Thứ Sáu, 24/06/2022, 21:27 (GMT+7)
.

Những bức ảnh kể chuyện

 

a
Người xem triển lãm ảnh chiều 24-6. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Những em bé được sinh ra từ phòng mổ cấp cứu dành cho sản phụ Covid-19, những bác sĩ, chiến sĩ quân y bịn rịn chia tay người thân lên đường làm nhiệm vụ quốc tế, những chuyến xe chở hàng nằm chờ dọc cửa khẩu biên giới vì “tắc biên”…, đó chỉ là những góc nhỏ mà các thành viên Câu lạc bộ Phóng viên ảnh Hà Nội “kể” lại với người xem bằng hình ảnh, thông qua triển lãm “Dấu ấn 3”, vừa khai mạc chiều 24/6 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.

Triển lãm diễn ra nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2022), với 105 tác phẩm (74 ảnh đơn và 31 ảnh bộ), tuy chưa thể đủ nhưng cũng phần nào tạo nên bức tranh đa màu sắc về cuộc sống xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước trong hai năm qua.

Tham dự triển lãm có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, bà Trần Thị Thu Đông, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… cùng nhiều khách mời...

a
Quyết tâm và chiến thắng. Ảnh: TRẦN HẢI

Chiếc máy ảnh đối với các phóng viên ảnh, dường như đã thay cho cả ngôn từ, lời nói, cho nên họ không nói về những bức ảnh của mình, mà để chúng tự kể những câu chuyện.

a
Hơn 200 y bác sĩ của Quảng Ninh xét nghiệm Covid-19 cho công nhân của một nhà máy ở Bắc Giang ngay trong ngày đầu tới đây. Ảnh: HOÀNG ANH.

Dễ thấy, nổi bật nhất trong triển lãm là những tác phẩm/chùm tác phẩm về Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19. Rất nhiều ảnh thuộc đề tài này được lựa chọn đưa vào trưng bày. Từ cuộc bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại khu cách ly tập trung ở Bắc Ninh; tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi; xuyên đêm đưa 500 ca nhiễm Covid-19 vào bệnh viện dã chiến số 2 ở Bắc Giang. Rồi những ngày giãn cách lịch sử để phòng, chống dịch; hay vaccine Covid-19 được đưa về các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tiêm cho người dân… Từ câu chuyện bác sĩ Hoàng Văn Hải (Trưởng Trạm cấp cứu trung tâm 115) chuyển cụ bà F0 vào bệnh viện Thanh Nhàn bàn giao, xong lại quay về nhận một ca nhiễm khác, chỉ kịp ăn vội miếng cơm hộp vào đêm Giáng sinh; hay câu chuyện sự sống nảy mầm giữa khu điều trị sản phụ mắc Covid-19, nơi nhiều bệnh nhân diễn biến nặng nhưng đã được cấp cứu, điều trị thành công, bảo đảm an toàn cho cả mẹ và con sau khi sinh.

a
 Giải cứu thuyền viên mắc kẹt trên tàu Vietship 01. Ảnh: VIỆT LINH

Ở những mảng đề tài khác, có thể thấy sự hiện diện của nhóm phóng viên ảnh của Báo Nhân Dân với những bức ảnh về lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội lớn của đất nước. Tại triển lãm, người xem cũng được các phóng viên “kể” những câu chuyện khác nhau, như người dân lễ vọng đầu năm tại Văn Miếu (Hà Nội) khi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành; em bé lớp 1 học trực tuyến với cô giáo và các bạn “trên màn hình”; nữ viễn viên Minh Cúc làm mẹ đơn thân, chăm sóc cô con gái nhỏ bị bại não; những chiến binh nhặt rác thầm lặng ở Cù lao Chàm; hạn hán ở Hòa Bình; tuyết phủ trắng xóa ở Y Tý (Lào Cai) năm 2021; Đại nội kinh thành Huế ngập trong nước lũ tháng 10/2020; khoảnh khắc hai mẹ con học sinh Trường tiểu học Xuân Phương (Hà Nội) được trở về nhà sau thời gian cách ly; trạm ATM oxy tại Hà Nội; hay nhóm cứu hộ FAS Angel chuyên đi tuần, sơ cấp cứu cho người bị tai nạn giao thông ở Hà Nội…

a
 FAS Angel - Những "Thiên thần ban đêm" của người tai nạn giao thông. Ảnh: PHẠM KHÁNH HUY

Triển lãm cũng không thể thiếu những khoảnh khắc đáng nhớ của kỳ SEA Games 31 vừa qua, với những niềm vui, nụ cười chiến thắng, cú đánh đầu “để đời” của Nhâm Mạnh Dũng ở trận chung kết bóng đá nam SEA Games, Huỳnh Như ăn mừng bàn thắng trận chung kết bóng đá nữ, khoảnh khắc lá cờ Việt Nam được kéo trên đài chiến thắng…

Trung tá Đinh Trọng Hải, Trưởng Ban Ảnh của báo Quân đội Nhân dân, một trong những admin của Câu lạc bộ và cũng là một trong những người lựa chọn ảnh, xây dựng triển lãm cho biết: “Triển lãm là hoạt động chung của Câu lạc bộ phóng viên ảnh Hà Nội. Chúng tôi lựa chọn ảnh dựa trên tiêu chí đặc sắc, đa dạng và theo sở trường của từng thành viên trong câu lạc bộ và đặc thù tác nghiệp của từng báo. Từ đó chúng tôi đã chọn ra 4 chủ đề nổi bật xuyên suốt là kinh tế-xã hội, nội chính, SEA Games và chủ đề xuyên suốt trong 2 năm qua là Covid-19, cùng với một số ảnh đời thường. Tôi ấn tượng nhất với những bức ảnh về Việt Nam vượt qua đại dịch. Ở đó, có thể thấy được sự dấn thân của phóng viên, bất chấp nguy hiểm, lao vào tâm dịch để có những bức ảnh cho thấy cả nước đã chống dịch như thế nào”.

a
 Minh Cúc - nữ diễn viên, mẹ đơn thân chăm sóc con gái bị bệnh. Ảnh: VŨ TOÀN.

Phóng viên Nguyễn Tiến Anh Tuấn, một trong những thành viên của Câu lạc bộ chia sẻ về triển lãm: “Dấu ấn ở đây có thể là quá trình tác nghiệm, có thể là những tác phẩm gai góc, phản ánh những vấn đề xã hội nổi bật trong hai năm qua, cũng có thể là những tác phẩm của các anh em không phải phóng viên báo chí nhưng vẫn nắm bắt, ghi lại sự việc qua cái nhìn của mình. Điều quan trọng nhất ở đây là tinh thần của anh em. Dấu ấn còn là quá trình anh em phóng viên ảnh học tập chia sẻ lẫn nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển, không chỉ trong nghề nghiệp mà còn cả trong cuộc sống nói chung. Ngoài trưởng thành về nghề, chúng tôi còn tự hào vì là những nhà báo tử tế, hướng tới phụng sự người đọc”.

a
Sự sống nảy mầm giữa khu điều trị sản phụ mắc Covid-19. Ảnh: MẠNH QUÂN.

Nói về tác phẩm của các đồng nghiệp tại triển lãm, phóng viên Nguyễn Tiến Anh Tuấn nói: “Tôi thích những tác phẩm khó, khiến người phóng viên phải dấn thân, sáng tạo. Ở triển lãm này, tôi ấn tượng nhất với các tác phẩm được chụp trong thời gian đại dịch. Thí dụ bộ ảnh của phóng viên Mạnh Quân ở báo Dân trí mang tên “Sự sống nảy mầm giữa khu điều trị sản phụ mắc Covid-19”. Bộ ảnh có tính nhân văn rất cao. Phóng viên vào tận vùng lõi, nơi chuyên điều trị cho các sản phụ mắc Covid-19 nặng, tiếp cận trực tiếp với dịch bệnh. Tôi thích những bức ảnh nói về sự hy vọng, sự nảy sinh của những mầm sống mới, trong giai đoạn khó khăn khắc nghiệt của đại dịch”.

a
Ông Lê Quốc Minh nghe giới thiệu về các tác phẩm trưng bày trong triển lãm. Ảnh: THÀNH ĐẠT

Có mặt tại triển lãm, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ rằng mình rất thích ảnh báo chí. “Tôi rất thích xem ảnh, nhất là ảnh báo chí. Tôi tham gia một số chương trình, nhất là World Press Photo từ rất lâu. Gần đây khi World Press Photo đến Hà Nội, tôi cũng đã được tham dự. Tôi ước mong một ngày nào đó ảnh báo chí của Việt Nam cũng sẽ xuất hiện trong những triển lãm lớn như vậy. Khi xem qua những bức ảnh như thế này, tôi tin vào điều đó".

Ông Lê Quốc Minh chia sẻ, trong nhiều năm tham gia chấm giải Báo chí Quốc gia, trong khi những tác phẩm khác như báo in, báo hình, đặc biệt là báo điện tử ngày càng hiện đại, chất lượng cao, thì chất lượng ảnh báo chí chưa xứng tầm, khó tìm ảnh đoạt giải A. Đó là điều mà Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các thành viên Ban giám khảo trăn trở, và trong nhiều năm qua đã cố gắng có những giải pháp để khuyến khích anh em phóng viên nhiếp ảnh tham gia.

“Tôi rất ngạc nhiên vì năm qua có rất nhiều sự kiện, bản thân tôi cũng đã nhìn thấy rất nhiều ảnh đẹp trên báo chí, nhưng tại sao không tham dự, hay tham dự nhưng vì lý do nào đó không đoạt giải. Hôm nay, nhìn những bức hình ở đây với một góc nhìn của những người có quan tâm đến ảnh, tôi nghĩ có rất nhiều bức xứng đáng vào vòng chung khảo giải Báo chí Quốc gia”, ông Lê Quốc Minh nói.

Ông Lê Quốc Minh cũng bày tỏ ước mong một ngày nào đó ảnh của các phóng viên ảnh Việt Nam sẽ có mặt trong các triển lãm của World Press Photo: “Khi nhìn những bức ảnh ở đây, không có lý do gì trong một thời gian ngắn sắp tới, chúng ta sẽ được ngắm những bức ảnh Việt Nam trong các triển lãm ảnh báo chí danh giá của thế giới”.

Theo nhandan.vn


 

.
.
Máy ảnh Fujifilm GFX100S II Máy ảnh Fujifilm XT3
.