Cách mạng tháng Tám - nguồn cảm hứng mới của thơ ca Việt Nam
Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại đã thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam, từ thân phận nô lệ sang làm chủ đất nước. Cũng từ đó, thơ ca Việt Nam đã tìm được nguồn cảm hứng mới.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước, khung trời mới cho thơ ca Việt Nam. |
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc cách mạng "long trời lở đất" của nhân dân một nước thuộc địa, chịu hai tầng áp bức của thực dân, phát xít, đã lập nên một nước Việt Nam mới và trở thành ngọn cờ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là ở các nước thuộc địa.
Không khí hào hùng của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã ngay lập tức tạo nên nguồn cảm hứng mạnh mẽ mới cho thơ ca Việt Nam.
Ngay sau những ngày đầu khởi nghĩa giành được chính quyền về tay nhân dân (19-8-1945), đã có nhiều bài thơ, trường ca thể hiện khung cảnh vĩ đại khi đất nước được giải phóng.
Nhà thơ Tố Hữu (1920-2002), "Con chim Sơn ca của cách mạng", là người ghi lại sớm nhất giây phút chói ngời, thăng hoa của lòng người trong sự kiện lớn lao nhất của dân tộc.
Cảm xúc không thể kìm nén của ông bùng cháy trong "Huế tháng Tám": Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gẫy, hãy bay lên ! Sông núi của ta rồi! Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi. Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc! Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc. Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta? Ta hét huyên thiên, ta chạy khắp nhà… Ai dám cấm ta say, say thần thánh"...
Với nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985), dường như cảm xúc của ông về cuộc Cách mạng tháng Tám không thể gói gọn trong một bài thơ nên ông đã viết trường ca "Ngọn Quốc kỳ" (tháng 11-1945).
Trường ca này được sáng tác ngay sau ngày cách mạng thành công (23-8-1945). Trong những ngày ấy, trong ánh sáng của cách mạng, lòng người, đất nước đều tươi mới và điều đó tập trung nổi bật trên lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp làng mạc, phố phường.
Với "Ngọn Quốc kỳ", nhà thơ Xuân Diệu diễn tả niềm hạnh phúc lớn lao của nhân dân ta khi giành được độc lập. Nhà thơ trân trọng chọn hình tượng thiêng liêng là lá cờ Tổ quốc để bày tỏ cảm xúc trào dâng của mình cũng như cả dân tộc khi ấy: "Có mấy bữa mà Việt Nam thắm cả/Khắp Việt Nam cờ mọc với lòng dân"… Và lá cờ đỏ sao vàng, biểu tượng thiêng liêng của dân tộc qua bao nắng mưa, gian khổ lấp lánh mãi muôn đời: "Sao vẫn sáng, máu xây nền vẫn đỏ! Cờ là đó, Việt Nam này vẫn đó/Hồ Chí Minh, muôn thuở Tiến quân ca/Sáng muôn năm, nền dân chủ cộng hòa".
Được khơi nguồn từ Cách mạng tháng Tám, ngay cả nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1916-1976) cũng trào dâng cảm xúc để khắc họa hình ảnh đẹp đẽ, tráng lệ của lá cờ đỏ sao vàng ở Thủ đô Hà Nội trong những ngày tháng 8-1945. Mỗi đường phố thành những nhánh sông đỏ bóng cờ. Cả Thủ đô cũng thành một lá cờ vĩ đại với năm cánh sao là năm cửa ô: Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy/Là những nhánh sông đỏ bóng cờ/Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại/Năm cánh xòe trên năm cửa ô.
Có thể thấy, Cách mạng tháng Tám không chỉ làm hồi sinh cả một dân tộc mà còn khơi dòng một nền thơ ca mới-thơ ca cách mạng. Trong đó, có nhiều nhà thơ lớn nhờ đó đã nhìn nhận cuộc sống, con người với tâm thế mới, xúc cảm mới….
Nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, đọc và tìm hiểu một số bài thơ vết về thời điểm lịch sử hào hùng này, một lần nữa chúng ta được làm giàu thêm cảm nhận về cuộc cách mạng kỳ diệu của nhân dân ta do Đảng và Bác Hồ vĩ đại dẫn dắt. Qua đó, ta càng thêm tự hào về lịch sử, về ngày lễ trọng đại của dân tộc và niềm hạnh phúc của cuộc sống hôm nay.
Theo baochinhphu.vn