Về Gò Công Đông - ôn tích xưa và nghe "biển hát"
Gò Công Đông là huyện ven biển của tỉnh Tiền Giang. Phía Bắc của huyện Gò Công Đông giáp sông Vàm Cỏ, ngăn cách với huyện Cần Đước và huyện Cần Giuộc của tỉnh Long An; phía Nam giáp huyện Tân Phú Đông, phía Tây giáp huyện Gò Công Tây và TX. Gò Công của tỉnh Tiền Giang; phía Đông Bắc giáp sông Soài Rạp ngăn cách với huyện Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh, Đông và Đông Nam giáp biển. Bên cạnh thế mạnh về văn hóa, lịch sử, huyện Gò Công Đông còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái biển; trong đó, hằng năm, Khu du lịch biển Tân Thành đón tiếp đông đảo du khách đến tham quan.
Đặc biệt, cuộc đời chiến đấu của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định gắn liền với vùng đất Gò Công. Vì vậy, người dân nơi đây kính yêu và tôn thờ ông hơn nơi nào hết. Đặc biệt, tại huyện Gò Công Đông có Di tích lịch sử cấp Quốc gia là chuỗi địa điểm liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Trương Định, bao gồm: Đám lá tối trời (bản doanh của nghĩa quân), Di tích Ao Dinh (nơi Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định hy sinh), Đền thờ Trương Định (nơi người dân thờ ông).
ĐỀN THỜ TRƯƠNG ĐỊNH
Đền thờ Trương Định tọa lạc tại ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông. Đền thờ là nơi thờ cúng vị Anh hùng dân tộc Trương Định, người có công khai phá vùng đất Gò Công. Đây được xem là quê hương thứ hai (bên cạnh quê hương tỉnh Quảng Ngãi) của ông, nơi ông lớn lên lập nghiệp và kháng chiến chống ách xâm lược của thực dân Pháp.
Ảnh: NHẤT AN |
Để tưởng nhớ công đức của ông, nhân dân Gò Công thường gọi là “Trương Công Định” hoặc “Ông Trương”, có nơi ở Gò Công gọi là “Ông Lớn”. Di tích Đền thờ Trương Định ở xã Gia Thuận là di tích cấp Quốc gia cùng với Di tích Ao Dinh và Di tích Đám lá tối trời có tên chung là các địa điểm liên quan đến cuộc khởi nghĩa Trương Định, như: Đền thờ Trương Định, Đám lá tối trời, Ao Dinh. Hiện nay, không những ở TX. Gò Công, huyện Gò Công Đông, TP. Mỹ Tho mà ở thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và hầu hết các thành phố, thị xã khác trong cả nước đều có đường phố lớn và nhiều trường học cũng mang tên Trương Định.
CHUYỆN XƯA Ở “ĐÁM LÁ TỐI TRỜI”
Ở gần làng Gia Thuận, thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, hiện nay là khu dân cư đông đúc, nhưng 150 năm trước, đây là vùng hoang vu, cây cối um tùm với nhiều dã thú. Tại đây có một khu dừa nước rậm rạp. Vào bên trong khu này, dù là ngày nắng, người ta vẫn thấy tối nên người dân địa phương gọi là “Đám lá tối trời” và lâu ngày, tên này trở thành địa danh.
Tháng 2-1859, quân Pháp tiến công đại đồn Chí Hòa. Trương Định chống cự dưới ngọn cờ của Nguyễn Tri Phương. Đại đồn thất thủ, Trương Định rút quân về vùng Gò Công tiếp tục chiến đấu. Ông đã tổ chức nhiều cuộc phục kích tiêu hao lực lượng địch. Ông được triều đình Huế phong Phó Lãnh binh rồi Lãnh binh. Năm 1863, Pháp đánh chiếm Gò Công. Trước sức giặc mạnh bạo với vũ khí tối tân, lãnh tụ nghĩa quân Trương Định chọn “Đám lá tối trời” làm nơi ẩn binh. Trong đám thuộc hạ của Trương Định có Huỳnh Công Tấn, cha của Tấn cộng tác với Pháp, ra đầu hàng Pháp rồi dẫn binh vào “Đám lá tối trời” để bắt ông Trương Định. Ông bị thương nhưng nhất định không hàng giặc mà rút gươm tự sát (năm 1864).
Từ sau trận Trương Định tuẫn tiết, các nghĩa quân bị giặc Pháp tàn sát, “Đám lá tối trời” trở nên hoang vắng, thê lương. Nguyễn Liên Phong - tác giả cuốn Nam Kỳ phong tục nhân vật diễn ca (năm 1909) - từng ca tụng ông:
Tiếng đồn Đám lá tối trời
Có ông Trương Định trải phơi gan vàng
Hiền vi cơ chưởng nan minh
Lưỡi gươm đâm bụng liều mình như chơi
Nên hư số hệ ở trời
Khá đem thành bại luận người hùng anh.
AO DINH - NƠI TUẪN TIẾT NGƯỜI ANH HÙNG
Nằm trong chuỗi địa danh liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Trương Định, Di tích Ao Dinh, ở huyện Gò Công Đông đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia.
Theo truyền thuyết của địa phương kể lại rằng: Vào khoảng 3 giờ chiều ngày 18-7 (âm lịch) năm 1864, tướng Trương Công Định cảm thấy trong người bần thần bứt rứt khó chịu. Ông muốn đi Lý Nhơn, nên gọi hai hộ vệ bảo sửa soạn ghe thuyền đưa đi. Nhưng có người thuộc tướng tên gọi Xã Tài, năn nỉ cầm ông ở lại vì anh ta đang làm tiệc rượu sắp dọn ra. Vì thế, ông hoãn chuyến đi Lý Nhơn.
Vì không ngờ tiệc rượu của Xã Tài đã có ý lập mưu cùng Huỳnh Công Tấn hãm hại nên đêm ấy, sau buổi tiệc, Trương Công Định ngủ lại tại nhà Xã Tài cùng vài binh lính thân tín. Đến nửa đêm, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp đem binh lính đến bao vây. Ông phá vòng vây thoát ra ngoài nhưng bị Huỳnh Công Tấn bắn một phát quỵ xuống. Tấn khuyên Trương Công Định ra hàng. Ông tuốt gươm chỉ vào mặt Tấn mắng nhiếc rồi tự đâm vào bụng tự sát… Khi ấy, ông tròn 44 tuổi.
Trước sự hy sinh của người anh hùng lãnh đạo cuộc kháng chiến, dân chúng và nhất là giới sĩ phu hết lòng thương tiếc, trong số những bài thơ của tác giả vô danh ca ngợi Trương Công Định có những câu:
“Gò Công mấy trận thắng Gò Bầu;
Địa hiểm, Trương Công dụng võ mầu;
Quốc biến loạn thần cùng phản tặc;
Một trung, hai nịnh khó đương đầu”
(Một trung là Trương Công Định, hai nịnh là Huỳnh Công Tấn và Xã Tài, lập mưu giết chủ tướng).
Hiện nay, Di tích lịch sử Ao Dinh đã được xây dựng lại với khuôn viên bao quanh và có người trông coi, nhang khói.
VÙNG ĐẤT NHIỀU TIỀM NĂNG VỀ DU LỊCH
Từ thuở khai hoang, miền Tây Nam bộ đã gắn liền với hình ảnh miệt vườn sông nước, ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Nhưng ít ai biết rằng, vùng đất Chín Rồng còn có nhiều bãi biển nặng trĩu giọt phù sa. Và biển Tân Thành thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông là một trong số đó. So với những bãi biển nổi tiếng ở Mũi Né, Vũng Tàu hay Nha Trang thì Khu du lịch biển Tân Thành (thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) không phải là nơi tắm biển lý tưởng bởi bãi cát đen pha bùn đặc trưng. Nhưng ở đây, có nhiều điều thú vị để du khách tham quan và vui chơi. Có thể nói, Khu du lịch biển Tân Thành là một địa điểm du lịch Tiền Giang thích hợp cho du khách trong những chuyến đi khám phá ngắn ngày khi đến với vùng quê biển Gò Công Đông.
Người ta nói “quê hương” của con nghêu Gò Công nổi tiếng xưa nay là biển Tân Thành. Mùa gió nồm (gió Đông Nam, từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch) là mùa nghêu. Đây là lúc ruộng đồng Gò Công khô khốc, nước sông còn mặn chát, nhưng lại là lúc biển Tân Thành tràn ngập những nghêu là nghêu. Nhưng phải đợi tới tháng 7 âm lịch, khi con nghêu đã lớn, mới là lúc làm chúng thành các món ngon. Riêng với tín đồ ăn uống, nhất là những ai mê hải sản, ốc, sò, nghêu các thể loại thì cần bỏ chút thời gian tìm hiểu mùa hải sản để thỏa sức thưởng thức các món đặc sản tại biển Tân Thành.
Cùng với Khu du lịch biển Tân Thành, thời gian gần đây, đê biển Gò Công (đoạn từ xã Tân Thành đến xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông) được đầu tư nâng cấp đã trở thành điểm đến lý tưởng của các bạn trẻ thích trải nghiệm, khám phá. Đặc biệt, sau đại dịch, một số điểm kinh doanh ăn uống dọc theo tuyến đê biển này được mở ra phục vụ du khách.
Từ xưa, biển Tân Thành đã đi vào ca dao:
Biển Tân Thành lắm cua, nhiều ốc,
Xứ Rạch Gốc nổi tiếng cá kèo
Em về xứ ấy cho đỡ nghèo
Anh chồng em vợ, sắm ghe chèo, ta bắt cua.
Nhờ lợi thế ven biển, huyện Gò Công Đông có hơn 18 km bờ biển với nhiều chủng loài thủy hải sản, gió biển trong lành. Gắn với biển Tân Thành là rừng ngập mặn, nguyên sinh, nối với cồn Ngang, Lũy pháo đài (huyện Tân Phú Đông)… có thể kết nối du lịch sinh thái vườn và biển. Bên cạnh đó, huyện Gò Công Đông có nhiều làng nghề truyền thống, như: Khảm ốc xà cừ, tranh kiếng, củ cải muối, dệt chiếu, chế biến cá khô, các loại mắm.
Huyện Gò Công Đông còn có Lễ hội Nghinh Ông tại thị trấn Vàm Láng và các xã Tân Phước, Tân Thành; Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định… Bên cạnh đó, huyện còn có những cánh đồng bạt ngàn, vườn cây trĩu quả, đặc biệt nổi tiếng với vườn sơ ri ở 3 xã Tân Đông, Bình Nghị và Bình Ân. Trái sơ ri Gò Công được thiên nhiên ưu ái ban tặng đầy đủ hương sắc mà không vùng đất nào có thể sánh được, cùng với đó là các sản phẩm đặc trưng của địa phương, như: Mãng cầu trái tròn, dưa hấu biển…
THỦY LINH (tổng hợp)