, ra sức cải tiến, sáng tác nhiều bài bản mới cho nhạc tài tử. Ông Ba Đợi có công nghiên cứu, cải biên các bài bản gốc của ca nhạc cung đình Huế, song vẫn tôn trọng lòng bản, để tạo một nhịp điệu hòa hợp với ngôn ngữ, phong cách của dân Nam bộ.
Nhạc tài tử có 20 bài bản tổ, chia ra làm 4 thể điệu: Bắc, Nam, Hạ, Oán. Trong đó, bao gồm 3 bài Nam: Nam xuân, nam ai, nam đảo (đảo ngũ cung); 6 bài Bắc: Lưu thủy, phú lục, bình bán chấn, xuân tình, tây thi, cổ bản; 4 bài Oán: Tứ đại oán, giang nam cửu khúc, phụng cầu, phụng cầu hoàng; 7 bài Lễ: Xàng xê, ngũ đối thượng, ngũ đối hạ, long đăng, long ngâm, tiểu khúc, vạn giá.
Với những hơi điệu này, chỉ cần thay mới là sát hợp trong mọi hoàn cảnh: Quan, hôn, tang, tế… nên rất đắc dụng. Chính vì lẽ đó mà ĐCTT Nam bộ đã tồn tại và phát triển hàng thế kỷ qua. Nhạc tài tử được phục vụ miễn phí ở các lễ hội, cúng đình, đám cưới, đám giỗ…, ai cũng có thể tham gia ca hát. Nhạc tài tử là tiền đề của sân khấu cải lương sau này.
Nhiều nhà nghiên cứu đã nhìn nhận, ĐCTT có sức lan tỏa, tác động mạnh tới công chúng vì nó tồn tại song song ở cả hai hình thức: Sinh hoạt thính phòng, mang hình thức truyền thống như khi mới ra đời và trình diễn trên các sân khấu. Dù xã hội hiện đại có nhiều loại hình giải trí đa dạng, nhiều màu sắc, nhưng bộ môn này vẫn có chỗ đứng trong lòng công chúng, nhất là giới mộ điệu.
Liên hoan ĐCTT tỉnh Tiền Giang năm 2022 nhằm tiếp tục tôn vinh, quảng bá loại hình nghệ thuật ĐCTT đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử đờn, tài tử ca thi thố tài năng, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao khả năng chuyên môn nhằm phát triển hơn nữa loại hình nghệ thuật ĐCTT tỉnh nhà...
PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT&DL TIỀN GIANG VÕ VĂN CHIẾN
|
Theo Báo cáo khoa học đề tài “Nghiên cứu một số loại hình văn hóa phi vật thể tại tỉnh Tiền Giang” do nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Tiền Giang Nguyễn Ngọc Minh làm Chủ nhiệm, tại tỉnh Tiền Giang, vào năm 1846, TS. Phan Hiển Đạo, Đốc học tỉnh Định Tường đem nhạc cung đình Huế về truyền bá cho các môn sinh ở vùng Rạch Gầm (Châu Thành, Tiền Giang): Các ông Lê Văn Huệ, Nguyễn Tri Túc, Nguyễn Tri Lạc, Trần Văn Chiều; các cô Tám Hảo, Ba Điều, Năm Thoàn…, đưa phong trào ĐCTT ở tỉnh Tiền Giang bắt đầu phát triển, đã xuất hiện những danh cầm, những diễn viên mà tiếng đờn, giọng ca của họ đã trở thành bất tử trong giới mộ điệu.
Do điều kiện phát triển của xã hội, ĐCTT hiện nay chủ yếu biểu diễn ở các nhà hàng, quán ăn, tụ điểm du lịch, đám tiệc… với những bài bản “tài tử pha cải lương”, nên người thưởng thức, nhất là giới trẻ đôi khi có cái nhìn sai lệch hoặc hiểu chưa đúng về nghệ thuật ĐCTT; thế nhưng, đối với những người đã đam mê bộ môn này thì sẽ thấy giá trị vốn độc đáo của di sản này.
Nghệ nhân đờn kìm Lê Phước Toàn (TX. Gò Công) chia sẻ: “Tôi mê bộ môn ĐCTT và đã theo học được 27 năm. Bộ môn này có nhiều nhạc cụ: Đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm… Mỗi loại tôi đều có học qua, nhưng tôi mê nhất là cây đờn kìm theo cách gọi của người miền Nam (người miền ngoài gọi cây đàn Nguyệt hay Nguyệt cầm), do đờn điệu Bắc thì khoan thai, điệu Nam và điệu Oán thì mùi mẫn, nỉ non, sâu lắng.
Nhờ diễn đạt được nhiều sắc thái tình cảm khác nhau nên cây đờn kìm là loại nhạc cụ khá quen thuộc trong dàn nhạc dân tộc cả 3 miền Bắc, Trung, Nam của nước ta, được nhiều người yêu thích. Ngày nay, có nhiều loại hình giải trí, nhưng tôi vẫn mê bộ môn ĐCTT.
ĐCTT như đã ăn sâu vào tâm thức người dân Nam bộ, trở thành bản sắc người dân Nam bộ nói riêng, của dân tộc ta nói chung, nên dù xã hội phát triển, nhưng đối với những người đam mê loại hình nghệ thuật này thì vẫn bền lòng với ĐCTT. Hiện tôi đang truyền dạy lại cho con mình bộ môn này để cháu biết cảm thụ cái hay, cái đẹp của dân tộc ta…”.
BẢO TỒN, PHÁT HUY NGHỆ THUẬT ĐCTT
Để bảo tồn và phát huy di sản ĐCTT, Sở VH-TT&DL Tiền Giang đã chủ trì xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 - 2015”, được UBND tỉnh phê duyệt; và Sở đã triển khai thực hiện từ năm 2013 đến nay. Theo đó, đã tổ chức nhiều hoạt động: Giao lưu ĐCTT hằng tháng tại Rạp hát Thầy Năm Tú (tọa lạc TP. Mỹ Tho); mở các lớp tập huấn ĐCTT nâng cao; tổng kết cuộc thi sáng tác lời mới bài bản tài tử và bài ca vọng cổ; liên hoan ĐCTT cấp tỉnh…
Từ khi có Đề án này, phong trào ĐCTT của tỉnh Tiền Giang không ngừng phát triển, số lượng các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm ĐCTT trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên, duy trì sinh hoạt đều đặn, góp phần giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật này. Đến nay, qua thống kê của Sở VH-TT&DL Tiền Giang, toàn tỉnh có trên 120 CLB, đội, nhóm ĐCTT, với trên 2.000 người tham gia hoạt động ĐCTT ở 172 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Các CLB, đội, nhóm ĐCTT đã hoạt động trở lại sau đại dịch Covid-19. |
Hơn 1 năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực, các CLB, đội, nhóm ĐCTT trong tỉnh buộc phải tạm dừng hoạt động. Sang đầu năm 2022, tình dịch dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thích ứng an toàn với dịch bệnh, các CLB, đội, nhóm ĐCTT bắt đầu hoạt động định kỳ trở lại.
Chị Ngô Thị Tuyết Hằng, phụ trách văn hóa - văn nghệ của Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TX. Gò Công chia sẻ: “Những ngày qua, khi ánh đèn sân khấu được sáng lên sau hơn 1 năm tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19, anh em làm nghệ thuật ai cũng vui mừng.
Tại TX. Gò Công, các CLB, đội, nhóm ĐCTT đã duy trì sinh hoạt định kỳ hằng tháng trở lại, tạo sân chơi lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương. Đặc biệt, mới đây, Trung tâm VHNT tỉnh Tiền Giang tổ chức Liên hoan ĐCTT, đã thu hút đông đảo các tài tử đờn, tài tử ca từ các CLB, đội, nhóm ĐCTT trên địa bàn tỉnh tham gia, góp phần sốc lại tinh thần cho những người yêu thích bộ môn ĐCTT”.
Giám đốc Trung tâm VHNT tỉnh Tiền Giang Lê Thanh Lan cho biết, Liên hoan ĐCTT tỉnh Tiền Giang là một trong những hoạt động tiêu biểu được Trung tâm VH-NT tỉnh Tiền Giang tổ chức định kỳ 2 năm/lần, nhằm mang nghệ thuật ĐCTT tiếp cận gần hơn với công chúng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, nuôi dưỡng tâm hồn của các tài tử đờn, tài tử ca, truyền nguồn cảm hứng đối với thế hệ trẻ; qua đó góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT trong đời sống hiện đại.
Liên hoan năm nay các huyện, thành, thị trong tỉnh cử 150 tài tử tham dự 57 tiết mục, đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng người mộ điệu. Nhiều đơn vị có các bài bản được cải biên, sáng tạo bổ sung, nhưng đều thể hiện được tính đặc trưng của ĐCTT Nam bộ…
GIA TUỆ